Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để Hà Nội phát triển bền vững

KTS Phạm Thanh Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh khó khăn, phức tạp của đại dịch Covid-19, Hà Nội đang tiến hành những nhiệm vụ lớn quan trọng trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị.

Đó là rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, lập Quy hoạch TP giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây có thể được xem là cơ hội để chúng ta nghĩ và hành động cho một mô hình phát triển đô thị có thể thích ứng với thiên tai, dịch bệnh, hướng đến sự phát triển bền vững.

Không gian Hồ Tây. Ảnh: Phạm Hùng  
Không gian Hồ Tây. Ảnh: Phạm Hùng  

Đô thị rủi ro trước đại dịch

Đại dịch Covid-19 làm cho chính phủ các quốc gia buộc phải thay đổi nhận thức, tư duy về quản trị đất nước và phát triển đô thị bền vững, đặc biệt là ở các nước nghèo, nước đang phát triển. Đại dịch như cơn cuồng phong làm phơi bày những mặt yếu kém của hàng nghìn đô thị trên khắp thế giới, trong đó có các đô thị lớn, siêu đô thị.

Quá trình đô thị hóa nhanh và mở rộng đô thị mất kiểm soát ở các nước nghèo và các nước đang phát triển dẫn đến hậu quả xấu đối với xã hội, gây ra bất bình đẳng lợi ích kinh tế giữa người dân với các nhà đầu tư bất động sản và cả với chính quyền địa phương trong việc chiếm hữu một tỷ lệ rất lớn đất nông nghiệp - nông thôn, sông hồ, các khu vực bảo vệ môi trường (vùng xanh). Các TP, vùng lãnh thổ đã trở nên mất cân bằng, sự sống của con người bị đe dọa bởi nguồn tài nguyên cạn kiệt, môi trường sống bị ô nhiễm, hệ sinh thái bị suy thoái, các vấn đề sức khỏe cộng đồng bởi tác động xấu của biến đổi khí hậu, dịch bệnh và sự phát triển đô thị.

Tại Việt Nam, các đô thị lớn, điển hình là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, dịch bệnh Covid-19 hoành hành đã để lại hậu quả nghiêm trọng về người và làm suy giảm tăng trưởng kinh tế. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, sự bất cập trong cấu trúc đô thị hiện nay là nguyên nhân để dịch bệnh lây lan mất kiểm soát. Sự cảnh báo này không phải không có lý.

Với cấu trúc đô thị của TP Hồ Chí Minh, Hà Nội thì đằng sau các đường phố lớn hoa lệ, rợp mát bóng cây, lộng lẫy ánh đèn cao áp, với các kiến trúc cao tầng hiện đại, văn minh, các siêu thị đầy ắp hàng hóa… là một khu vực rộng lớn ngõ, ngách, hẻm, với hạ tầng cơ sở yếu kém, nhà cửa chật chội, thiếu tiện nghi, hệ thống giao thông phức tạp, nhỏ hẹp chỉ rộng từ 1,5 - 2,5m không đủ cho xe cứu thương hay xe cứu hỏa khi có hiểm họa xảy ra. Dân cư sống trong khu vực ngõ ngách này hầu hết là người nghèo đô thị, dân nhập cư, công nhân làm thuê tại các nhà máy, khu công nghiệp, người làm nghề tự do, sinh viên trú ngụ... khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế, xã hội rất hạn chế. Không có gì ngạc nhiên, khi xảy ra đại dịch, số người mắc bệnh và tử vong cao nhất đều rơi vào khu vực này.

Trường hợp Hà Nội phải di dời trong 2 ngày đêm hơn nghìn hộ dân của phường Thanh Xuân Trung đi cách ly hay hàng vạn người bỏ TP về quê trong đêm mưa tầm tã, trong cái nắng nóng quay quắt phương Nam để thoát khỏi cuộc sống quá khó khăn, thiếu thốn do đại dịch gây ra ở T Hồ Chí Minh, Bình Dương… là những ví dụ điển hình và xót xa!

Khi ấy, người ta mới thấy hệ lụy của các siêu đô thị và đô thị hóa thiếu kiểm soát gây ra như thế nào?!

Mô hình đô thị mới - hướng phát triển của tương lai

Vừa qua, ý tưởng “Thành phố 15 phút” của Carlos Moreno - giáo sư Đại học Pantheon Sorbonne (Paris - Pháp) đã được Quỹ Henrik Frode Obel trao Giải thưởng Obel - 2021. Đây là giải thưởng quốc tế danh giá nhằm tôn vinh những đóng góp xuất sắc về kiến trúc cho sự phát triển của con người trên toàn thế giới. Với ý tưởng này, mọi nhu cầu thiết yếu của người dân như làm việc, học tập, mua sắm, giải trí, khám chữa bệnh… được giải quyết chỉ trong bán kính tương đương 15 phút đi bộ hoặc đi xe đạp.

“Thành phố 15 phút” là một chiến lược phát triển đô thị phức tạp và đầy tham vọng nhưng cũng là một cách tiếp cận thực dụng mới mẻ, có thể được điều chỉnh cho phù hợp với văn hóa, điều kiện và nhu cầu của địa phương. Đây cũng là mô hình đô thị nhỏ lý tưởng thích ứng với đại dịch và biến đổi khí hậu. Nếu như khi mới ra đời (năm 2016), ý tưởng “Thành phố 15 phút” của Moreno từng bị nhiều quy hoạch gia coi là “không tưởng”, thì nay lại được quan tâm và khả thi hơn nhờ chất xúc tác đặc biệt - đại dịch Covid-19.

Tại nhiều quốc gia phát triển, nhất là ở châu Âu, người ta bắt đầu quảng bá mô hình “Thành phố 15 phút” như một chiến lược phục hồi sau đại dịch. Chính quyền TP Paris (Pháp) đang tiên phong thực hiện chính sách phát triển đô thị theo mô hình này với tham vọng, đến năm 2024 tất cả các con phố ở Paris phải có làn dành riêng cho xe đạp, đồng thời xóa bỏ 70% chỗ đậu xe hơi trên đường phố, thay vào đó là không gian cây xanh và sân chơi.

Một số TP khác như Houston (Mỹ), Milan (Italia), Brussel (Bỉ), Valencia (Tây Ban Nha), Melbourne (Australia)… cũng đang áp dụng mô hình tương tự, nơi mà hầu hết những thứ người dân cần đều có thể tìm thấy trong bán kính đi bộ, xe đạp hoặc phương tiện công cộng chỉ trong 15 - 20 phút.

Theo các chuyên gia, mô hình “Thành phố 15 phút” sẽ là xu hướng phát triển tất yếu của đô thị trên thế giới trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt, mô hình này giúp các cư dân chống chọi tốt hơn trước đại dịch Covid-19, vốn làm gián đoạn mọi hoạt động kinh tế, giao thương và giao tiếp xã hội.

Đô thị lớn tập trung với mật độ cao như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, xây dựng nhà cao tầng với khối tích lớn dày đặc trong vùng lõi đô thị đang chật cứng người liệu có đúng không? Vì sao các khu công nghiệp tập trung lại thiếu vắng nhà ở cho công nhân? Các khu đô thị mới xuất hiện ngày càng nhiều với san sát chung cư cao tầng - nơi trú ngụ của hàng chục vạn người, liệu có phải là mô hình đáng sống? Các không gian công cộng, không gian xanh, mặt nước ngày càng bị thu hẹp và xuống cấp sẽ phát huy tác dụng thế nào khi đại dịch?

Hà Nội đang thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển TP bền vững trong thời kỳ mới. Mô hình đô thị vệ tinh, “thành phố trong thành phố” đang được chính quyền quan tâm xem xét một cách nghiêm túc, trách nhiệm.

Các đô thị vệ tinh như Hòa Lạc, Sơn Tây, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Xuân Mai và chuỗi đô thị sông Hồng như Đông Anh, Gia Lâm… sẽ là các đô thị xanh, đô thị thông minh, tạo việc làm, thu hút dân cư, giảm tải dân số cho khu vực đô thị trung tâm, tạo điều kiện phát triển các khu nhà ở xã hội, nhà tái định cư, hình thành chuỗi đô thị phát triển về kinh tế, có khả năng thích ứng trước thiên tai và đại dịch. Cùng với đó là hệ thống giao thông công cộng, các tuyến đường sắt đô thị được xây dựng kết nối các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới, đường vành đai với đô thị trung tâm.

Và như thế, một Hà Nội trong tương lai gần với cấu trúc đô thị được điều chỉnh hợp lý, khoa học, văn hóa, nhân văn, lấy người dân làm trung tâm, thích ứng với đại dịch, với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững đã dần trở thành hiện thực.

 

Phải chăng, đã đến lúc nhà quản trị các cấp cần xem xét một cách nghiêm túc và trách nhiệm về mô hình phát triển đô thị như thế nào để ít bị tổn thương nhất, ảnh hưởng thấp nhất đến cuộc sống, tính mạng của người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, địa phương, của cả nước khi phải đối phó với đại dịch.