Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đế chế Coca-Cola: Kẻ đào mỏ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với sự hỗ trợ của các chuyên gia môi giới, bước đầu tiên của đợt phát hành cổ phiếu đã diễn ra khá suôn sẻ.

KTĐT - Với sự hỗ trợ của các chuyên gia môi giới, bước đầu tiên của đợt phát hành cổ phiếu đã diễn ra khá suôn sẻ.

Ban đầu, Chủ tịch Coca-Cola Howard Candler không hề hay biết mưu đồ đang được tiến hành khẩn cấp nhằm thôn tính công ty do cha mình gây dựng. Miếng mồi kinh tế và lời hứa quyền lực đã giữ ông không chống lại âm mưu này.

Nhưng bấy giờ, sự hợp tác của Howard - với cương vị chủ tịch Coca-Cola - là yếu tố sống còn. Nếu như ông làm ầm ĩ mọi chuyện hoặc tiết lộ hành động gian trá của Robert W. Woodruff - người nắm quyền sở hữu và quản lý dây chuyền sản xuất Coke, ông sẽ khiến các nhà đầu tư cảm thấy hoang mang và làm hỏng đợt phát hành cổ phiếu thường lần này của Coca-Cola. Hành động của ông có thể phá hủy mọi thứ.

Không có gì ngạc nhiên khi Howard cảm thấy buồn rầu và chán nản. Mặc dù là chủ tịch của công ty, nhưng không một ai báo cho ông biết về vụ mua bán, về Trust, về người đứng đằng sau vụ thỏa thuận cũng như tại sao ông lại mất chiếc ghế Chủ tịch vào tay người anh em họ Sam Dobbs. Sau này, ông kể lại: “Tôi đã không làm gì để chống lại nhóm bao tiêu. Trước khi sự việc diễn ra, tôi không hề hay biết gì cả”.

Cuối tháng 8, đầu tháng 9/1919, sau khi Ernest Woodruff và các giám đốc của Trust tiến hành mua lại cổ phần Coca-Cola của tập đoàn “gia đình” Candler, một chiến dịch bắt đầu được tiến hành nhằm mục đích lấy lại niềm tin của Howard và thuyết phục ông tham gia vào đội ngũ mới. Một trong những hành động nhằm lôi kéo Howard là việc sắp xếp cho em vợ của Howard, Thomas K. Glenn, một vị trí trong hội đồng quản trị của công ty mới. Glenn là một trong những phụ tá thân tín nhất của Ernest Woodruff. Khá cởi mở với khuôn mặt tròn trịa, hồng hào gợi lên sự tự tin, Glenn luôn tìm cách thuyết phục Howard rằng dù có nhiều tai tiếng nhưng Woodruff là một cộng sự không tồi.

Ngoài ra, tiền bạc cũng là một trong những nguyên nhân khiến Howard không gây rắc rối. Cổ phần của ông trong tổng số tiền 15 triệu đôla, giá mua công ty (sau khi trừ tất cả các chi phí và các khoản bắt buộc) lên tới 1,85 triệu đôla tiền mặt. Ngoài ra, Howard còn nhận được 1,38 triệu đôla từ cổ phiếu ưu đãi mà giá trị của nó liên quan mật thiết tới hiệu quả hoạt động hiệu trực tiếp của công ty.

Chị gái và ba người em khác của ông cũng có số cổ phần tương tự. Việc đảo lộn mọi chuyện sẽ làm tài sản của họ tiêu tan. Tuy nhiên, liều lĩnh gây ra tình trạng chia rẽ hay dũng cảm đường đầu với người khác trong các cuộc đua về ý chí, nghị lực không phải là bản tính tự nhiên của Howard. Dầu vậy, yếu tố cuối cùng đảm bảo sự hợp tác của Howard chỉ là một lời hứa đơn giản rằng ông vẫn là người cần thiết cho công ty và như thế ông sẽ tiếp tục có một công việc để làm.

Sáng ngày 16/9/1919, ban giám đốc đã nhóm họp tại số 61 đại lộ Broadway. Họ đại diện cho các nhà đầu tư đến từ Atlanta và phố Wall, một liên minh chẳng lấy gì làm bền vững bao gồm những cá nhân cứng rắn, chỉ vừa bắt đầu thăm dò ý định của nhau. Dẫn đầu nhóm Phố Wall là Gene Stetson và E.V.R Thayer - Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Chase National Bank; trong khi đó, Woodruff lại là người đứng đầu nhóm Dobbs, Glenn, Harold Hirsch và một trong những nhà đầu tư lớn nhất ở Georgia, W. C. Bradley. Bill D’ Arcy và một trong những nhà cung cấp đường chính cho công ty là Robert W.Atkins cũng tham dự cuộc họp lần này. Với quá nhiều thành phần đại diện cho các nhóm lợi ích khác nhau như vậy, việc nảy sinh mâu thuẫn về định hướng cho công ty là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng ưu tiên số một của cuộc họp là chăm sóc Howard Candler.

Ban giám đốc nhanh chóng bầu Howard vào vị trí chủ tọa. Đây là bước đi đã được lên kế hoạch từ trước và thực hiện một việc không giống như tiền lệ là chính thức áp dụng một qui chế hoàn toàn mới quy định quyền hạn của Candler tương đương với Dobbs, vị chủ tịch mới. Điều này đồng nghĩa, tiền lương của Howard sẽ ngang bằng Dobbs - 25.000 đôla và Howard sẽ tiếp tục quản lý hoạt động sản xuất của công ty.

Candler ngay lập tức thể hiện quyền lực của mình bằng cách ngắt quãng cuộc họp để đưa ra câu hỏi về những quyết định tạm thời mà Woodruff và Dobbs thực hiện trong suốt bốn tuần kể từ khi bắt đầu sự vụ mua bán cổ phần. Chẳng hạn Trust đã mua một phòng thí nghiệm hóa học mà Candler cho rằng hầu hết những vật dụng của nó là vô dụng. Ông đã đưa ra giải pháp là bán đi phần lớn các dụng cụ và ý kiến này được mọi người tán thành. Sau đó, ông lại đưa ra lời đề nghị di dời các nguyên vật liệu còn lại, và một lần nữa nhận được sự ủng hộ của ban giám đốc. Tóm lại, sáng hôm đó, tất cả mọi ý kiến Candler đưa ra đều được ban giám đốc thông qua và họ thực hiện điều đó với một thái độ nhã nhặn hết sức có thể. Bất kể những gì ông muốn đều được thực hiện rất nhanh.

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia môi giới, bước đầu tiên của đợt phát hành cổ phiếu đã diễn ra khá suôn sẻ. Tất cả số cổ phiếu được đặt trước chỉ trong vòng một ngày trước đợt phát hành. Bước thứ hai đang được tiến hành khi các nhà môi giới bán lại cổ phần cho các nhà đầu tư cá nhân. Nếu mức giá 40 đôla được chấp nhận, Woodruff và những đối tác của ông sẽ kiếm được một khoản tiền rất lớn.

Trên thực tế, Woodruff đã kiếm được tiền bằng rất nhiều cách và thật khó có thể biết hết các cách thức của ông. Đầu tiên là từ chính ngân hàng của Woodruff. Là người đứng đầu nhóm bao tiêu, Trust được trả một khoản tiền gọi là phí giám hộ (custodial fee, phí trả bởi các thể chế tài chính giữ cổ phiếu an toàn cho nhà đầu tư) nhờ việc chuyển giao quyền sở hữu 417.000 cổ phiếu thường, được bán qua các văn phòng giao dịch chứng khoán.

Thêm vào đó, ban giám đốc của Trust nắm giữ hơn 3,4 triệu đôla trong số nợ của các nhà môi giới và cá nhân những người mua các cổ phiếu này và chính ngân hàng này cũng hoạt động như một nhà môi giới thương mại khi phân phối trực tiếp 50.000 cổ phiếu cho công chúng. Cuối cùng, quan trọng nhất là Trust đã giữ lại 24.900 cổ phiếu mà rất ít người biết với mệnh giá 5 đôla. Luật pháp liên bang không cho phép một ngân hàng đóng quá nhiều vai trò trong cùng một vụ giao dịch. Nhưng ở thời điểm bấy giờ, toàn bộ sự việc vẫn được coi là hợp pháp. Trust là người mua, người bán, kẻ cho vay đồng thời cũng là người trung gian và ở vị trí nào cũng thu được lợi nhuận.

Bản thân Woodruff cũng có cổ phần trong vụ giao dịch. Ông nắm 2000 cổ phiếu mệnh giá 5 đôla, số lượng vừa đủ để xem như một khoản vốn đầu tư vĩnh viễn để an hưởng tuổi già. Và những giám đốc nhà băng đã trọng thưởng ông vì đã khéo xoay xở vụ thương lượng bằng cách chia cho ông 20000 cổ phiếu thường của Coca-Cola để nâng giá trị cổ phiếu của chính ông trên thị trường.

Tất cả những việc làm của Woodruff chỉ để chứng tỏ một điều là ông muốn và cần phải bán các cổ phiếu của Coca-Cola cho càng nhiều người càng tốt với mức giá cao nhất có thể. Đóng vai một thương nhân vận chuyển hàng biển, ông đứng chào hàng ở một góc phố trên đại lộ Edgewood và con phố Pryor dưới mái vòm đá lối vào nhà băng. Ông lôi kéo hàng chục người dân Atlanta và bán cổ phiếu cho họ.

Một giám đốc nhà băng về hưu ở Atlanta thuật lại: “Ông ta gặp những người qua lại trên con phố và dẫn họ đến bàn cho vay chiết khấu rồi nói: ‘Hãy cho anh bạn này vay 10.000 đôla hay 20.000 đôla’, và nhân viên thu ngân chỉ còn việc là đưa ra số tiền đó”. Đến ngày hôm sau, các nhân viên nhà băng và Ủy ban tài chính mới biết việc này. Họ giận dữ: “Kẻ nào đã dàn xếp những tấm phiếu quái quỷ này?” rồi sau đó lại dịu lại: “Nhưng thật tuyệt đấy chứ!”

Price Gilbert, một thẩm phán thuộc tòa án Tối cao Georgia nhớ lại một lần, Woodruff đã đề nghị ông đến nhà băng. Khi Gilbert tới nơi, Woodruff chào đón ông bằng một tờ giấy ghi nợ với số tiền vay lên tới 50000 đôla đã được hoàn tất. Woodruff nói “Price, hãy ký vào đây. Tôi sẽ mua cho ông một số cổ phiếu của Coca-Cola”. Tất cả tài sản của Gilbert đều là thừa kế từ gia đình vợ; do đó, ông cần phải bàn bạc với vợ. Vợ ông khá hoang mang về lời đề nghị này nhưng ngay ngày hôm sau ông đã quay lại nhà băng và đồng ý vào cuộc chơi với số tiền 25000 đôla.

Những câu chuyện kiểu này diễn ra không chỉ một lần. Dưới sự thôi thúc của Woodruff, vài cộng sự thân tín của ông đã lập một kế hoạch đầu tư quy mô lớn vào cổ phiếu Coca-Cola. William Clark Bradley, tức “Chú Will” là một doanh nhân giàu có bậc nhất Columbus, Georgia với những khoản lợi nhuận kếch xù từ sản xuất vải cotton, hoạt động ngân hàng, vận tải biển... Mặc dù chưa bao giờ nếm thử quá một ngụm thứ nước uống này, nhưng ông đã mua cổ phiếu Coca-Cola với số lượng lớn.

Tương tự, John Bulow Campbell, một chủ mỏ than, cũng dành một khoản tiền không nhỏ đổ vào cổ phiếu của Coca-Cola. Và không chỉ những người giàu có mới dám nhảy vào cuộc chơi. Các nhân viên của Trust và Coca-Cola cũng dùng tiền lương ít ỏi của mình đầu tư vào cổ phiếu của công ty. Hàng trăm nhà đầu tư nhỏ cùng nhau rút tiền tiết kiệm hoặc vay tiền và cố gắng mua được càng nhiều cổ phiếu càng tốt.

Khi Ernest Woodruff và cộng sự kết thúc việc bán cổ phần, tất cả cổ phiếu đều được bán với giá chào thấp nhất là 40 đôla. Gần một nửa được bán ở khu vực Atlanta, nơi ước tính có khoảng 1500 người tham gia. Số còn lại được bán rải rác cho khách hàng của hàng chục công ty môi giới phố Wall và khu vực xung quanh. Kế hoạch này dường như đã thành công. Cổ phiếu thường của Coca-Cola được niêm yết trên thị trường chứng khoán New York với tên “KO” và mọi việc có vẻ như đang tiến triển thuận lợi. Không ai có thể nghĩ rằng Coca-Cola đang trên bờ vực của sự sụp đổ.