Để chữa căn bệnh “vinh thân phì gia”

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Làm cán bộ chỉ để “vinh thân phì gia” là một hiện tượng đã được chỉ ra từ rất sớm trong công tác cán bộ.

Và trong giai đoạn hiện nay, trước tác động của mặt trái cơ chế thị trường, căn bệnh ấy đã và đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên…
Hiện tượng không hiếm
Soi rọi vào tư tưởng Hồ Chí Minh có thể thấy, sinh thời, Người đã sớm nhìn ra và cảnh báo những căn bệnh nguy hiểm từ sự tha hóa quyền lực. Ngày 17/10/1945, trong Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng đăng trên báo Cứu quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn chỉ ra các thói xấu cần phải lên án, như: Trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Rồi hiện tượng con quan thì lại làm quan, "cài cắm" người nhà vào các vị trí lãnh đạo, ưu tiên tuyển dụng người thân, ghen ghét, đố kỵ người tài là một vấn nạn trong không ít cơ quan hành chính thời bấy giờ cũng được nhắc nhở.
 Ảnh minh họa.
Những nhắc nhở ấy của Người vẫn còn nguyên giá trị trước thực tế không ít cán bộ hiện nay, thay vì làm tròn chức trách, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” lại chỉ lo vun vén cá nhân, làm giàu cho bản thân mình và gia đình mình, hay tình trạng “cả họ làm quan”, tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích.
Một số khác thì tìm cách lạm dụng chức vụ, quyền hạn để dùng tiền ngân sách Nhà nước cho con đi du học nước ngoài, sau đó điều động, bổ nhiệm con về công tác ở những tổ chức, đơn vị kinh tế, tài chính, thương mại dễ “hái ra tiền” và nhiều bổng lộc...
Nhiều điển hình hay được nhắc đến khi nói về vấn nạn này. Trong đó, ông Vũ Huy Hoàng đã tiếp nhận, bổ nhiệm và điều động con trai là ông Vũ Quang Hải tham gia Hội đồng quản trị và giữ chức Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn; vi phạm quy định của Ban Chấp hành T.Ư về những điều đảng viên không được làm, quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng. Một báo cáo của Thanh tra Chính phủ năm 2018 còn cho biết, có năm ông Vũ Huy Hoàng đi công tác nước ngoài 163 ngày, chiếm hơn nửa thời gian làm việc trong năm khiến dư luận càng đặt dấu hỏi về trách nhiệm công bộc của ông đối với công việc.
Hay vụ việc ông Lê Phước Hoài Bảo, con trai ông Lê Phước Thanh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng nhận được nhiều ưu ái, thăng tiến thần tốc sai quy định, trở thành giám đốc sở trẻ nhất nước…
Mặc dù liên quan đến việc chống đưa người thân vào những vị trí quan trọng, các quy định cũng đã đề cập đến, nhưng thực tế vẫn còn đủ tình trạng thân quen, thậm chí là đồng hương, bạn bè cũng được cất nhắc vào những vị trí quan trọng.
Và những người được cất nhắc ấy coi mối quan hệ đó như cái bình phong, hình thành những “ông giời con” ở cơ sở, tự kiêu, tự đại, tự mãn và tiếp tục nối dài đường dây “vinh thân phì gia” ấy. Đáng nói nữa là hiện tượng tham nhũng quyền lực, tham nhũng trong xin - cho các dự án đầu tư, biến cổ phần hóa thành “chia phần hóa” cá nhân… khiến hàng loạt cán bộ bị xử lý kỷ luật.
Khi nói về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) đã phân tích, với người làm quan hiện nay, tiền tài, vật chất là một thứ cám dỗ rất khó cưỡng. Những người có chức, có quyền nhiều khi lợi dụng, tha hóa quyền lực, họ lạm quyền, lộng quyền, không kiểm soát được quyền lực dẫn đến dễ mắc sai lầm.
Tình trạng suy thoái của bộ phận này đang thể hiện rõ nhất ở tệ tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, cơ hội về chính trị, tha hóa về lối sống và đạo đức, không thực hiện nghiêm túc lời căn dặn của Bác Hồ là cần - kiệm - liêm - chính…
Một khi cán bộ, đảng viên không trong sạch về đạo đức, không trong sáng về lối sống sẽ rất khó để vượt qua được những cám dỗ của lợi ích vật chất, mà cạm bẫy dẫn con người ta tới tha hóa chính là chủ nghĩa cá nhân. Nếu việc gì cũng nghĩ tới lợi ích của riêng mình, cán bộ, đảng viên sẽ không có tinh thần vì Nhân dân phục vụ, thay vào đó là thái độ “xem khinh quần chúng”, “đục khoét của Nhân dân.
Đạo đức chính là gốc rễ
Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư Lê Quang Thưởng nhận định: Để xảy ra tình trạng một số cán bộ lạm dụng chức quyền, vun vén cá nhân trong thời gian qua cũng cho thấy đang tồn tại lỗ hổng trong công tác kiểm soát quyền lực, buông lỏng trong việc kiểm tra, giám sát, giáo dục cán bộ.
Khi bố trí một cán bộ vào những vị trí có chức, có quyền mà lại thiếu kiểm soát, giám sát, người kém bản lĩnh sẽ dễ sa ngã, vi phạm, lợi ích nhóm, tư lợi, chưa nói đến việc con người vốn ham vật chất, tham danh vọng... Điều đó cho thấy kiểm soát quyền lực cho hiệu quả thực sự là yêu cầu cấp bách nhằm ngăn chặn kịp thời các kẽ hở, lỗ hổng phát sinh tham nhũng.
Từ trước đến nay, rất nhiều tấm gương nhà lãnh đạo, quan chức các cấp đã nêu gương trong sạch, liêm khiết, điều đó tạo ra niềm tin rất lớn cho cấp dưới, niềm tin cho xã hội. Họ luôn đề cao lối sống vì dân, để không bị đồng tiền, lợi ích chi phối giá trị đạo đức, làm cho hư hỏng. PGS.TS Nguyễn Quốc Bảo (nguyên Trưởng Khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Báo chí Tuyên truyền) đã nhấn mạnh, hơn lúc nào hết phải quay trở lại tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề đạo đức phải được đặt ra đầu tiên trong tiêu chuẩn đánh giá cán bộ. Sinh thời, Bác đã chỉ ra rằng, đạo đức là cái gốc của người cán bộ đảng viên; là phẩm chất, là yêu cầu không thể thiếu của đảng viên.
Bác cũng nhấn mạnh rằng, người cán bộ không chỉ cần có tài mà cần có cả đức trước nhất. Sâu xa hơn nữa trong vấn đề đạo đức cán bộ chính là chủ nghĩa cá nhân, yếu tố dễ làm cho người cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, làm cho cán bộ nảy sinh những căn bệnh tham ô, tư túi, đặt lợi ích của cá nhân lên trên hết. Đứng trước lợi ích, họ sẵn sàng quên đi những giá trị về phẩm chất, lý tưởng, danh dự của người cán bộ đảng viên.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, việc mỗi cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ, đảng viên nắm giữ trọng trách, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức không bao giờ là thừa, không bao giờ là cũ.
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, cán bộ là phải trung thực, nêu gương, gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức trong sáng của mình. Càng làm càng phải có trách nhiệm với dân, phải thể hiện cái cốt cán, gương mẫu của một người cán bộ, một người đầy tớ trung thành với người dân.
Dù là cán bộ có chức hay cán bộ không có chức đi nữa cũng phải thể hiện là một tấm gương trong sáng, gương mẫu, thực hiện tốt những điều Bác Hồ đã dạy, cán bộ là phải liêm khiết. Những vụ việc cán bộ sa ngã vừa qua chính là bài học hết sức quý báu, rất xác đáng dành cho những ai đang đương chức, đương quyền. Bài học đó để làm gương, để làm sao mỗi cán bộ phải có một đạo đức, một tấm lòng trong sáng, phải có tâm, có tầm, có sự trung thực. Nếu ai đã làm chưa đúng thì cố gắng phấn đấu để sửa sai, để làm lại cho tốt hơn.
Hiện nay, nhiều quy định liên quan đến việc chống chủ nghĩa cá nhân, khắc phục tình trạng cán bộ lạm dụng chức quyền, chỉ lo vun vén cho bản thân, gia đình đã được chỉ ra. Trong đó, điển hình như việc nghiêm cấm lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác, "cánh hẩu" vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người...
Và như nhiều ý kiến nhận định, cùng với việc kiểm soát tốt quyền lực, tăng cường đạo đức công vụ để mỗi cán bộ xác định rõ trách nhiệm của bản thân, tư tưởng chỉ lo “vinh thân phì gia” sẽ dần dần có thể được triệt tiêu.

Không ít cán bộ hiện nay, thay vì làm tròn chức trách, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ” lại chỉ lo vun vén cá nhân, làm giàu cho bản thân mình và gia đình mình, hay tình trạng “cả họ làm quan”, tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích.


Giáo dục đạo đức, sự liêm chính

"Đã là con người thì khó có thể hoàn toàn “miễn nhiễm” trước những cám dỗ ghê gớm của vật chất và quyền lực. Bởi thế, yếu tố quan trọng vẫn là giáo dục đạo đức, sự liêm chính trong cán bộ. Từng cá nhân ở mỗi cương vị, vị trí phải có sự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức công vụ.

Là công bộc của dân, không thể dùng quyền lực của mình để lợi dụng, khai thác vật chất cho cá nhân, gia đình mình. Mỗi cán bộ, đảng viên, thực chất là cán bộ có chức quyền phải luôn khiêm tốn và tâm niệm rằng làm để cống hiến, phục vụ Nhân dân." - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão


Ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức

"Hiện tượng cán bộ đảng viên suy thoái, đi vào hưởng thụ, ham muốn vật chất, vun vén cá nhân, không hề mới. Bác Hồ đã từng cảnh báo “người cộng sản phải ít lòng tham muốn vật chất”. Bởi một số cán bộ có quyền trong tay lẽ ra phải cống hiến, làm tròn trách nhiệm vì dân vì nước, họ cũng sẽ được hưởng chế độ Nhà nước cung cấp, nhưng đây lại chỉ lo sớm cái quyền vun vén vật chất cho mình và trục lợi, “vinh thân phì gia”.

Những vụ tham nhũng vừa qua là những điển hình cho thực trạng này. Thực tế, điều kiện vật chất ai cũng muốn, nhưng phải đặt trong bối cảnh chung, việc sa đà vào chủ nghĩa cá nhân theo tôi cái chính là ở phẩm chất, đạo đức con người.

Đạo đức là quan trọng là thuộc phạm trù ý thức xã hội, nhưng cũng là kiến trúc thượng tầng của xã hội. Do đó, phải ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức, phải có sự rèn luyện, tu dưỡng, nếu cán bộ tự buông thả trước cám dỗ vật chất, sẽ trở thành kẻ thất bại trước đòn tấn công ấy, và trước sau gì cũng sẽ bị loại bỏ." - Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng- PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc