Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bảo tồn, phát huy giá trị phù điêu lưu giữ lịch sử Thủ đô

Để di sản đô thị không bị lãng quên

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, UBND quận Tây Hồ tổ chức hội thảo khoa học chỉnh trang, tu bổ, tôn tạo bức phù điêu “Bắt sống phi công Mỹ John McCain”.

Cũng mới đây, UBND phường Điện Biên (Ba Đình, Hà Nội) lấy ý kiến người dân về phương án thiết kế công trình đa chức năng Postef ở khu đất vàng số 61 Trần Phú, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị, của bức phù điêu “Quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ”, kỷ niệm ngày 19/5/1967. Từ những sự việc này có thể thấy, ứng xử của cơ quan chức năng, chính quyền thuộc Thủ đô Hà Nội với các bức phù điêu - chứng tích lịch sử đã có sự đổi thay, chủ động và cẩn trọng.

Bài 1: Nơi lưu giữ lịch sử Thủ đô

Trên nhiều tuyến đường, dãy nhà của Hà Nội có những bức phù điêu, với nội dung phong phú ghi lại những thời khắc lịch sử. Để gìn giữ, phát huy giá trị các tác phẩm phù điêu, chính quyền địa phương và TP đã có những bước đi cẩn trọng, tỉ mỉ để không đánh mất vẻ đẹp - di sản kiến trúc riêng có của Thủ đô.

Dấu ấn lịch sử

Trong bối cảnh đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc, từ tháng 5 đến tháng 10/1967, không lực Mỹ đã tổ chức 5 đợt tấn công vào Nhà máy điện Yên Phụ nhằm cắt nguồn cấp điện cho Hà Nội và các tỉnh lân cận. Hàng chục máy bay cùng binh sĩ người Mỹ, trong đó có John McCain đã tấn công vào nhà máy, song đã bị bộ đội Việt Nam bắn rơi và bắt sống.

Để ghi nhớ sự kiện này, tại hè đường Thanh Niên, giữa hồ Tây và hồ Trúc Bạch (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ), bức phù điêu “bắt sống phi công Mỹ John McCain" được xây dựng năm 1967. Phi công này sau chiến tranh là Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain, người có công trong việc bình thường hóa và thúc đẩy quan hệ song phương quan hệ hữu nghị Việt - Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden dừng chân đặt hoa tưởng niệm cố Thượng nghị sĩ John McCain bên hồ Trúc Bạch, chiều 11/9/2023. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Joe Biden dừng chân đặt hoa tưởng niệm cố Thượng nghị sĩ John McCain bên hồ Trúc Bạch, chiều 11/9/2023. Ảnh: AFP

Ngoài tác phẩm trên, trên phố Hùng Vương - Trần Phú - Lê Trực - Nguyễn Thái Học còn có bức phù điêu “Dân quân tự vệ bảo vệ Thủ đô” gắn trên tường biệt thự Pháp cổ 4 mặt tiền. Bức phù điêu này cũng gắn với thời điểm lịch sử năm 1967 khi không quân Mỹ ném bom đánh phá hầu hết địa phương miền Bắc, Hà Nội là trọng điểm. Ngày 19/5, các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân cùng với quân dân Hà Nội bắn rơi 6 máy bay Mỹ, trong đó một chiếc trúng đạn, rơi xuống phố Lê Trực - vị trí đặt bức phù điêu hiện nay.

Nhớ về thời điểm thực hiện bức phù điêu, nhà điêu khắc Đặng Bích Hợp cho hay, năm 1977, bà mới chân ướt chân ráo ra trường, về làm việc tại Công ty Mỹ thuật Hà Nội. Nhà điêu khắc trẻ đã được giao làm tác phẩm kỷ niệm 10 năm sự kiện quân dân Thủ đô bắn rơi máy bay Mỹ tại phố Lê Trực (năm 1967).

Bức phù điêu được thực hiện gấp gáp, trong điều kiện kinh phí eo hẹp, không có nhân lực. Kích cỡ cuối cùng chỉ bằng 1/3 so với thiết kế ban đầu, bởi không có không gian cho tác phẩm. Nhà điêu khắc Đặng Bích Hợp chia sẻ, bà đã rất xúc động khi thực hiện bức phù điêu tại địa điểm máy bay Mỹ bị bắn rơi, đó là kỷ niệm mở đầu sự nghiệp nhưng rộng lớn hơn, đó là một phần ký ức đã được lưu giữ trong nhiều thập kỷ của người Hà Nội.

 

Bức phù điêu “Bắt sống phi công Mỹ John McCain” là hình ảnh lưu chiến công của quân và dân Thủ đô Hà Nội; việc tôn tạo, tu bổ bức phù điêu là để quản lý và giữ gìn, phát huy giá trị địa điểm lưu niệm, sự kiện; đáp ứng yêu cầu về lịch sử, ý nghĩa chính trị, ngoại giao.
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

Nói về bức phù điêu này, KTS Trần Huy Ánh bày tỏ, mỗi khi qua con phố có bức phù điêu nhắc nhớ kỷ niệm quân dân Hà Nội lập chiến công nhân ngày sinh của Bác Hồ, trong ông lại trào dâng cảm xúc về những năm tháng chống Mỹ hào hùng. Ông nhớ lại khi tiếng còi báo động vang lên, trẻ em, người già chui vào hầm trú ẩn, bộ đội lên mâm pháo, chiến sĩ tự vệ lên nóc nhà nghênh chiến với máy bay quân thù bay trên bầu trời Hà Nội. Bức phù điêu là dấu tích lịch sử để mỗi khi đi qua đó, nhiều người lại nhớ tới lời dạy của Bác Hồ năm xưa và trách nhiệm của người Hà Nội hôm nay. Phù điêu tuy nhỏ nhưng giá trị về tinh thần, cảm xúc lại vô cùng lớn.

Gìn giữ, phát huy giá trị

Nhiều năm qua, vấn đề bảo tồn, gìn giữ “ký ức đô thị” thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà quản lý, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử... và ngay cả cộng đồng dân cư cũng không chấp nhận việc đứng ngoài cuộc, bởi với họ, đô thị còn cất giữ cho họ những năm tháng thanh xuân, chứng kiến sự khôn lớn, trưởng thành của mỗi người.

Tại hội thảo khoa học chỉnh trang, tu bổ, tôn tạo bức phù điêu “Bắt sống phi công Mỹ John McCain”, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, những năm qua, UBND quận Tây Hồ đã có nhiều cố gắng trong việc bảo quản bức phù điêu, chỉnh trang hệ thống hạ tầng xung quanh khu lưu niệm tại đường Thanh Niên, phường Yên Phụ. Tuy nhiên, trải qua thời gian, bức phù điêu “Bắt sống phi công Mỹ John McCain” có dấu hiệu bị xuống cấp.

Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, việc tu bổ, tôn tạo di tích bức phù điêu là cần thiết, tuy nhiên việc tu bổ cần làm sao để phát huy giá trị địa điểm lưu niệm, sự kiện, thu hút du khách trong và ngoài quận tham quan, tìm hiểu. KTS Trường Thành cho rằng, việc tu bổ, tôn tạo bức phù điêu cần được nghiên cứu, xem xét để có thể điều chỉnh về hình thức thẩm mỹ, chất liệu, góp phần khẳng định chứng tích lịch sử, thể hiện sự ghi nhận của Nhân dân Thủ đô với người bạn quý nguyên là cựu thù.

Theo lãnh đạo quận Tây Hồ, các ý kiến sẽ là căn cứ để sớm thực hiện việc chỉnh trang, tu bổ, tôn tạo bức phù điêu đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, quy định về hoạt động mỹ thuật, góp phần phát huy giá trị địa điểm lưu niệm sự kiện, xứng tầm công trình kỷ niệm cho quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ.

Sự cẩn trọng, tỉ mỉ trong việc tham vấn ý kiến của các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, họa sĩ, kiến trúc sư của quận Tây Hồ cho thấy cách sự đổi thay trong cách ứng xử của chính quyền địa phương với các di sản kiến trúc nghệ thuật.

Bởi cách đây không lâu, bức phù điêu “Dân quân tự vệ bảo vệ Thủ đô”, nếu không có sự lên tiếng của cơ quan báo chí, sự vào cuộc kịp thời của của sở, ngành TP đã có thể bị phá huỷ. Hay việc phá dỡ trạm phát sóng Bạch Mai hồi cuối năm 2020 cũng từng để lại vết thương trong công tác bảo tồn di sản kiến trúc Hà Nội. Hay như TS.KTS Trương Ngọc Lân (Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng) từng nói đó là một bài học đắt giá. Với ông, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển luôn là vấn đề khó khăn trong bối cảnh đô thị hóa ở mọi quốc gia.

Trước nữa, câu chuyện ứng xử với bức phù điêu quý thời mỹ thuật Đông Dương, nằm trên bức tường phía sau nhà dạy hình họa của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) cũng khiến công chúng yêu mỹ thuật, di sản vô cùng sốt ruột. Đây là những bức phù điêu được các giáo sư và sinh viên khóa 1, 2 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có tác giả Vũ Cao Đàm sáng tác nhằm trang trí cung Đông Dương tại Đấu xảo thuộc địa quốc tế năm 1931, Paris, Pháp. Có giá trị như vậy, nhưng những bức phù điêu mang dấu ấn nghệ thuật một thời vẫn bị “nhốt kín”.

 

Với tinh thần cầu thị, chúng tôi mong nhận được những ý kiến để có thể triển khai việc chỉnh trang, tu bổ bức phù điêu, tăng cường công tác tuyên truyền, phát huy giá trị, nâng cao nhận thức của Nhân dân về chiến công hiển hách của quân và dân ta trong bảo vệ Tổ quốc; đồng thời tôn vinh tinh thần yêu chuộng hòa bình, lòng bác ái của Nhân dân Việt Nam, hướng tới xây dựng tương lai hòa bình, ổn định, phát triển cho Việt Nam và tất cả các quốc gia trên thế giới.
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến

Trải qua nhiều năm tháng, những tượng đài, phù điêu, biệt thự cổ... neo lại trong ký ức của mỗi người, bồi đắp cho họ những giá trị tinh thần không gì có thể đánh đổi được. Việc thay đổi, cải tạo, hay phá dỡ một công trình gắn với quá khứ, khiến họ thấy mình có một phần trách nhiệm trong đó. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để di sản ấy vẫn có thể phát huy vai trò trong hiện tại và tương lai? Liệu có thể xây dựng một không gian sáng tạo cho các di sản, phát triển thị trường cho ngành công nghiệp văn hóa?
(Còn nữa)