70 năm giải phóng Thủ đô

Đề án số hóa truyền hình Việt Nam: Nhiều lợi ích

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại buổi làm việc của UBND TP Hà Nội với Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam sáng 12/3, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Hà Nội quyết tâm là một trong những đơn vị đi tiên phong thực hiện Đề án này và phấn đấu hoàn thành sớm việc số hóa truyền hình so với kế hoạch.

Bởi thực hiện hiệu quả Đề án sẽ mang tới nhiều lợi ích, phù hợp nhu cầu của người dân.

Tiện ích và tiết kiệm

Mục tiêu của Đề án số hóa truyền hình Việt Nam là đến năm 2020, chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng từ công nghệ tương tác (analog) sang công nghệ số (digital). Theo đó, đến năm 2015, 80% hộ gia đình có máy thu hình xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau, trong đó truyền hình số mặt đất chiếm khoảng 55%. Con số này đến năm 2020 sẽ lần lượt là 100% và 45%. Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, việc chuyển sang truyền hình số mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội như kênh chương trình sẽ tốt hơn do có độ phân giải cao HD và số lượng kênh nhiều hơn (hàng trăm kênh). Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm tổ chức lại hệ thống đài truyền hình địa phương để các đài tập trung sản xuất nội dung thay vì lo phát sóng như thời gian qua, nhằm tiết kiệm tần số, chi phí hạ tầng. Quá trình số hóa truyền hình đặc biệt tối ưu hóa việc khai thác và sử dụng hiệu quả hạ tầng truyền dẫn phát sóng. Hiện đã có 8 nước trên thế giới hoàn tất việc chuyển đổi này.
Kỹ thuật viên VTVcab lắp đặt đầu thu HD cho khách hàng.       Ảnh:  Trần Dũng
Kỹ thuật viên VTVcab lắp đặt đầu thu HD cho khách hàng. Ảnh: Trần Dũng
Các nhà chuyên môn nhận định, truyền hình số mặt đất có những ưu điểm vượt trội như chống nhiễu cao, có khả năng phát hiện và sửa lỗi, chất lượng chương trình trung thực, ít bị ảnh hưởng nhiễu đường truyền, tránh được hiện tượng bóng hình thường gặp ở truyền hình tương tác. Truyền hình số mặt đất phát được nhiều chương trình đồng thời trên một kênh, tiết kiệm kinh phí đầu tư và vận hành... Thêm vào đó, còn cho phép truyền đồng thời cả tín hiệu truyền hình, phát thanh và các dịch vụ truyền dữ liệu khác cũng như hỗ trợ thu tín hiệu trên thiết bị di động. Người dùng chỉ cần sử dụng ti vi và ăngten thông thường cùng với bộ chuyển đổi Digital/Analog (đầu thu số).

Tiên phong để rút kinh nghiệm

Để hoàn thành đúng tiến độ triển khai giai đoạn 1 của Đề án (trước 31/12/2015 tắt sóng truyền hình Analog, chuyển sang phát sóng truyền hình Digital tại 5 TP trực thuộc T.Ư), đồng thời nắm bắt được những lợi ích mà Đề án mang lại, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: Từ năm 2010, Hà Nội đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư kinh phí cho việc phát sóng truyền hình số của TP. Hiện Hà Nội đã khai trương và đưa vào sử dụng Trung tâm truyền dẫn phát sóng và cột ăngten cao 250m của Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội tại Mễ Trì (huyện Từ Liêm). Đặc biệt, ngày 28/10/2013, UBND TP đã phê duyệt Dự án Chuyển đổi công nghệ số hóa sản xuất - phát sóng truyền hình Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội giai đoạn 2013 - 2015, với tổng mức đầu tư trên 317 tỷ đồng. Về việc thu sóng truyền hình kỹ thuật số, từ năm 2013, Hà Nội đã có Đề án riêng, ưu tiên hỗ trợ kinh phí (hơn 75 tỷ đồng) mua đầu thu kỹ thuật số cho 9 xã miền núi và một số xã ven sông. Trong thời gian tới, TP sẽ cùng Bộ TT&TT hỗ trợ kinh phí mua đầu thu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách trên địa bàn để sớm hoàn thành mục tiêu 95% hộ thu được truyền hình kỹ thuật số. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, đây là nhiệm vụ mới, có tính chuyên ngành cao, nên Hà Nội mong sớm có tài liệu cụ thể phục vụ tuyên truyền tại địa phương. Điều này sẽ tạo thuận lợi để Hà Nội hoàn thành Đề án số hóa truyền hình trước tháng 12/2015; đồng thời rút kinh nghiệm cho các địa phương khác.

Để thực hiện hiệu quả hơn Đề án trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng khẳng định, Ban chỉ đạo Đề án sẽ tập huấn cho lãnh đạo các đài phát thanh truyền hình, cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn TP Hà Nội; hỗ trợ kinh phí mua thiết bị thu sóng truyền hình số cho hộ nghèo… Bên cạnh đó, đề nghị UBND TP Hà Nội cùng với các bộ ban ngành liên quan thực hiện tốt việc thanh kiểm tra, giám sát các đơn vị sản xuất, nhập khẩu, buôn bán thiết bị thu, phát sóng truyền hình kỹ thuật số.