Để Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ hàng đầu

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 21/9, Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội đã phối hợp tổ chức hội thảo “Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Thủ đô”, nhằm đề xuất chính sách cho sửa đổi Luật Thủ đô. 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đồng chủ trì hội thảo.

Phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Báo cáo tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội cho biết, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định: Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học, công nghệ cao và ĐMST là động lực then chốt để phát triển kinh tế - xã hội; phát huy hiệu quả nguồn lực trí tuệ con người, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số và các mô hình kinh tế mới gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động. Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp ĐMST, KH&CN, kết nối theo chuỗi giá trị với các doanh nghiệp trong vùng kinh tế và cả nước. Thu hút các tập đoàn đa quốc gia thành lập các trung tâm ĐMST, trung tâm nghiên cứu phát triển đặt trụ sở tại Hà Nội.

Đây là cơ sở chính trị quan trọng để xác định mục tiêu chính sách về phát triển KH&CN của Thủ đô.

Tổ công tác xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề xuất chính sách: Huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực KH&CN, ĐMST. Mục tiêu nhằm xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm ĐMST, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm KH&CN, ĐMST của khu vực Đông Nam Á.

Để Hà Nội thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ hàng đầu  - Ảnh 1

Các đại biểu đóng góp ý kiến ​​tại hội thảo

Bên cạnh việc xin ý kiến ​​phản biện, kiến ​​nghị và đề xuất đối với các cơ chế thuộc lĩnh vực KH&CN dự kiến ​​đưa vào Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), hội thảo cũng đề cập đến các vấn đề chuyển đổi số với Thủ đô.

Hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo

Góp ý, thảo luận tại hội thảo, ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Bộ KH&ĐT) đề xuất một số ý kiến về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cho Hà Nội. Trong đó, cơ chế, chính sách của Thủ đô là kết nối các cơ sở vật chất phục vụ ĐMST đang có của các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các tập đoàn… để hỗ trợ ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo cho Hà Nội. Với mô hình này, TP ít phải đầu tư nhất mà tận dụng mô hình chia sẻ. Cùng với đó, kết nối các chương trình, dự án ĐMST đang có của các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các tập đoàn. Cần làm rõ có cần đặc thù về cơ chế, chính sách không; hay chỉ là đặc thù về xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo tại Hà Nội? Các cơ chế ưu đãi hiện hành có phải đang là vấn đề dẫn tới cần phải đề xuất biện pháp ưu đãi, hỗ trợ đặc thù của riêng Thủ đô?

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Ông Đỗ Tiến Thịnh đề xuất cách tiếp cận, đó là cần kết hợp giữa các xu thế quốc tế, trong nước và thế mạnh của Hà Nội để lựa chọn các lĩnh vực trọng điểm, có tác dụng lan tỏa cần hỗ trợ ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo. Đây là cơ hội đưa tầm nhìn, định hướng chiến lược hỗ trợ ĐMST vào quy hoạch phát triển KT-XH 2022. Cùng đó, kết hợp với quá trình xây dựng Quy hoạch KT-XH 2022 đang thực hiện, có thể đề xuất hình thành các khu ĐMST với cơ chế ưu đãi vượt trội, trong quy hoạch các khu ĐMST cần quy hoạch đồng bộ các chức năng…

Trong khi đó, ở vai trò là một doanh nghiệp công nghệ, TS Nguyễn Văn Yên – đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) kiến nghị một số giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù đẩy mạnh chuyển đổi số của Thủ đô. Trước hết, Hà Nội cần tăng tỷ lệ chi ngân sách hàng năm cho chuyển đổi số và KH&CN. Trong Luật Thủ đô (sửa đổi) phải cho phép Hà Nội có thể điều chỉnh các chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp công nghệ. Để Hà Nội có thể thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ đến với Thủ đô, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp tăng tỷ trọng đầu tư vào KHCN, Hà Nội cần được phép điều chỉnh các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp.

TS Nguyễn Văn Yên – đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)  phát biểu tại hội thảo
TS Nguyễn Văn Yên – đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)  phát biểu tại hội thảo

Bên cạnh đó, Hà Nội xem xét phương án sử dụng một phần vốn ngân sách cho KH&CN để đặt hàng hoặc hỗ trợ một phần chi phí để các doanh nghiệp công nghệ tham gia nghiên cứu các đề tài KH&CN đặc biệt là các công nghệ 4.0 như AI, BigData… Điều này giúp khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu KH&CN vì nguồn nhân lực chất lượng cao nằm trong các doanh nghiệp là rất lớn, cũng là một phương thức để Hà Nội chia sẻ rủi ro cho các doanh nghiệp dám đầu tư R&D vào các ý tưởng mới, công nghệ mới.

 

"Việc xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi không chỉ cho Thủ đô mà còn cho cả nước, bởi Thủ đô phát triển thì đất nước phát triển. Khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo phải tăng GDP, phải là động lực để tăng thu nhập cá nhân đầu người.
Với các chính sách chưa hiệu quả trong việc giải quyết các vấn đề nhức nhối như xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường, nguồn nước… cần phải có vai trò dẫn dắt của nhà nước chứ không để hoàn toàn xã hội hóa. Đặc biệt, cần phải rõ mục tiêu, đích hướng đến và kết quả đầu ra"- Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn

Theo TS Nguyễn Văn Yên, để thúc đẩy sự phát triển của AI, Hà Nội cần có cơ chế khuyến khích các cơ quan, đơn vị hành chính cấp dưới mạnh dạn sử dụng các giải pháp AI mà các doanh nghiệp trong nước đã cung cấp ra thị trường như chatbot, trợ lý ảo, điểm danh, kiểm soát an ninh, nhận dạng qua khuôn mặt… Thực tế việc triển khai chuyển đổi số, đô thị thông minh còn bất cập về thời gian thử nghiệm kéo dài, các bất cập về công tác đấu thầu khiến nhiều doanh nghiệp tham gia triển khai tốn nhiều chi phí, thời gian… Vì vậy, Hà Nội xem xét có quy định về thời gian, cơ chế thanh toán một phần khi thử nghiệm dịch vụ để giảm thiểu rủi ro về chi phí do doanh nghiệp, đặc biệt là những dịch vụ đã cung cấp để người dân, doanh nghiệp sử dụng...

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đánh giá cao các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học. Các ý kiến đều sâu sắc, trách nhiệm, thể hiện tình cảm với Hà Nội; khẳng định sự cần thiết xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Để thực hiện chính sách, cần có các giải pháp, chính sách vượt trội để thu hút nguồn lực sẵn có trên địa bàn Hà Nội. Các ý kiến góp ý sẽ được tiếp thu, tổng hợp đầy đủ làm cơ sở tham gia đóng góp xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đảm bảo lần sửa đổi này sẽ có các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội giúp Thủ đô ngày càng phát triển.