Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để Hà Nội không còn người vô gia cư

Oanh Trần thực hiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi thực hiện loạt bài viết, phóng sự ảnh về thân phận những người vô gia cư đăng tải trên báo Kinh tế & Đô thị, để hiểu rõ hơn về những khó khăn, vướng mắc khi Hà Nội thực hiện chính sách nhân văn, đưa người vô gia cư về Trung tâm Bảo trợ 1 chăm sóc, chúng tôi đã có buổi làm việc với Trưởng phòng Bảo trợ xã hội - Sở LĐTB&XH Hà Nội Dương Tuyết Nhung.

Muôn vàn khó khăn
Bà có thể cho biết, trong những năm qua, công tác tập trung người vô gia cư trên địa bàn đã được Hà Nội triển khai như thế nào?

- Thực hiện chính sách an sinh xã hội cũng như xây dựng hình ảnh người Hà Nội văn minh, thanh lịch, cách đây 10 năm, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 90/2009/QĐ-UBND về việc tập trung nuôi dưỡng người lang thang trên địa bàn TP. Sở LĐTB&XH đã đón những người lang thang về các Trung tâm Bảo trợ xã hội của TP Hà Nội nuôi dưỡng và chăm sóc trong các điều kiện đảm bảo (ngủ trong phòng trên giường có chăn ấm, bữa ăn hàng ngày đủ chất và các đồ dùng sinh hoạt…) nên thể chất và tinh thần của họ có sự cải thiện tốt.
 
Từ những hiệu quả đó, năm 2017, Sở LĐTB&XH phối hợp với các cơ quan liên quan trình HĐND TP ban hành Nghị quyết số 03/2017/NĐ-HĐND và UBND TP có Quyết định 6053/QĐ-UBND bổ sung đối tượng tiếp nhận bảo trợ xã hội là người lang thang ngủ vạ vật ngoài đường khi trời rét dưới 10oC và dịp Tết Nguyên đán, người bị lạc đường. Nhờ đó đã có thêm nhiều đối tượng người vô gia cư được tập trung chăm sóc. Riêng trong năm 2018, các Trung tâm Bảo trợ Xã hội của TP tiếp nhận trên 600 người lang thang và dịp Tết Dương lịch 2019 đến nay là 17 người.

Qua hơn 10 năm triển khai tập trung người lang thang, bà thấy có những khó khăn, trở ngại gì trong công tác này?

- Khó khăn lớn nhất chính là các cán bộ đi tập trung người lang thang. Người vô gia cư sống ở ngoài cộng đồng lâu ngày mắc những bệnh truyền nhiễm nên khi lực lượng chức năng tiếp xúc trực tiếp có nhiều nguy cơ lây nhiễm. Một số trường hợp lang thang xin tiền có “bảo kê” nên khi khi xe ô tô của Trung tâm Bảo trợ xã hội bắt đầu xuất phát thì đã được thông tin cho đối tượng. Vì thế, xảy ra trường hợp khi lực lượng chức năng đến địa điểm người lang thang ngồi xin ăn thì họ đã đi mất. Có lần đối tượng bảo kê còn trực chốt phản đối ở cổng Trung tâm buộc chúng tôi phải báo cho công an địa phương hỗ trợ xử lý.

Không chỉ thế, theo quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP, địa phương - nơi người lang thang cư trú - có trách nhiệm tiếp nhận đối tượng, nhưng có những lúc chúng tôi không nhận được sự phối hợp. Đơn cử, đợt rét đậm vừa qua có trường hợp người mẹ bị thần kinh, nhiễm HIV mang theo con 1 tháng tuổi ngủ vạ vật trên vỉa hè phố ở quận Hoàn Kiếm. Chúng tôi đã có văn bản gửi Sở LĐTB&XH Nghệ An, Bộ LĐTB&XH và cử cán bộ Trung tâm Bảo trợ xã hội 1 chở mẹ con họ về gia đình. Nhưng ngày hôm sau đã thấy người mẹ ôm con lang thang ở Hà Nội, thay vì được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh Nghệ An chăm sóc. Như thế thì cực kỳ nguy hiểm.
Người lang thang được lực lượng chức năng vận động đi về nhà để đảm bảo sức khỏe.
Để mọi người đều được đón Tết

Trước những khó khăn trên, ngành LĐTB&XH Hà Nội có hướng giải quyết thế nào?

- Về phía những người làm công tác tập trung người lang thang, chúng tôi luôn nhắc họ tự bảo vệ bản thân. Sở cũng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ về công tác kiểm tra, tập trung người lang thang. Còn bảo kê người ăn xin thì có lực lượng công an hỗ trợ. Các cơ quan báo chí cũng giúp chúng tôi phát hiện vấn đề.

Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, để giải bài toán xã hội này vẫn phải là sự phối hợp của gia đình, người dân và chính quyền địa phương. Đồng thời có sự phân biệt đối tượng. Với những trường hợp người lang thang khó khăn thực sự thì đưa họ vào Trung tâm chăm sóc, tư vấn. Còn những đối tượng lợi dụng lòng tốt của người làm từ thiện thì kiên quyết đấu tranh bằng dư luận, sự vào cuộc của cả xã hội cùng chính quyền địa phương. Riêng người lang thang có dấu hiệu bệnh tật, khi phát hiện phải phối hợp với ngành y tế để đưa vào bệnh viện điều trị khỏi, sau đó mới chuyển đến Trung tâm Bảo trợ xã hội chăm sóc.

Trước thực tế người lang thang thật và đối tượng lợi dụng giả đi xin tiền, bà có khuyến cáo gì đối với những nhà làm từ thiện?

- Những người làm từ thiện không nên cho tiền người lang thang ăn xin. Bởi nếu cho tiền, lần sau họ sẽ lại tiếp tục xin, họ lười lao động và làm mất trật tự, mỹ quan, văn minh đô thị. Tôi rất mong người đi đường, nếu phát hiện ra đối tượng lang thang ăn xin hãy gọi điện cho Trung tâm Bảo trợ xã hội đến tiếp nhận. Theo tôi, bản chất của việc giải quyết vấn đề người lang thang đó là chính quyền địa phương quản lý tốt đối tượng, hỗ trợ việc làm, tăng thu nhập.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, công tác tập trung người lang thang sẽ được thực hiện thế nào?

- Tập trung người lang thang là việc làm thường xuyên của ngành LĐTB&XH Hà Nội cùng các cơ quan chức năng. Trung tuần tháng 12/2018, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội năm 2019. Hiện các quận, huyện cũng đang xây dựng kế hoạch trên cơ sở phối hợp với các Trung tâm Bảo trợ xã hội để kiểm tra và tập trung.

Trong các đợt rét đậm tới đây và khoảng ngày 28 tháng Chạp, chúng tôi sẽ tăng cường các lực lượng chức năng đưa người lang thang vào Trung tâm Bảo trợ xã hội đón Tết cổ truyền trong không khí ấm cúng, sum vầy. Ngay sau Tết sẽ diễn ra các lễ hội, chúng tôi cũng sẽ tăng cường lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương đi kiểm tra, tập trung người lang thang xin ăn về Trung tâm lưu trú. Chính sự phối hợp chặt chẽ đó nên nhiều năm nay vào dịp đầu Xuân ở các chùa chiền không còn tình trạng người lang thang xin ăn phản cảm.

Xin cảm ơn bà!