Lan tỏa văn hóa đọc
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời năm 2024, thời gian qua, nhiều hội sách, sự kiện, hoạt động liên quan đến thúc đẩy văn hóa đọc đã được tổ chức từ cấp TP đến sở, ngành, quận, huyện.
Tiêu biểu, Hội Sách Hà Nội lần thứ IX - năm 2024 với chủ đề “Hà Nội: Thủ đô văn hiến, anh hùng - thành phố vì hòa bình” được tổ chức tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận từ 27 – 29/9 đã thu hút hàng vạn người tham gia, nhất là các bạn trẻ. Với nhiều hoạt động đặc sắc như triển lãm sách, tọa đàm, giới thiệu sách, Hội Sách Hà Nội lần thứ IX đã trở thành điểm hẹn văn hóa, góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến với đông đảo bạn đọc trong nước cũng như du khách quốc tế.
Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội Sách Hà Nội lần thứ IX còn có hoạt động ủng hộ tủ sách thư viện cho các trường bị ảnh hưởng bởi lũ bão. Đây là hoạt động rất ý nghĩa, tạo nên một ấn tượng đẹp và sức hút riêng cho hội sách năm nay.
Hay ngày 2/10, tại Thư viện Hà Nội, Sở VH&TT Hà Nội đã tổ chức Cuộc thi “Gia đình đọc sách – Phát triển tủ sách gia đình kết nối yêu thương” năm 2024. Cuộc thi đã được tổ chức tại cấp quận, huyện, thị xã từ tháng 7/2024, tạo thành một hoạt động văn hóa sôi nổi trong mỗi gia đình. Ban Tổ chức đã nhận được video clip dự thi từ 74 gia đình tiêu biểu của 22 quận, huyện, thị xã tham gia cuộc thi cấp TP. Mỗi gia đình trải qua 3 phần thi: Chào hỏi, Giới thiệu về tủ sách gia đình và Tuyên truyền giới thiệu sách.
Mỗi gia đình đóng vai trò quan trọng trong hành trình xây dựng văn hóa đọc bền vững. Chính gia đình là nơi nuôi dưỡng những mầm non yêu sách, ham đọc sách ngay từ khi còn nhỏ đến tuổi trưởng thành. Việc đông đảo các gia đình trên địa bàn TP tích cực tham gia hưởng ứng Cuộc thi “Gia đình đọc sách – Phát triển tủ sách gia đình kết nối yêu thương” không chỉ là cơ hội đẩy mạnh văn hóa đọc từ gia đình đến cộng đồng, mà còn là nơi đề cao giá trị văn hóa của gia đình, tạo sự gắn kết, yêu thương.
Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh
Phó Giám đốc Thư viện Hà Nội Vương Thị Lý cho biết, cuộc thi được tổ chức với mục đích tôn vinh những giá trị văn hóa của gia đình Việt Nam, khơi dậy tình yêu đối với sách, khẳng định tầm quan trọng và giá trị của sách trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng một xã hội học tập.
“Cuộc thi cũng nhằm vận động và phát động phong trào tạo lập tủ sách gia đình, triển khai mô hình “Gia đình đọc sách – Gắn kết yêu thương” trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân Thủ đô. Đồng thời biểu dương, tôn vinh các gia đình, dòng họ, cá nhân điển hình, nhân rộng mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo…” – bà Vương Thị Lý chia sẻ.
Những ngày qua, rất nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội đã tổ chức hưởng ứng Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời (1 - 7/10) với nhiều hoạt động sôi nổi gắn với xu hướng chuyển đổi số, đẩy mạnh việc phát triển văn hóa đọc tại các cơ quan, đơn vị, nơi công cộng và các nhà trường. Đồng thời truyền đi thông điệp quan trọng: mỗi cá nhân dù ở bất kỳ cương vị nào, đều cần phải rèn luyện kỹ năng đọc, nuôi dưỡng thói quen đọc, biến việc đọc trở thành một niềm đam mê, một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống.
Nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, đào tạo nhân tài
Hà Nội được bạn bè quốc tế biết đến với danh xưng, Thủ đô Anh hùng, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo… Với truyền thống hiếu học cùng bề dày văn hóa truyền thống nghìn năm văn hiến, Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 16/11/2023 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trên địa bàn TP Hà Nội từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 7/2/2024 của UBND TP Hà Nội về việc triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TU đã đặt mục tiêu phấn đấu Thủ đô Hà Nội gia nhập vào mạng lưới “thành phố học tập” của UNESCO trong thời gian sớm nhất.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Hà Nội đăng ký danh hiệu “thành phố học tập” theo tiêu chí do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tỷ lệ người dân đạt danh hiệu công dân học tập đạt 50%; tỷ lệ gia đình, dòng họ, cộng đồng đạt danh hiệu gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập đạt 60%.
Những năm qua, việc thúc đẩy phong trào đọc sách, góp phần hình thành và phát triển văn hóa đọc được TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Trong đó có thể kể đến như TP đã triển khai tốt các hoạt động hưởng ứng nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Tuần lễ học tập suốt đời, Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”, đẩy mạnh công tác khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập…
"Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” là chủ đề của Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2024 do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức ngày 2/10, như một lời khẳng định quan điểm thúc đẩy ý thức học tập suốt đời, khuyến khích mọi tầng lớp Nhân dân tham gia vào phong trào đọc sách. Từ đó góp phần nâng cao dân trí, phát triển nhân lực và đào tạo nhân tài cho Thủ đô.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, những năm qua, Hà Nội đã tích cực triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước thành các kế hoạch, chương trình hành động, đặc biệt là các nhiệm vụ hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội học tập.
Ông Trần Thế Cương kêu gọi các cấp lãnh đạo, các tổ chức và toàn xã hội cùng chung tay xây dựng một nền văn hóa đọc mạnh mẽ hơn, thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát triển nhân tài cho đất nước, cho Thủ đô ngày càng thịnh vượng và phát triển bền vững.
Chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Thư viện Hà Nội tổ chức trưng bày sách, báo “Hà Nội - Thành phố rồng bay”, giới thiệu 300 tư liệu, giúp độc giả khám phá chiều sâu lịch sử, văn hóa và sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Trưng bày diễn ra ngày 2 - 12/10/2024, tại cơ sở 47 Bà Triệu, Hoàn Kiếm.
Từ ngày 9 – 13/10, tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội), Bộ TT&TT phối hợp Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ VHTT&DL, UBND TP Hà Nội và Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức triển lãm sách kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô.