Để học sinh có kỹ năng thoát nạn khi cháy nổ và đuối nước

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022 được UBND quận Hà Đông (Hà Nội) triển khai nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện các quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em khi hỏa hoạn, thiên tai.

Mô hình thiết thực

Thời gian qua, quận Hà Đông đã triển khai khá nhiều hoạt động nhằm bảo vệ trẻ em trong hỏa hoạn, thiên tai, đuối nước. Ngoài việc mời chuyên gia đến phổ cập các kiến thức về pháp luật bảo vệ trẻ em đối với những người làm công tác quản lý, giáo dục trẻ em từ lãnh đạo phường, các đoàn thể, tổ dân phố. Mới đây, quận triển khai tập huấn trực tiếp cho đại diện các nhà trường và học sinh tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, phường Dương Nội.

Đây là mô hình điểm của quận Hà Đông về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC&CHCN) với chủ đề “Hè an toàn, vạn niềm vui” cho học sinh, sinh viên trong cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn.

Các em học sinh tham gia vào phòng chống cháy nổ.
Các em học sinh tham gia vào phòng chống cháy nổ.

Tại buổi ra mắt mô hình điểm này, các em học sinh của Tiểu học Lê Quý Đôn đã được làm quen với việc xử lý các tình huống giả định do Đội Cảnh sát PCCC&CHCN Công an quận Hà Đông đưa ra như sử dụng bình, vòi phun nước chữa cháy, cứu người bị đuối nước, thoát nạn bằng dây từ các tầng cao khi gặp hỏa hoạn.

Đồng thời, lực lượng cảnh sát PCCC&CHCN đã giúp các em nhận biết được nguồn gây cháy, tình huống cứu bạn khi bị đuối nước không nên nhày xuống, vì tuổi các em còn quá nhỏ, dễ bị đuối nước cùng bạn. Sau buổi tập huấn, các em học sinh đã nắm bắt được kỹ năng về PCCC&CHCN đã nắm được kiến thức cơ bản mà lực lượng cảnh sát PCCC&CHCN.

Em Phạm Trần Thiên Minh, cho biết: “Sau khi con được tập huấn về PCCC&CHCN, nếu xảy ra cháy con sẽ báo hiệu cho mọi người xung quanh thoát ra khỏi đó và tìm cách để dập tắt đám cháy”.

Không chỉ học sinh rất hào hứng mà các bậc cha mẹ cũng nhận thức rõ, đây là điều cần thiết khi các con phải ở nhà một mình, hay du lịch trải nghiệm trong mùa Hè.

Chị Vũ Thị Dân Huyền, có con học lớp 4, cho biết: "Tôi rất vui năm nay các con được học các kỹ năng về PCCC&CHCN, giúp cho các con từ việc trải nghiệm thành kỹ năng sống của mình, nếu bố mẹ có đi vắng thì cũng biết cách để thoát hiểm, xử lý đối với các tình huống cháy nổ. Đối với tình huống cứu người đuối nước, nhiều em đã vì cứu bạn mà cùng đuối nước. Tôi nghĩ, cơ quan chức năng đưa ra lời khuyên là các con còn nhỏ, chỉ nên hô hoán để người lớn hỗ trợ, hoặc đưa các vật dụng để bạn bám vào, đó là bài học thiết thực, tránh cho các em bị đuối nước tập thể".

Cô Nguyễn Thị Đông, giáo viên Trường Mầm Non Dương Nội, cho biết: “Mầm non là lứa tuổi nhỏ nhất trong các cấp học, dễ bị tổn thương khi có hỏa hoạn, thiên tai. Thời gian qua, nhà trường đã hướng dẫn cho các con kỹ năng thoát nạn khi có cháy nổ, báo cho ai thì trẻ cũng biết. Hôm nay, sau khi được cập nhật khá nhiều kiến thức về PCCC&CHCN, tôi sẽ cùng các thầy cô tiếp tục phổ biến đến các con, giúp cho các con có kỹ năng bảo vệ mình và những người xung quanh”.

Còn nhiều việc phải làm

Sau buổi tập huấn nghiệp vụ PCCC&CHCN của lực lượng chức năng, đã có nhiều em học sinh nắm bắt được kỹ năng cơ bản. Tuy nhiên, còn một số em vẫn chưa thể nhớ được quy trình, kỹ năng trong việc bảo vệ mình, bảo vệ bạn, người thân khi xảy ra cháy, hay bị đuối nước. Do đó, việc cần làm hiện nay đối với cả nhà trường, cơ quan chức năng đó là có thêm nhiều buổi tập huấn trong phạm vi số lượng học sinh phù hợp.

 Các em học sinh tham gia vào thực hiện kỹ năng thoát nạn.
 Các em học sinh tham gia vào thực hiện kỹ năng thoát nạn.

“Trước kia, nhà trường chúng tôi hàng năm đều mời cơ quan PCCC đến để tập huấn kỹ năng PCCC&CHCN cho giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, 2 năm học vừa qua, các em không được đến trường do dịch bệnh, nên năm học 2021-2022 các học sinh chưa được tập huấn các kỹ năng này. Theo tôi, tập huấn PCCC&CHCN rất bổ ích cho học sinh các cấp. Tới đây, chúng tôi sẽ mời cơ quan PCCC đến để tập huấn thêm cho các học sinh và giáo viên trong nhà trường. Khi có các kỹ năng cần thiết được trang bị cho bản thân thì các em tự tin tham gia vào các hoạt động hè bổ ích hơn”. - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Trọng Tấn - Lê Thị Kim Hoa cho hay.

Hiệu Trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn – Teo Thị Thanh Mai, chia sẻ: Mô hình thí điểm “Hè an toàn, vạn niềm vui” là mô hình rất thiết thực, truyền tải kiến thức PCCC&CHCN đến các em học sinh, các thầy, cô giáo. Từ đó trang bị cho các em kỹ năng cơ bản nhất về PCCC&CHCN, để các en có kỹ năng xử lý, thoát nạn khi có cháy, nổ và chống đuối nước, đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là mô hình rất cần thiết, mô hình này cần được nhân rộng và triển khai cụ thể, liên tục tại các nhà trường, ở các cấp học”.

Về mô hình trên, ông Bùi Xuân Hà Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, cho biết: "Để mô hình 'Hè an toàn, vạn niềm vui' đi vào thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, quận sẽ triển khai thí điểm ở mỗi cấp học mầm non, tiểu học, THCS, THPT trên toàn địa bàn quận, từ đó rút kinh nghiệm, sau đó nhân rộng mô hình ra các trường. Cơ quan chức năng gồm Công an quận, Phòng GD&ĐT, Ban giám hiệu các nhà trường và các tổ chức đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, kỹ năng PCCC&CHCN đến với giáo viên, học sinh với các hình thức phong phú, đa dạng, dễ hiểu. Nâng cao ý thức của các em học sinh và cá nhân, gia đình, cơ quan trên địa bàn về PCCC, phòng chống đuối nước trên địa bàn”.

Đọc tiếp

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần