Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để doanh nghiệp Việt tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong hành trình này, doanh nghiệp Việt vẫn còn nhiều thách thức cần tháo gỡ.

Thách thức với sự dịch chuyển

6 tháng đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu với kim ngạch Việt Nam ước đạt gần 189 tỷ USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023. Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện Việt Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, trong đó chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng.

Dù đầu tư công nghệ nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam chưa cao. Ảnh: Khắc Kiên
Dù đầu tư công nghệ nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam chưa cao. Ảnh: Khắc Kiên

Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Hội thẳng thắn chỉ ra, dù chuỗi cung ứng để tăng cường xuất khẩu đã dần được tái cấu trúc, nhưng thực tế đa số các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đồng quan điểm, TS Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Việt Nam cho hay, cộng đồng doanh nghiệp Việt đang gặp phải nhiều khó khăn khi gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Chưa có những cơ chế, chính sách riêng cho khuyến khích phát triển logistics xuất khẩu. Chuỗi sản xuất, xuất khẩu còn gặp vướng mắc theo các quy định của pháp luật hiện hành. Nhận thức và năng lực thực thi chính sách thúc đẩy xuất khẩu từ phía các doanh nghiệp cũng là hạn chế.

Còn theo TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Việt Nam được lựa chọn trở thành địa chỉ mới, từ cuối năm 2023 đến nay, nhiều tập đoàn công nghệ lớn đã đặt sự quan tâm và đang dần chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Bên cạnh đó, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tuy chưa đầu tư trực tiếp nhưng đã hướng đến khu vực sản xuất của Việt Nam để đặt hàng cung ứng nguyên liệu, thiết bị đầu vào cho sản xuất, bao gồm các doanh nghiệp công nghệ cao có uy tín toàn cầu như Apple, Amazon...

Công nghiệp hỗ trợ, điện tử cũng đang rất cần cơ chế để tận dụng cơ hội. Ảnh: Khắc Kiên
Công nghiệp hỗ trợ, điện tử cũng đang rất cần cơ chế để tận dụng cơ hội. Ảnh: Khắc Kiên

Tuy nhiên, vị này cho rằng, dù có nhiều cơ hội nhưng việc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp còn gặp không ít thách thức. Giá trị tăng thêm trong các ngành công nghiệp, đáng chú ý là ngành công nghiệp chế biến chế tạo đòi hỏi trình độ cao, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng còn thấp.

Đơn cử, ngành dệt may phần giá trị tăng thêm có thể đạt được 50% nhưng ngành điện tử, máy móc thiết bị lại chưa đạt được con số này. Những ngành sản xuất công nghệ cao, thiết bị thông minh chỉ đâu đó tham gia được khoảng 10%, đầu vào chủ yếu phải nhập khẩu từ các nước Đông Bắc Á, Trung Quốc phục vụ cho lắp ráp, chế tạo và xuất khẩu.

Bàn về vấn đề, đại diện quốc gia tại Việt Nam của Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) Bùi Thị Việt Lâm thẳng thắn, điều đáng tiếc với Việt Nam không chỉ nằm ở con số đầu tư rất lớn mà còn ở hệ sinh thái theo sau. Việt Nam có nhiều thứ về hạ tầng chưa sẵn sàng. Xây dựng trung tâm dữ liệu đòi hỏi nhiều năng lượng, đặc biệt là điện sạch trong khi Việt Nam lại chưa có.

"Sự dịch chuyển đang diễn ra và sẽ chỉ diễn ra trong vòng 1 – 2 năm tới. Nếu Việt Nam không hành động nhanh, cơ hội sẽ trôi qua. Nếu không thể chuyển hóa cơ hội thành hiện thực, các nhà đầu tư sẽ tìm đến chỗ khác" - bà Việt Lâm nhấn mạnh.

Gợi mở giải pháp 

Duy nhất dệt may là điểm sáng mang lại giá trị cao khi tham gia vào chuỗi. Ảnh: Khắc Kiên
Duy nhất dệt may là điểm sáng mang lại giá trị cao khi tham gia vào chuỗi. Ảnh: Khắc Kiên

TS. Lê Duy Bình cho rằng, để có thể gia nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc nhiều vào nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, những nỗ lực tự thân đó sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nếu như các điều kiện về thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh thông thoáng, an toàn, để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư về công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, từ đó. có thể tiếp cận sâu rộng vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi đó, TS Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics Trường Đại học RMIT cho rằng, “xanh hóa” trong sản xuất là chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá bền vững.

Theo khảo sát của Rakuten Insight năm 2023, có đến 84% người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho những sản phẩm bền vững. Trong khi đó, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, điển hình có Liên minh châu Âu đang triển khai các quy định và tiêu chuẩn môi trường chặt chẽ hơn đối với các sản phẩm và dịch vụ nhập khẩu vào khu vực này.

Xanh hóa không còn là một lựa chọn mà là yếu tố thắng đơn hàng khi xuất khẩu. Xét trên góc độ chuỗi cung ứng, người mua đóng vai trò rất quan trọng trong việc giám sát và hợp tác để thúc đẩy xanh hóa.

Đại diện USABC lại cho rằng, Việt Nam cần có chính sách đồng bộ, thậm chí mang tính đột phá trong bối cảnh các quốc gia khác đang đưa ra nhiều chính sách mạnh mẽ và táo bạo.

Một trong những chính sách có thể áp dụng là cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới theo cơ chế sandbox trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng luật khuyến khích công nghiệp công nghệ số cũng như chiến lược phát triển ngành bán dẫn.

Về phía doanh nghiệp, bà Việt Lâm khuyến nghị, các doanh nghiệp cần phải nhanh nhạy, chuẩn bị sẵn sàng để chuyển mình, nắm bắt các xu thế mới, tạo thêm lợi thế cạnh tranh mới cho doanh nghiệp.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) Nguyễn Văn Hội nêu quan điểm, cần định hướng hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập sâu và giá trị hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ nhất, tổ chức các Hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển thị trường, đa dạng hóa hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm xuất khẩu. Thứ hai, xây dựng và phát triển các thương hiệu. Nhận thức cho các doanh nghiệp về lao động, môi trường… trong các FTAs.

Thứ ba, quy tắc xuất xứ, phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp cũng cần đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Thứ tư, xây dựng hàng rào kỹ thuật như áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật nhập khẩu, kiện chống bán phá giá, đánh thuế môi trường... để bảo vệ sản xuất trong nước.

Trong bối cảnh đó, để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, việc thực thi các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội, quản trị), CSR (trách nhiệm xã hội), cũng như áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh đã không còn là một sự lựa chọn, mà trở thành hướng đi tất yếu đối với các doanh nghiệp Việt.

 

Nhấn mạnh giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng thích ứng phát triển thị trường, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng đề xuất, các bộ, ngành cần tập trung đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đặc biệt thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy phát triển các chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng