Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để cuộc sống “ấm” hơn với những người thợ dệt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từng bước khẳng định vị trí ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, ngành dệt may Việt Nam (VN) cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

KTĐT - Từng bước khẳng định vị trí ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, ngành dệt may Việt Nam (VN) cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, làm thế nào để công nhân dệt may ngày càng có cuộc sống "ấm" hơn - đây vẫn là bài toán cần lời giải thỏa đáng từ phía chủ doanh nghiệp (DN) cũng như cơ quan hữu trách…


Thu nhập thấp, lạm phát cao, công nhân khó gắn bó với DN


Trong lúc cuộc sống ngày càng nhiều khó khăn do giá cả, lạm phát tăng cao thì khảo sát gần đây tại những địa phương tập trung nhiều DN dệt may như Hà Nội, Nam Định, TP HCM… cho thấy, công nhân may mặc có thu nhập thấp nhất. Thực tế là nhiều NLĐ trong ngành này phải tằn tiện mới đủ sống.


Chị H., công nhân một nhà máy dệt ở Hà Nội, quê Bắc Ninh, kể rằng cộng tất cả các khoản lương cơ bản, tiền làm thêm giờ…, mỗi tháng chỉ được vỏn vẹn 2 triệu để trang trải cuộc sống với một loạt các loại cần tiêu. Đời sống càng cực nhọc hơn với những LĐ trong các khu công nghiệp (KCN), hầu hết từ 18 đến 30 tuổi, nữ giới chiếm trên 90%. Số người có lương trên 3 triệu đồng/tháng rất ít.


Tình trạng công nhân thu nhập thấp được cho là có nguyên nhân từ cả phía chủ DN và NLĐ. Để tối giản kinh phí đóng BHXH và tận dụng tối đa sức LĐ, các DN may thường quy định bậc lương ở mức tối thiểu, hạn chế việc lên lương của công nhân và dùng hình thức khoán sản phẩm, tăng số giờ làm thêm... Nhiều lãnh đạo DN cho biết, số công nhân tuyển được chủ yếu đều chỉ qua khoá học may 3 tháng, chưa tiếp cận với dây chuyền hiện đại nên hầu hết phải đào tạo cũng là khoản tốn phí không nhỏ cho DN. Bên cạnh đó, do đa số xuất thân nông thôn nên ý thức kỷ luật hạn chế. Nghề dệt may được xếp vào loại LĐ độc hại, khi DN dệt may đẩy mạnh hình thức làm thêm giờ như hiện nay thì mức độc hại sẽ tăng rất nhiều. Từ hàng loạt bất cập này, việc LĐ dệt may không gắn bó với DN là khó tránh. Tình trạng bỏ nghề hoặc chuyển từ DN này sang DN khác vẫn rất phổ biến.


Tìm giải pháp thỏa đáng


Ông Dương Văn Bình, Tổng giám đốc Công ty CP dệt 10/10 cho rằng: Vấn đề mấu chốt hiện nay để giữ chân NLĐ dệt may là không chỉ chăm lo đời sống vật chất, tăng thu nhập trong bối cảnh giá cả tăng cao mà quan trọng cần những chính sách đặc thù cho công nhân dệt may.


Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Thêu đan - Dệt may TP HCM nhận xét: Với tình hình lạm phát hiện nay, đồng lương của NLĐ nhận được ngay tức thời mất đi 20 - 30% giá trị thực tế. Hơn nữa, không ít DN dệt may quá chú trọng lợi nhuận mà quên chuyện cải thiện đời sống NLĐ và họ yên tâm với việc trả lương đúng theo pháp luật. Những cuộc đình công ngày càng gia tăng của công nhân dệt may vẫn có nguyên nhân chủ yếu là "cơm áo gạo tiền" mà phía chủ DN không đáp ứng. Theo ông Kiệt, dù trong hoàn cảnh nào, cốt lõi là giới chủ DN phải thật sự có tấm lòng với NLĐ, thường xuyên đối thoại với họ về những khó khăn, hỗ trợ cho họ chi phí sinh hoạt bằng tiền hay hiện vật... "Nếu DN có thiện chí chia sẻ với NLĐ qua việc chiết bớt phần lợi nhuận để chăm lo người làm việc cho mình thì sẽ giữ được công nhân có tay nghề cao, và đáp lại họ sẽ giúp công ty duy trì lợi nhuận" - ông Kiệt khẳng định.


Ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN cho biết: Ngành đã lên kế hoạch cho giai đoạn 2011 - 2015 sẽ là giai đoạn cải thiện môi trường, điều kiện làm việc, đời sống văn hóa tinh thần và thu nhập cho NLĐ. Theo đó, Tập đoàn đã xây dựng chương trình hành động gồm cả việc tổ chức những hoạt động văn hóa tinh thần, xây chung cư, ký túc xá cho công nhân khắc phục tình trạng họ phải ở trong điều kiện không tốt tại nhà trọ tư nhân. Đồng thời, chăm lo thỏa đáng đến chính lực lượng LĐ về môi trường làm việc và nhất là giải trí sau giờ làm.