Nhiều yếu tố thuận lợi
Số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, trong 4 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo đã đạt 3,23 triệu tấn, tăng 11,7% với 2,08 tỷ USD, tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả này nhờ giá xuất khẩu gạo bình quân từ đầu năm đạt 644 USD/tấn, tăng 22,2%.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu tiếp tục tăng nhẹ. Ghi nhận ngày 5/5, loại gạo 5% đang ở mức 580 USD/tấn, tương đương với loại gạo cùng loại của Thái Lan; loại gạo 25% tấm ở mức 554 USD/tấn, cao hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan (530 USD/tấn).
Với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo, bước sang năm 2024 gặp nhiều thuận lợi khi đơn hàng nhiều, giá bán cũng có xu hướng tăng lên. Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) Đinh Minh Tâm chia sẻ: “Những tháng đầu năm đơn hàng từ các thị trường chủ lực như châu Âu, Hong Kong (Trung Quốc) rất đều đặn. Trung bình mỗi tháng doanh nghiệp xuất khẩu 2 container gạo (gạo lúa tôm, lúa tôm sinh thái) sang các thị trường này với giá bán cao trên 1.000 USD/tấn.”
Nhận định tình hình thị trường gạo thế giới trong năm 2024, Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Sơn cho biết, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt gần 518 triệu tấn. Trong khi đó, tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn, như vậy, dự báo thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 7 triệu tấn gạo trong năm nay. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam có thể đáp ứng được nguồn cung để xuất khẩu gạo tương đương năm 2023, đồng thời vẫn bảo đảm an ninh lương thực.
Còn theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, dự kiến sản xuất lúa cả nước năm 2024 sẽ đạt 43 triệu tấn, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn. Trong đó nguồn gạo hàng hóa cho xuất khẩu tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 ước đạt khoảng 7,6 triệu tấn, trong đó, nhóm gạo chất lượng cao khoảng 3,2 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản 2,5 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình 1,15 triệu tấn; nhóm nếp 0,75 triệu tấn.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường
Báo cáo đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, công tác phát triển thị trường xuất khẩu gạo hiện nay chưa được hỗ trợ tương xứng với tiềm năng ngành hàng; tần suất và quy mô chưa đáp ứng được nhu cầu giao thương, hiệu quả kỳ vọng từ các thương nhân.
Do đó, trong năm 2024, Bộ Công Thương xác định xúc tiến thương mại là hoạt động quan trọng, tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai đều đặn, để kịp thời hỗ trợ thương nhân đáp ứng tốt tín hiệu thị trường, mở rộng thị phần tại các khu vực tiềm năng.
Theo đó, ngay từ đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tích cực triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy thương mại gạo giữa Việt Nam với các đối tác. Cụ thể, đàm phán, trao đổi song phương với Indonesia, Malaysia về việc xem xét tiến tới ký bản ghi nhớ thương mại gạo, tạo môi trường ổn định, bền vững về thương mại gạo cho doanh nghiệp hai nước.
Đơn cử với thị trường Philippines, Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines đã ký bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo. Trong giai đoạn 2024 - 2028, trừ trường hợp thiên tai, mất mùa, Việt Nam sẵn sàng cung cấp cho Philippines số lượng hàng năm lên tới 1,5 - 2 triệu tấn gạo trắng.
Đối với các thị trường mới, Bộ Công Thương đã ký với Bộ Công nghiệp nhẹ, Lương thực và Nông nghiệp Mông Cổ về bản ghi nhớ thương mại gạo giữa Việt Nam và Mông Cổ. Việt Nam luôn sẵn sàng cung cấp 30.000 tấn gạo nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường Mông Cổ trong thời gian tới. Bên cạnh đó, việc khai thác các thị trường ngách như Senegal, Singapore cũng là một trong những giải pháp mà các Thương vụ Việt Nam tại 2 quốc gia này tập mở rộng thị trường xuất khẩu gạo.
Riêng thị trường tiềm năng Trung Quốc, Bộ Công Thương đang phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT hỗ trợ các thương nhân đầu mối xuất khẩu gạo sang nước bạn hoàn thiện hồ sơ đăng ký dữ liệu cơ sở chế biến xuất khẩu, tránh gián đoạn hoạt động xuất khẩu gạo.
Mỗi năm Việt Nam sản xuất từ 22 - 23 triệu tấn gạo, trong đó xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 15%. Vì vậy, dư địa để gia tăng sản lượng xuất khẩu là khá lớn. Đặc biệt, với việc sản xuất hơn 80% dòng gạo thơm, chất lượng cao đang mở ra cơ hội để ngành hàng này phát triển và vươn xa.
Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Sơn