Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để cây xanh mãi là dấu ấn của Hà Nội

Triệu Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những nỗ lực không mệt mỏi, Hà Nội đã phát triển nhanh mạng lưới cây xanh ở mọi chốn, mọi nơi, từ nội thành tới các vùng ngoại ô, các đường vành đai.

 

Để cây xanh mãi là dấu ấn của Hà Nội - Ảnh 1
Hà Nội hiện là một trong những đô thị có nhiều cây xanh nhất trên thế giới

Mới đây, chuyên trang du lịch nổi tiếng thế giới TripAdvisor đã công bố 25 điểm đến được yêu thích nhất châu Á 2022. Trong đó, TP Hà Nội đứng thứ 17, được giới thiệu là một thủ đô thân thiện, hiện đại, nhưng vẫn bảo tồn được các giá trị văn hóa lâu đời.

Cùng với đó, theo báo cáo của UNESCO, Hà Nội hiện là một trong những TP có nhiều cây xanh nhất trên thế giới. Một trong những điểm tạo nên sự thân thiện của Thủ đô đó là sự xanh mát của bóng cây. Hà Nội ấn tượng với các tuyến phố cổ thường được trồng những loại cây đặc trưng, như phố Phan Đình Phùng với hàng sấu cổ thụ trải dài, tán lá dày xanh mướt. Hay phố Lò Đúc với những thân cây sao đen cao hàng chục mét, vượt lên những ngôi nhà cao tầng.

Ông Phạm Văn Sơn - Tổ trưởng Tổ dân phố số 18, phường Phúc Xá, quận Ba Đình cho biết: “Vài năm vừa qua, hệ thống cây xanh của Hà Nội đã có những chuyển biến rất rõ rệt, tích cực. TP đẹp hơn, xanh mát hơn nhờ các hàng cây đều tăm tắp, màu sắc phong phú, đẹp quanh năm. Một số tuyến đường còn trở thành “điểm hẹn” cho giới trẻ đến chụp ảnh, hoặc diễn ra hoạt động văn hoá, văn nghệ. Hà Nội bây giờ đã thật sự đẹp hơn rất nhiều”, ông Sơn cho biết.

Trong nhiều năm qua, Hà Nội đã liên tiếp cho trồng mới hàng vạn cây xanh. Tại các đường phố cổ, hễ chỗ nào có cây lâu niên bị đổ thì lập tức chỗ đó, một cây con khác được trồng thay thế. Không ít đường phố được nâng cấp, mở rộng, ở 2 bên đường được trồng mới nhiều loại cây xanh. Những con đường mới mở sau này, mang vóc dáng hiện đại như đường Phạm Văn Đồng, đường Phạm Hùng, đường Lê Đức Thọ, đường Hoàng Quốc Việt, đường Võ Chí Công, đường Võ Nguyên Giáp…, dọc 2 bên các đường phố này, đều mọc lên những vườn cây xanh, hàng cây xanh!

TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch trồng mới 500 nghìn cây xanh đô thị trên địa bàn TP, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, trong năm 2023, Hà Nội sẽ trồng bổ sung, thay thế cây bóng mát vào những vị trí cây chết, hố trống, cây cong, xấu, già cỗi; thay thế cây xanh không thuộc danh mục cây đô thị trên một số tuyến phố, trong khuôn viên các trụ sở, trường học, BV...

Nhiều chuyên gia cho rằng, cây xanh đô thị được trồng đường phố ở Hà Nội cơ bản phải xét tới mấy yếu tố như chịu được điều kiện đất đai, thời tiết đặc thù tại Hà Nội; chống chịu được gió bão; hình dáng đẹp, tán có hình khối vừa tạo dáng vừa che bóng được; hoa – quả có mùi thơm thì tốt, hay ít nhất phải không độc, không gây ô nhiễm; cây phải ít sâu bệnh…

Theo GS.TS Ngô Quang Đê, trường ĐH Lâm nghiệp, Hà Nội nên quy hoạch mỗi đường là một loại cây, phân bố làm sao để bốn mùa đều có những tuyến đường hoa nở. Điều này sẽ giúp TP Hà Nội luôn luôn trong trạng thái cây xanh mát, hoa khoe sắc. “Cây xanh là một thể sống, có sự trao đổi chất với môi trường bên ngoài, khác xa so với các kiến trúc máy móc. Nó có thể thay đổi theo mùa vụ, theo tuổi, khí hậu, đất đai. Vì thế, việc cây xanh được trồng như thế nào, trồng ở đâu cần tính toán, nghiên cứu tỉ mỉ. Vì vậy, Hà Nội cần nghiên cứu, trồng nhiều hơn các loài cây phù hợp với khí hậu lạnh, mà vẫn cho vẻ đẹp tự nhiên”, GS.TS Ngô Quang Đê phân tích.

Đồng quan điểm, chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường - Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đánh giá cao chương trình, mục tiêu của TP khi đầu tư lớn để gia tăng số lượng cây xanh trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, theo ông câu chuyện cây xanh đô thị ở Hà Nội vẫn còn không ít tồn tại. Theo đó, việc trồng cây không chỉ phủ xanh TP, giúp điều hòa không khí, góp phần cải tạo môi trường… mà còn góp phần tạo điểm nhấn cho từng tuyến phố.

Nhiều chuyên gia đô thị cũng cho rằng, bên cạnh việc quy hoạch mỗi đường là một loại cây, cần phân bố để 4 mùa đều có những tuyến đường hoa nở. Hiện, Hà Nội đang rất thiếu những loại cây nở hoa trong mùa đông, nên TP cần nghiên cứu, trồng nhiều hơn các loài cây phù hợp với khí hậu lạnh để luôn trong tình trạng cây cối xanh mát, hoa khoe sắc. Chúng ta hiểu rõ, vì sao phải trồng nhiều cây xanh, nhất là trồng cây xanh ở một TP có đông đúc dân cư sinh sống, có đường phố dày đặc với đủ loại phương tiện tham gia giao thông đêm ngày không ngớt như Hà Nội. Nhưng hết thảy và trên hết đó là vì một Hà Nội mãi là "TP xanh hòa bình"!

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn TP có khoảng 211.470 cây bóng mát, trong đó khu vực 12 quận có 149.075 cây, với các loài chủ yếu: Xà cừ (khoảng 8.000 cây); phượng (khoảng 12.500 cây); muồng (khoảng 7.000 cây); sấu (khoảng 22.000 cây); bằng lăng (khoảng 13.500 cây)... Trong số này, có khoảng 20% cây bóng mát có tuổi đời 80-100 năm.