Để doanh nghiệp FDI lên sàn chứng khoán

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê trên các sàn giao dịch chứng khoán, có chưa đầy 10 cổ phiếu của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang niêm yết. Sau giai đoạn thí điểm từ năm 2003, đến nay thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam không đón thêm DN FDI nào. Rất nhiều DN FDI đang mong được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt khi có khung pháp lý cụ thể.

 Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Panasonic Việt Nam. Ảnh: Việt Linh

Thiếu cơ chế
Cách đây hơn 16 năm, theo Nghị định 38/2003/ NĐ-CP và Quyết định 238/2005/QĐ-TTg thí điểm của Thủ tướng Chính phủ, các công ty FDI như Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (mã: TYA), Everpia (mã: EVE), Mirae (KMR), Siam Brothers (mã chứng khoán: SBV), Công ty (CT) CP Công nghiệp gốm sứ Taicera (TCR), CTCP Tập đoàn Nagakawa (NAG), Tung Kuang (TKU)… sau khi chuyển đổi sang hình thức DN cổ phần đã thực hiện niêm yết trên các sàn chứng khoán. Tuy nhiên, từ đó đến nay, TTCK Việt Nam không đón thêm được DN FDI nào.
Việc mở đường cho DN FDI đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán còn giúp tăng cường hoạt động giám sát với khối DN này. Bởi, thay vì chỉ có các cơ quan quản lý như đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế… DN sẽ chịu thêm sự giám sát của nhà đầu tư, cổ đông và cơ quan quản lý, vận hành TTCK như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các sở giao dịch chứng khoán.
Luật sư Trần Minh Hải - Giám đốc Công ty Luật Basico
Đến nay nhiều DN FDI đang mong ngóng được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt nhưng vấp phải thực trạng khi chưa có cơ chế và hành hang pháp lý cụ thể. Một trong những DN FDI lớn quan tâm đến việc chuyển đổi mô hình hoạt động và lên sàn chứng khoán Việt Nam là Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng. DN đã hoạt động tại Việt Nam gần 30 năm, nổi tiếng với việc lập nên Khu đô thị Phú Mỹ Hưng và nay đang phát triển mở rộng sang lĩnh vực tài chính, chứng khoán… nhưng đang gặp khó khăn vì khoảng trống pháp lý hiện hành.
Mới đây, tại đại hội cổ đông thường niên 2019 của Công ty CP Seoul Metal Việt Nam (SMV) và Công ty CP Công nghiệp Ngũ Kim Fortress Việt Nam (FTV), nhiều câu hỏi liên quan đến việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam vẫn chưa thành công được các cổ đông đưa ra chất vấn ban lãnh đạo. Để trấn an các cổ đông, ban lãnh đạo SMV cho biết trong thời gian chờ đợi cơ chế, công ty sẽ tiến hành đăng ký giao dịch trên UPCOM. Về phía FTV, tại thời điểm diễn ra đại hội, cổ phiếu FTV đang giao dịch với giá 50.000 đồng/cổ phiếu trên thị trường OTC và nhận được rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đến nay, đã gần hết năm 2019 nhưng vẫn chưa có bất cứ thông tin nào của các cơ quan chức năng về việc đã nhận hồ sơ niêm yết của những đơn vị này.
Nới cơ chế nhưng cần thận trọng
Để thực hiện định hướng của Nghị quyết 50/NQ-TW của Bộ Chính trị về hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, vừa được ban hành: “Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác...”, nhiều thành viên thị trường, chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán ủng hộ quan điểm cần có cơ chế pháp lý rõ ràng cho DN FDI chuyển đổi thành công ty đại chúng và niêm yết cổ phiếu trên TTCK Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến e ngại tình trạng chuyển giá; DN FDI lên sàn rồi khi thua lỗ, chủ DN bỏ trốn, sau khi niêm yết, các cổ đông lớn sẽ bán hết phần vốn đầu tư và rút về nước… Nhưng theo Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset Kang Moon Kyung, điều quan trọng là cần có cơ chế giám sát chặt chẽ, khả thi với các DN FDI lên sàn, đặc biệt là tuân thủ các quy định về minh bạch báo cáo tài chính, báo cáo thường niên, cũng như các loại thông tin khác…
Theo các chuyên gia, ngoài các điều kiện niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) như quy định hiện hành, với khối DN FDI khi lên sàn, nên cân nhắc đưa ra thêm các tiêu chí mà các DN này phải đáp ứng về: Thời gian hoạt động tại Việt Nam; mức tăng trưởng sản lượng, doanh thu, lợi nhuận hàng năm; tỷ lệ chuyển giao công nghệ… Ðiều này sẽ giúp lọc được các DN FDI có chất lượng để đưa lên sàn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần