Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 - giá trị xứng tầm thời đại

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn chưa ra đời, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã được Đảng thông qua và áp dụng vào thực tế cách mạng.

Điều này cho thấy tầm quan trọng của văn hóa đã được thế hệ lãnh đạo tiền bối của Đảng sớm nhìn thấy và đặc biệt coi trọng trong đường lối cách mạng. Cho đến nay, giá trị và tính hiện thực của bản Đề cương này vẫn còn nguyên giá trị.

Bài 1: Di sản quý báu cho văn hóa

Đúng 80 năm về trước, tháng 2/1943, Đề cương về văn hóa Việt Nam - văn kiện chính thức đầu tiên về công tác văn hóa, văn nghệ do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo được thông qua tại Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đảng. Văn kiện này đã trở thành một di sản quý. Ba nguyên tắc của Đề cương về văn hóa Việt Nam: Dân tộc hóa, Khoa học hóa, Đại chúng hóa, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử được vận dụng trong thực tế đã trở thành những phương châm cơ bản để văn hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943.
Bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943.

Dự báo sáng suốt về văn hóa

Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đem lại một không khí mới cho văn hóa Việt Nam. Sự khai phóng về tư tưởng văn hóa, đường hướng trở về với dân tộc, Nhân dân và góc nhìn sự vật dưới con mắt biện chứng đã đem lại một cảm hứng mới cho những người làm văn hóa, những trí thức đang muốn thay đổi, muốn tìm đường đi mà chưa thấy lối. Sự cởi mở về khâu tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân, cố kết cộng đồng trong những ngày đầu cách mạng đã làm thay đổi nhận thức xã hội. Sự tin yêu vào chủ trương cứu quốc, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, đã khiến nhiều văn nghệ sĩ, nhân sĩ, các nhà hoạt động văn hóa từ bỏ quan niệm cũ, chấp nhận một thế giới quan và nhân sinh quan mới.

PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng (Trường ĐH KHXHNV, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh khẳng định: Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã đưa ra 2 giả thuyết: Nếu nền văn hóa phát xít (văn hóa Trung cổ và nô dịch hóa) thắng thì văn hóa dân tộc Việt Nam nghèo nàn thấp kém; nếu văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ của thế giới. Đến nay, sau 80 năm, giả thuyết trên trở thành hiện thực.

“Đề cương đã trở thành một nguồn lực cách mạng mới, với ý nghĩa không chỉ là lý trí, đường lối chủ trương chung, mà còn là mối dây liên kết giữa Đảng với dân tộc (đặc biệt là giới văn hóa, văn nghệ), là nét gạch nối giữa hiện tại với quá khứ và cả tương lai…” - ông Thắng nhìn nhận.

Cùng góc nhìn, GS.TS Đinh Xuân Dũng - nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật T.Ư nhấn mạnh, Đề cương về văn hóa ra đời năm 1943 là sự thể hiện đầy sức mạnh về tầm nhìn, bản lĩnh, nhiệt huyết của những người cộng sản Việt Nam.

“Ở đây không chỉ là việc sử dụng phương thức hoạt động của văn hóa, để thực hiện mục tiêu vận động chính trị mà là sự chuẩn bị lý luận, cương lĩnh cho sự ra đời của nền văn hóa mới sau cách mạng chính trị thành công, sự vận động văn hóa như là một mặt trận, sức mạnh đặc biệt góp phần cho sự phát triển của cách mạng chính trị” - GS.TS Đinh Xuân Dũng bày tỏ.

GS Đinh Xuân Dũng cũng cho rằng Đề cương về văn hóa năm 1943 hàm chứa một nội dung rất sâu sắc là dự báo sáng suốt về tương lai của văn hóa Việt Nam thông qua 2 giả thuyết.

Chiến lược đầu tiên về văn hóa

PGS TS. Phạm Quang Long nhận định, trải qua 80 năm với những giai đoạn khác nhau của lịch sử dân tộc, những đường hướng trong Đề cương, dù được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể, vẫn giữ được tính nhất quán về đường hướng phát triển, nguyên tắc chỉ đạo. Tầm nhìn của những vấn đề trong Đề cương mang ý nghĩa cách mạng và khoa học sâu sắc. Tinh thần khai phóng ấy được tiếp tục phát triển, mở rộng trong những văn kiện quan trọng của Đảng sau này.

PGS TS. Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, từ sau năm 1943, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, kết luận nhằm phát triển văn hóa, đáng lưu ý nhất là Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm (Ban Chấp hành T.Ư Khóa VIII), Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban Chấp hành T.Ư Khóa XI), Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới. Các văn kiện này đã cụ thể hóa ba nguyên tắc phát triển văn hóa Việt Nam của Đề cương về Văn hóa Việt Nam.

Theo GS.TS Đinh Xuân Dũng, nếu coi Đề cương là sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng quan điểm, lý luận văn hóa ở Việt Nam, thì trong 80 năm qua, nhiều luận điểm của Đề cương đã được điều chỉnh, bổ sung, làm phong phú hơn. Ông Dũng cho rằng, không phải tất cả những vấn đề đa dạng, phong phú và phức tạp của đời sống văn hóa Việt Nam trong tiến trình vận động, biến đổi đều được đề cập trong Đề cương. Và, nhìn từ quan điểm hôm nay, không phải tất cả những nhận định cụ thể đều chuẩn xác, song mục tiêu chủ yếu của Đề cương là khẳng định những quan điểm gốc về chính trị, đặt nền tảng tư tưởng cơ bản để chuẩn bị cho việc tiến hành cải tạo nền văn hóa cũ và xây dựng nền văn hóa mới.

"Trong vị trí lịch sử của nó, Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 hoàn toàn có giá trị như cương lĩnh đầu tiên, là chiến lược đầu tiên về văn hóa của chúng ta" - GS.TS Đinh Xuân Dũng khẳng định.

 

"Lần đầu tiên, Đảng ta công bố quan niệm của mình về văn hóa theo quan điểm Mác xít, văn hóa được xác định là một trong ba mặt trận (cùng với mặt trận chính trị và kinh tế) trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tạo nên thay đổi mang tính cách mạng trong nhận thức về văn hóa trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước. Ý nghĩa này đã đi cùng với bản Đề cương theo suốt chiều dài lịch sử đất nước đến tận hôm nay." - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội PGS.TS Bùi Hoài Sơn

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần