Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19:

Để chính sách không mất đi ý nghĩa thời sự

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành thêm một Nghị quyết liên quan đến hỗ trợ người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Có thể nói rằng, đây là một quyết định rất kịp thời nữa để tháo gỡ vướng mắc phát sinh từ thực tiễn, đảm bảo sự công bằng và quyền lợi cho NLĐ. Tuy nhiên, cũng một lần nữa cho thấy, việc thực thi các chính sách hỗ trợ vẫn cần sự nhanh nhạy và kịp thời hơn.

Để chính sách phát huy hiệu quả

Trong thời gian vừa qua, rất nhiều những chính sách gián tiếp và trực tiếp để hỗ trợ NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được Quốc hội, Chính phủ ban hành và thực thi. Hiện, nhiều chính sách vẫn đang được tiếp tục được thực hiện như Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được Chính phủ cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); Quyết định số 08/2022/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ…

Trao tiền hỗ trợ cho người dân xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh, Hà Nội) chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Công Hùng
Trao tiền hỗ trợ cho người dân xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh, Hà Nội) chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Công Hùng

Đặc biệt trong đó, gói hỗ trợ trên 30.000 tỷ đồng từ quỹ BHTN theo Nghị quyết số 116/NQ-CP là gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền lớn nhất từ trước đến nay. Đây là chính sách được nhận định là ban hành nhanh, rất trúng và rất cần thiết vào thời điểm năm 2021, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, NLĐ gặp khó khăn. Và ngay sau khi được ban hành, chính sách cũng nhanh chóng được triển khai, đã thực hiện chi trả cho gần 13 triệu NLĐ với số tiền hơn 30.800 tỷ đồng; giảm đóng BHTN đối với người sử dụng lao động đến 31/7/2022 đối với hơn 346.000 đơn vị, số tiền hơn 7.559 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo thống kê, sau ngày 31/12/2021 - hạn cuối giải ngân gói hỗ trợ này, vẫn còn hơn 414.000 lao động đủ điều kiện hưởng 1,8 - 3,3 triệu đồng, đã nộp hồ sơ đúng thời hạn nhưng chưa được nhận tiền. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, có cả việc thống kê chưa sát thực tiễn khi đề xuất chính sách.

Như Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đã nhận định, Nghị quyết số 03 là chính sách hỗ trợ trên diện rộng, trực tiếp, thiết thực, kịp thời, đúng thời điểm. Việc chưa chi trả đối với những trường hợp đã được xét duyệt và những lao động thuộc đối tượng hỗ trợ đã nộp hồ sơ đúng hạn theo hướng dẫn nhưng chưa được các cơ quan có thẩm quyền xét duyệt đã tạo dư luận không tốt, giảm ý nghĩa của chính sách. Việc báo cáo các vướng mắc phát sinh để giải quyết cũng chưa kịp thời.

Rất mừng, với đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết số 24/2022/UBTVQH15 (ngày 11/8/2022) về sử dụng khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ BHTN đến hết năm 2021 để tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với NLĐ thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 đã nộp hồ sơ đúng thời hạn. Thời gian thực hiện chi trả hỗ trợ NLĐ hoàn thành chậm nhất vào ngày 10/9/2022.

Như vậy, có thêm 414.000 lao động sẽ được hỗ trợ từ gói chính sách này. Như Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã nhận định, việc tiếp tục thực hiện hỗ trợ đối với các trường hợp NLĐ đã đề nghị hưởng đúng thời hạn quy định đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng và đề cao nguyên tắc chia sẻ của chính sách BHTN, tạo sự công bằng.

Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù những phát sinh đã được giải quyết bằng Nghị quyết mới nhưng qua đây cũng cho thấy, những vướng mắc trong việc triển khai chính sách đến từ phía các cơ quan có liên quan, không phải lỗi từ phía NLĐ. Bởi thế, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm để làm tốt hơn công tác theo dõi, quản lý danh sách, cơ sở dữ liệu, công tác dự báo và kết nối thông tin trong việc đề xuất ban hành chính sách cũng là một vấn đề cần quan tâm.

“Sốt ruột” vì chậm

Nếu với chính sách hỗ trợ từ Quỹ BHTN đã cơ bản giải quyết được vướng mắc, thì với tiến độ giải ngân quá chậm của gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ đang khiến không chỉ NLĐ “chờ dài” mà chính cơ quan quản lý cũng “sốt ruột” không kém. Theo quy định chậm nhất hết ngày 15/8 các tỉnh, TP phải nhận xong hồ sơ và hoàn thành chi tiền trong tháng 8 nhưng đến nay, việc thực hiện chính sách này vẫn ì ạch dù Chính phủ đã có nhiều công điện đốc thúc để bảo đảm quyền lợi NLĐ.

Như theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH), đến 16 giờ 30 ngày 14/8, vẫn có nhiều địa phương giải ngân dưới 10% gồm Bình Định (0,47%), Nghệ An (0,95%), Vĩnh Long (1,06%), Bắc Ninh (1,57%), An Giang (1,7%), Quảng Ngãi (2,35%), Thanh Hóa (2,53%), Thái Bình (2,81%), Lào Cai (3,41%), Nam Định (3,69%)…

Tại cuộc họp triển khai gói hỗ trợ này cuối tuần qua, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH nhận định, trình tự, thủ tục giải ngân đã đơn giản hết mức, chỉ cần một tờ đơn đề nghị của NLĐ, song ở một số nơi, chính quyền, DN vẫn yêu cầu thêm vài ba loại giấy tờ khiến hồ sơ chậm trễ. Hầu hết DN muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục một lần nên gói triển khai từ tháng 4 song tới tháng 7 mới làm thủ tục đề nghị hỗ trợ cho NLĐ…

Như Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã nói, gói hỗ trợ tiền thuê nhà được đánh giá nhân văn, cần thiết, lao động khát khao chờ đợi nhưng triển khai rất chậm so với nhu cầu của NLĐ cũng như tốc độ phục hồi kinh tế.

"Thủ tướng hầu như ngày nào cũng đôn đốc chuyện này, thậm chí yêu cầu điểm mặt chỉ tên từng đơn vị làm tốt, công khai nơi nào chậm triển khai. Nhiều địa phương băn khoăn về rủi ro trong chi trả nhưng không thể vì thế mà chậm trễ, thậm chí cố tình chậm là không chấp nhận được" - người đứng đầu ngành LĐTB&XH đã nói.

Nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội đã từng đặt vấn đề, tiền chúng ta đã có, đối tượng đã rõ, mục tiêu hỗ trợ cụ thể nhưng vướng ở khâu thủ tục nên triển khai chậm. Các địa phương phải thúc đẩy một cách mạnh mẽ bằng nhiều cách khác nhau để nhanh chóng triển khai chính sách này đến tay NLĐ.

Công tác xác minh ở cơ sở cần được tiến hành nhanh, rà soát nhanh chóng; không thể để việc phát sinh thêm những thủ tục riêng ở từng nơi, từng đơn vị. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để kết hợp rà soát, tổng hợp các đối tượng phù hợp nhất. Đây là vấn đề rất cần quan tâm, bởi nếu hỗ trợ không kịp thời, mục tiêu và ý nghĩa chính sách sẽ không còn tính thời sự.

 

"Cần huy động các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, địa phương trong rà soát, thông tin đến các đối tượng thụ hưởng mà chưa liên hệ được bảo đảm quyền lợi công bằng và thực hiện hỗ trợ đến được hết các đối tượng. Đồng thời, có giải pháp xử lý đối với những trường hợp vì lý do bất khả kháng mà không nhận được hỗ trợ, tránh để xảy ra khiếu kiện. Đồng thời, rà soát tổng thể việc triển khai các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được ban hành, nhất là các chính sách hỗ trợ có điều kiện (như hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ, chính sách cho vay để trả lương cho NLĐ) để khắc phục các hạn chế, xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm hiệu quả, tính kịp thời và mục tiêu của chính sách." - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh

"Quan điểm khi xây dựng chính sách hỗ trợ là phải đơn giản, nhanh chóng, kịp thời, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ bởi vì khi NLĐ đang gặp khó khăn thì sự hỗ trợ phải kịp thời là hết sức quan trọng. Thế nhưng hiện nay quá trình triển khai thực hiện chính sách đang chậm, có nhiều nguyên nhân cả ở thủ tục và thực thi. Do đó cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, thực hiện chi trả cho NLĐ đảm bảo tính thời điểm của từng chính sách." - Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam)