Triển khai 10 Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII

Để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đưa các kế hoạch, chương trình hành động vào thực tiễn, hiện thực hóa bằng những đề án khả thi, sát với điều kiện thực tế, hiện các cấp ủy, đơn vị, quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đang tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai 10 Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII.

Các mục tiêu đặt ra đang được thực hiện đúng lộ trình, qua đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tầm nhìn và tư duy đổi mới trong triển khai từ TP đến cơ sở.

Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội ngày 7/4. Ảnh: Thanh Hải
Quang cảnh Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội ngày 7/4. Ảnh: Thanh Hải

Hành động khẩn trương

Qua một năm đưa vào triển khai 10 Chương trình công tác của Thành ủy khóa XVII có thể thấy, điểm nhấn nổi bật và cũng là nét mới của các chương trình là nội dung đậm chất hành động. Đi kèm với mỗi chương trình là phụ lục xác định rõ các phần việc cụ thể hóa, phân công, giao tiến độ cho các chủ thể là các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã.

Mỗi chương trình có mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp riêng nhưng có mối quan hệ biện chứng với nhau, kết quả của chương trình này tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới chương trình kia và ngược lại. Sự cụ thể này đã giúp các cơ quan, đơn vị triển khai tổ chức thực hiện với tinh thần đổi mới, đề cao tính chất hành động khẩn trương.

Chương trình số 01-CTr/TU về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đẩy mạnh cải cách hành chính... có tính chất “xương sống”, được cụ thể hóa với 14 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu và 34 chuyên đề, đề án, đề tài, kế hoạch tổ chức thực hiện được phân công cho 11 cơ quan, đơn vị, tổ chức. Các đơn vị đã bắt tay ngay vào nghiên cứu, xây dựng các đề tài, đề án, chuyên đề. Với tinh thần khẩn trương, cuối tháng 5/2021, Nghị quyết số 04-NQ/TU về "Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo" đã được ban hành.

Đây là lần đầu tiên Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về vấn đề này, với những giải pháp rất mạnh và rất mới để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, gắn với tiêu chuẩn, quy hoạch cán bộ, đánh giá cán bộ, luân chuyển, thay thế cán bộ.

Tiếp sau đó, để bổ sung các giải pháp, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quy định số 07-QĐ/TU về "Luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP". Trong đó nhấn mạnh yêu cầu thay thế, điều chuyển những cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.

Cùng với đó, các quy định, kế hoạch, đề án nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, quy hoạch, đào tạo cán bộ… cũng được triển khai, đồng bộ với tổ chức tốt chủ trương thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại 175 phường của 12 quận và thị xã Sơn Tây.

Xác định tầm quan trọng của Chương trình số 01 cũng như các Nghị quyết, quy định liên quan, các cấp ủy của TP đã chủ động xây dựng các chương trình, đề án cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để triển khai. Đặc biệt, chủ động triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ như luân chuyển (dọc, ngang) để đào tạo theo quy hoạch, trong đó ưu tiên cán bộ trẻ, tạo đội ngũ kế cận.... Đây là cơ sở để các cấp ủy làm tốt công tác xây dựng Đảng, nâng chất lượng cán bộ và thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hà Nội ngày càng phát triển. Ảnh: Hoàng Hà
Hà Nội ngày càng phát triển. Ảnh: Hoàng Hà

Bảo đảm sự phát triển toàn diện

Cùng với những Chương trình mang tính kế thừa, trong nhiệm kỳ này, Thành ủy Hà Nội đã bổ sung 3 chương trình mới. Trong đó, Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 -2025” có ý nghĩa quan trọng, giúp bảo đảm tính bền vững của quá trình đô thị hóa, đồng thời giải quyết những vấn đề, thách thức đặt ra hiện nay, giúp Hà Nội phát triển toàn diện hơn.

10 tháng qua, căn cứ 19 chỉ tiêu, Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã được giao chủ trì chủ động triển khai nhiều giải pháp để tổ chức thực hiện. Bước đầu tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, đề xuất danh mục dự án, công trình để triển khai thực hiện các chỉ tiêu. Điển hình như chỉ tiêu “Hoàn thành đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với 5 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng”, đến nay, tuy còn gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện, song 5 huyện đã tích cực tổ chức triển khai và có kết quả khả quan. Trong đó, huyện Gia Lâm đã đạt 25/27 tiêu chí; Thanh Trì đạt 24/27 tiêu chí; Hoài Đức đạt 22/27 tiêu chí; Đan Phượng đạt 20/27 tiêu chí; Đông Anh đạt 19/27 tiêu chí.

TP đã tổ chức nghiên cứu và xây dựng Kế hoạch chỉnh trang hè, đường phố trên địa bàn 12 quận với 180 tuyến. Các quận đã chủ động tổ chức triển khai chỉnh trang hè, đường phố trên địa bàn; chỉ đạo thực hiện rà soát trồng mới, cải tạo, chỉnh trang, trồng bổ sung thay thế cây xanh tạo không gian xanh, cảnh quan xanh trên địa bàn…

Để triển khai Chương trình, lãnh đạo quận Ba Đình cho biết, quận tập trung xây dựng Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, tổ chức thiết kế đô thị các tuyến đường mới mở và một số tuyến đường quan trọng, hoàn thành quy hoạch mạng lưới hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn, chú trọng phát triển công trình tiện ích nâng cao đời sống Nhân dân.

Tại huyện Hoài Đức, với quá trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, huyện tập trung thực hiện khâu đột phá: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống giao thông, cấp thoát nước, xử lý môi trường...

Một trong những chương trình lớn có sức lan tỏa ở khu vực ngoại thành là Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy (khóa XVII) về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025”.

Với sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo đồng thời thường xuyên kiểm tra, đôn đốc quá trình thực hiện, kết quả thực hiện Chương trình 04 là rất đáng ghi nhận. Cụ thể, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trong quý I/2022 của Hà Nội là hơn 30.820 tỷ đồng. Vốn huy động ngoài ngân sách Nhà nước hơn 1.204 tỷ đồng (chiếm 3,91%).

Trong đó, người dân đóng góp 309,534 tỷ đồng, vốn DN, hợp tác xã 554,391 tỷ đồng và vốn khác 340,802 tỷ đồng. Đến quý I/2022, có 9 quận thuộc TP đã hỗ trợ các huyện xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí 386,3 tỷ đồng… Đến nay, 100% số xã của TP đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; thêm 18 xã được UBND TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Với Chương trình số 08-CTr/TU “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 -2025” lần đầu được triển khai, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù đã ban hành. Để cụ thể hóa nguồn lực thực hiện các mục tiêu của Chương trình, vừa qua, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết dành 49.202,8 tỷ đồng thực hiện 1.467 dự án đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích giai đoạn 2021 - 2025 từ ngân sách cấp TP.

Đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu quả 3 lĩnh vực trên, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững của Hà Nội. Đồng thời, TP cũng quyết tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, huy động mọi nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến đời sống dân sinh.

Không chỉ ở cấp TP, hiện tất cả các đơn vị, sở ngành, quận, huyện, thị xã… của TP đều đã và đang tăng tốc để triển khai các mục tiêu, giải pháp được xác định trong các Chương trình công tác bằng những kế hoạch, đề án cụ thể, phù hợp với lộ trình và điều kiện đặc thù của địa phương, đơn vị mình. Qua đó thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, nâng cao hiệu quả quản lý, chỉnh trang đô thị, xây dựng nông thôn mới… Có thể nói rằng, những kết quả cụ thể từ các chương trình đã tạo tiền đề quan trọng để hệ thống chính trị của TP tiếp tục phấn đấu, xây dựng Hà Nội phát triển nhanh và bền vững.

 

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy: Đồng bộ trong đầu tư hạ tầng

Để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững - Ảnh 1

Để phấn đấu lên quận vào năm 2030, Huyện ủy Thường Tín đã cụ thể hóa quan điểm mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”, đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của huyện.

Trong đó, đã quy hoạch, khởi công xây mới, nâng cấp mở rộng hàng loạt tuyến đường giao thông như: Mở rộng đường Quốc lộ 1A; cải tạo mặt đê sông Hồng và đê sông Nhuệ; nâng cấp và mở rộng các tuyến đường giao thông liên xã… giúp việc đi lại, giao thương của DN và cơ sở sản xuất tại 11 cụm công nghiệp, làng nghề được thuận tiện hơn. Huyện cũng đã phối hợp với các sở, ngành xây dựng hàng loạt hệ thống trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, khởi công xây dựng thêm ba cụm công nghiệp tại xã Ninh Sở, Tiền Phong và Thắng Lợi. Việc quy hoạch, phát triển các cụm công nghiệp đã thu hút được thêm hàng trăm DN, cơ sở sản xuất vào, tạo việc làm cho lao động, tăng nguồn thu. Đồng thời di chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp xen kẽ trong khu dân cư nhằm cải thiện vấn đề ô nhiễm môi trường, phòng chống cháy nổ…

Sự quyết tâm của huyện Thường Tín trong việc xây dựng các tuyến đường giao thông, phát triển thêm các cụm công nghiệp là minh chứng cho công tác chuẩn bị hoàn thành các tiêu chí để huyện lên quận vào năm 2030. (Công Tâm ghi)

 

 

Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung: Tạo động lực mới trong phát triển kinh tế

Để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững - Ảnh 2

Triển khai các Chương trình công tác của Thành ủy, Quận ủy Hai Bà Trưng ban hành 6 chương trình công tác, với 24 chuyên đề, đề án. Trong đó lĩnh vực kinh tế, quận tập trung thực hiện Chương trình số 02-CTr/QU “Phát triển kinh tế quận Hai Bà Trưng nhanh và bền vững, đẩy mạnh phát triển dịch vụ - thương mại dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ giai đoạn 2021 - 2025”.

Quận đã cụ thể hóa bằng các chuyên đề, đề án như: Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch; tăng cường hỗ trợ DN, hộ kinh doanh trong quản lý, khai thác nguồn thu… Đặc biệt, Đề án rất quan trọng là “Tổ chức không gian đi bộ khu vực phố Trần Nhân Tông và phụ cận, vườn hoa và đường dạo quanh hồ Thiền Quang, gắn với phát huy giá trị cụm di tích 3 chùa Thiền Quang - Quang Hoa - Pháp Hoa”.

Hiện UBND TP đã có văn bản giao Sở GTVT chủ trì phối hợp các sở, ngành để tham mưu đề xuất với TP. Đây là sản phẩm chứa đựng rất nhiều tâm huyết của Ban Thường vụ Quận ủy và UBND quận. Hy vọng Đề án được thông qua sẽ hình thành một khu phố đi bộ góp phần phát huy giá trị cụm di tích, tạo ra điểm du lịch hấp dẫn.

Đặc biệt, là cơ hội để quận phát triển kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ; quảng bá những mặt hàng truyền thống, sản phẩm chủ lực trên địa bàn quận cũng như của những khu vực liên kết, từ đó tạo động lực mới cho phát triển kinh tế của quận.

Các đề án, chuyên đề này đang được quận triển khai đồng thời theo kế hoạch thực hiện cụ thể, hỗ trợ lẫn nhau, hướng tới mục tiêu chung là cải thiện môi trường kinh doanh trên địa bàn, mang lại sự hỗ trợ tốt nhất của chính quyền đối với hoạt động của DN. (Linh Nguyễn ghi)

 

 

Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Hà Anh Tuấn: Đề ra từng chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện

Để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững - Ảnh 3

Để triển khai Chương trình số 03-CTr/TU về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”, quận Đống Đa đã đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, từng phường để phù hợp với đặc điểm, tình hình từng đơn vị.

Với sự quyết liệt vào cuộc, thời gian qua, quận đã tổ chức cải tạo, chỉnh trang đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các tuyến phố như Khâm Thiên, Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng, Đặng Văn Ngữ, Trịnh Hoài Đức, Láng Hạ, Huỳnh Thúc Kháng kéo dài kết hợp với công tác chỉnh trang mặt đứng các công trình, cảnh quan. Ngoài ra, quận phối hợp với Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội tổ chức kiểm định 44 nhà chung cư cũ tại khu tập thể: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng để phục vụ công tác xây dựng, cải tạo lại các khu chung cư cũ trên địa bàn quận dự kiến hoàn thành trong quý IV/2022.

Để hoàn thành 17 chỉ tiêu đề ra trong Chương trình, trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, chỉnh trang, phát triển đô thị và đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện các dự án. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong chỉnh trang, phát triên đô thị, kinh tế đô thị.

Trước mắt, trong năm 2022 sẽ tập trung triển khai lập Quy hoạch chi tiết 11 ô quy hoạch và thiết kế đô thị các tuyến phố, tỷ lệ 1/500; tập trung hoàn thành thiết kế đô thị 2 bên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng - Voi Phục. Đầu tư chỉnh trang đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, biểu hiệu, biển quảng cáo các tuyến phố Nguyễn Chí Thanh, Láng Hạ, Đặng Văn Ngữ, Trịnh Hoài Đức. Tổ chức kiểm định 44 nhà chung cư cũ tại khu tập thể: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng... (Trần Long ghi)