Mới đây, sau rất nhiều ý kiến trao đổi trên các phương tiện thông tin đại chúng, cộng đồng mạng và cả trên diễn đàn Quốc hội về vấn đề sách giáo khoa (SGK), Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ra Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Chỉ thị này là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu ngành GD&ĐT các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông ở địa phương tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về việc giữ gìn, bảo quản SGK và nâng cao hiệu quả sử dụng, tăng tỷ lệ SGK được sử dụng lại nhiều lần để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn SGK để học tập, vận động học sinh quyên góp, ủng hộ SGK cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.
Có thể nói đây là văn bản chỉ đạo cần thiết và kịp thời của người đứng đầu ngành giáo dục đào tạo.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, sự chỉ đạo cần thiết và kịp thời của Bộ trưởng có đi vào cuộc sống hay không, phụ thuộc rất lớn vào sự thực hiện của cơ quan giáo dục đào tạo các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông. Và không chỉ có vậy, nó còn phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành động của đội ngũ giáo viên, các bậc phụ huynh và các em học sinh.
Cũng cần nhắc lại, đây không phải lần đầu tiên câu chuyện nâng cao hiệu quả sử dụng SGK được đề cập tới. Thậm chí nó là chuyện bình thường của nhiều thế hệ học sinh thời gian cách nay chừng nửa thế kỷ trở về trước. Cứ chuẩn bị vào năm học mới là mọi người, mọi nhà lại sửa soạn, bọc lại những cuốn sách giáo khoa cũ để các cô cậu học sinh sử dụng. Em học lại sách của anh, chị là chuyện tất nhiên.
Cũng như vậy, giữ gìn sách giáo khoa sạch sẽ, không rách, bẩn là việc đương nhiên của mỗi cô cậu học trò. Việc thư viện các trường học tổ chức cho học sinh mượn SGK, vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng cũng là chuyện bình thường.
Điều đáng nói là những công việc đó được thực hiện một cách tự giác cả với nhà trường, cha mẹ học sinh và mỗi em học sinh mà không cần một chỉ thị nào của các cấp quản lý.
Rất tiếc là cái nền nếp tốt đẹp của một thời thương khó ấy đã dần phôi pha. Vẫn biết là một khi có điều kiện về kinh tế, cha mẹ nào cũng muốn cho con em mình điều kiện học tập tốt nhất, trong đó có những bộ sách giáo khoa mới, in đẹp, tạo hứng thú trong học tập. Nhưng cũng cần biết là những bộ sách càng được in đẹp, càng đáng được trân trọng giữ gìn. Và cũng cần nhớ là trong xã hội còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng. Và cái nền nếp tốt đẹp nêu trên vẫn còn cần thiết.
Ở một góc độ khác, xây dựng (hay khôi phục) nếp đẹp giữ gìn cẩn thận để các em lớp sau có thể sử dụng lại SGK không chỉ mang ý nghĩa tiết kiệm, nó còn giáo dục con em chúng ta ý thức trân trọng những sản phẩm được tạo ra bởi sức lao động của xã hội, ý thức biết nghĩ đến người còn khó khăn.
Tất nhiên, để nếp đẹp đó có thể thực hiện, còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác, mà rõ nhất là sự ổn định của chương trình giáo dục, cũng là điều kiện để SGK không thay đổi nội dung, dùng được nhiều lần.
Mặc dù vậy, với những ý nghĩa đã nêu ở trên, hy vọng Chỉ thị số 643/CT- BGDĐT của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ được quán triệt, đi vào cuộc sống. Và quan trọng hơn, để từ những năm học tới, Bộ trưởng sẽ như các vị tiền nhiệm của ông những năm 1960 của thế kỷ trước, không cần ra chỉ thị về vấn đề này.