Với người Việt, gia đình là nơi bình yên, nơi nghỉ ngơi sau những khó khăn vất vả mưu sinh. Chủ đề của Ngày gia đình Việt Nam năm nay (28/6), “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” đã coi gia đình - mỗi tế bào của xã hội ấy còn như từng đốm lửa nhỏ, góp lửa tạo nên sự thịnh vượng chung của cả quốc gia, dân tộc.
Từ khi được chọn (năm 2001), Ngày Gia đình Việt Nam mỗi năm mang một chủ đề khác nhau. Từ “Vai trò của người cha” đến “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, “Bữa cơm gia đình - Ấm áp yêu thương”, tất cả đều nhằm tôn vinh các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Đó là sự kính trọng các bậc sinh thành, là tình cảm giữa các thành viên được vun đắp, gắn kết qua thời gian.
Những năm gần đây, chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam còn thể hiện sự phát triển của gia đình đồng hành với sự phát triển của đất nước. Nếu năm 2022, sau khi trải qua đại dịch Covid-19 chủ đề “Gia đình bình an - xã hội hạnh phúc” nhằm đề cao những giá trị cốt lõi của gia đình là sức khỏe, hạnh phúc tạo tiền đề cho một xã hội lành mạnh, bền vững thì năm 2023, hạnh phúc gia đình còn đồng hành với sự thịnh vượng của đất nước thông qua chủ đề “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”.
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.
Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam đã có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản vẫn nguyên vẹn giá trị và vẫn là một nhân tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước tác động của hội nhập quốc tế, một số giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam đã bị ảnh hưởng, thiếu bền vững.
Chính vì vậy, hơn lúc nào hết những giá trị về gia đình Việt cần được gìn giữ, phát huy để xuyên suốt quan điểm của Đảng và Nhà nước là xây dựng gia đình hạnh phúc, hạt nhân, tế bào của xã hội hạnh phúc. Trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: “Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Trước đó, Hội nghị lần thứ IX Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết 33 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững đất nước” cũng chú trọng vai trò của gia đình, đặc biệt là hệ giá trị của gia đình. Song cùng với các chính sách của Đảng và Nhà nước thì ngay trong mỗi gia đình cũng cần nâng niu, gìn giữ các chuẩn mực giá trị đạo đức, để gia đình thực sự là chốn bình yên, hạnh phúc và có vậy mới góp phần xây dựng quốc gia thịnh vượng.