70 năm giải phóng Thủ đô

Đề cao giáo dục an toàn giao thông từ học đường

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TNGT đang diễn ra từng ngày, từng giờ và mối hiểm nguy không loại trừ một ai. Mỗi ngày trôi qua có hàng trăm sinh mạng bị đe dọa bởi TNGT.

 Đáng buồn hơn khi không ít những nạn nhân của TNGT là học sinh, sinh viên (HS, SV). Vì vậy, một trong những việc làm để thực hiện ATGT là hãy tuyên truyền, giáo dục hơn nữa văn hóa giao thông cho mọi người, nhất là cho đối tượng HS, SV ngay tại trường học.

Đưa giáo dục giao thông vào trường học

Theo đánh giá của Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt, tình trạng HS, SV vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn diễn biến phức tạp, các lỗi chủ yếu mà nhóm đối tượng này vi phạm là: Không đủ độ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông, không giấy phép lái xe; vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng; không đội mũ bảo hiểm, HS đi xe đạp dàn hàng ngang lấn chiếm lòng đường... không chỉ nguy hiểm đến tính mạng các em mà còn đe dọa đến sự an toàn của người khác. Để ngăn ngừa mối họa này, toàn xã hội, nhà trường và gia đình phải nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, lường trước hậu quả để chủ động giúp con em phòng ngừa tai nạn.
Đội CSGT số 2 xử lý học sinh vi phạm giao thông trên phố Thụy Khuê.      Ảnh: Thanh Hải
Đội CSGT số 2 xử lý học sinh vi phạm giao thông trên phố Thụy Khuê. Ảnh: Thanh Hải
Giải pháp cơ bản đồng bộ cần triển khai trước mắt cũng như lâu dài là phải đưa giáo dục giao thông vào trường học. Cần cùng nhau xây dựng một kế hoạch, chương trình dài hạn, đồng bộ để tạo ra một thế hệ mới thấu hiểu và tự giác nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy định về luật giao thông như Nhật Bản, Singapore đã làm. Hay như nước Pháp cũng đang thực hiện với chương trình “Phòng ngừa TNGT” đảm bảo mỗi HS được học một giờ về ATGT mỗi tháng trong suốt quá trình đi học. Câu hỏi đặt ra, vì sao Hà Nội và cả nước chưa đi theo cách này? Hàng ngày, các phương tiện thông tin đại chúng vẫn liên tục thông tin về các vụ tai nạn, UTGT khắp mọi miền cả nước để tuyên truyền nhưng trong các trường học vẫn “nhạt nhòa”. Thực tế, chúng ta chưa làm đúng mức, chưa đúng tầm trong các nhà trường ở mọi cấp học để “tạo ra một thế hệ mới thực sự hiểu biết và tự giác chấp hành các quy định và luật lệ giao thông của người tham gia giao thông”. Hãy nghiêm túc làm việc này kiên trì, quyết liệt, liên tục và đầy sáng tạo với tầm nhìn xa hơn cho thế hệ trẻ sau này, giảm đi những “nỗi đau con trẻ”.

Hãy bắt đầu từ trẻ em

Đã đến lúc cần đẩy mạnh hơn công tác tuyên truyền trong trường học, hàng tháng có thêm một buổi “thực hành” trên đường cho các em HS về ATGT, thậm chí tham gia hướng dẫn điều khiển giao thông cùng các chiến sĩ CSGT. Tuyên truyền mạnh trong nhà trường sẽ gián tiếp tác động đến phụ huynh HS để người lớn tự giác nêu gương. Ý thức tham gia giao thông có được ban đầu là do nhận thức, sau đó là được nuôi dưỡng, rèn luyện và phát triển. Nhận thức tốt, rèn luyện tốt sẽ tạo được ý thức tốt. Ý thức giao thông tốt hay xấu là do tác động trực tiếp bởi nhiều yếu tố cụ thể, mà trong đó quan trọng nhất là giáo dục Luật Giao thông đường bộ, kiểm tra việc thi hành luật và chế tài, tính khoa học và triển khai áp dụng ngay tại trường học. Để làm được điều này, đội ngũ giáo viên cần nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy và học về ATGT; nội dung giảng dạy phải phù hợp với đối tượng; nên trang bị mô hình mô phỏng các tình huống giao thông cùng thiết bị trợ giúp cho việc học tập thực tế, giúp cho HS dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hiện. Cần đưa chuyên đề ATGT vào chương trình đào tạo như một môn học bắt buộc và khuyến khích vai trò chủ động, tích cực của HS trong tìm hiểu kiến thức.

Hiện nay, một số trường đã đầu tư giáo án điện tử thông minh, điều đó hỗ trợ rất nhiều cho các tiết học về ATGT, giáo viên có thể đưa các tình huống thực tế, các hình ảnh trực quan sinh động để giúp HS nhận thức tốt hơn về các quy định của pháp luật ATGT và bảo đảm an toàn cho bản thân khi tham gia giao thông. Đối với HS, ngoài việc giúp cho các em nhận thức các quy định của luật giao thông, cần hướng dẫn cho các em những tình huống giao thông an toàn và các kỹ năng phòng, tránh tai nạn. Thực tế cho thấy, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng trong ngành GD&ĐT, lực lượng CSGT và các đơn vị truyền thông sẽ mang đến hiệu quả tích cực cho việc tuyên truyền giáo dục ATGT đối với HS, SV, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội, hướng đến một nền giao thông an toàn và văn minh.

HS, SV là một trong những đối tượng có tác động không nhỏ đến văn hóa giao thông. Bởi đây là lực lượng dễ tiếp xúc, tuyên truyền hiệu quả làm thay đổi nhận thức của xã hội trong vấn đề chấp hành pháp luật về ATGT. Cần phải có “chương trình kế hoạch đồng bộ, liên tục, sáng tạo nâng cao hiệu quả giáo dục” để tác động mạnh vào ý thức người tham gia giao thông trẻ “buộc phải chấp hành cho thành thói quen” tạo ra “một xã hội có ý thức, hành động tự giác, nghiêm chỉnh” mọi quy định về ATGT trở thành mệnh lệnh cho chính mình. Nhà trường nên là nơi đào tạo ra một thế hệ mới chủ nhân tương lai của đất nước thấu hiểu và tự giác cao, nghiêm chỉnh chấp hành mọi nội quy về ATGT.