Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để kết thúc cuộc chiến Nga - Ukraine

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi chiến sự Nga - Ukraine bước sang năm thứ hai và được dự báo sẽ gia tăng cường độ hơn nữa, giới học giả và chuyên gia quân sự thế giới đã bùng nổ tranh luận về các kịch bản để sớm chấm dứt xung đột.

Khó phân thắng - bại rõ ràng

Jon Alterman tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế - một tổ chức tư vấn của Mỹ nhận định: “Cuộc chiến hoàn toàn chưa có dấu hiệu sắp kết thúc. Mỗi bên đều cảm thấy rằng thời gian đang đứng về phía mình, và tin rằng dàn xếp vào lúc này là một sai lầm”.

Cho đến nay, không bên nào phát tín hiệu thực sự sẵn sàng đàm phán. Các chuyên gia tin rằng, sau một số thành công gần đây ở khu vực Donbass, Nga nhiều khả năng đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn mùa Xuân. Nhưng Ukraine dường như quyết tâm giành lại các vùng lãnh thổ đã mất, với sự hỗ trợ ào ạt của các Chính phủ Mỹ và châu Âu.

Lính pháo binh Ukraine ở tiền tuyến Bakhmut tháng 11/2022. Ảnh: Getty Images
Lính pháo binh Ukraine ở tiền tuyến Bakhmut tháng 11/2022. Ảnh: Getty Images

Kiev thậm chí còn thể hiện rõ ý định giành lại quyền kiểm soát bán đảo Crimea ở Biển Đen mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014 - một tham vọng đã gây ra nhiều lo ngại ở phương Tây. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đưa ra một kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm liên quan đến việc Nga phải công nhận toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và rút toàn bộ quân về nước.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky tại Paris hồi đầu tháng này rằng ông “quyết tâm giúp Ukraine giành chiến thắng”. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 22/2 vừa qua cũng tuyên bố “Nga sẽ không bao giờ chiến thắng ở Ukraine”. Nhưng tất cả những điều đó không có nghĩa là cuộc chiến nhất thiết phải kết thúc với thất bại rõ ràng của Nga - theo nhận định của chuyên gia Liana Fix tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một tổ chức tư vấn của Mỹ.

Bà nói: “Tôi nghĩ rằng kịch bản có khả năng xảy ra nhất là những lợi ích của Ukraine dẫn đến một thắng lợi đủ tốt với Kiev, sau đó là giao tranh liên tục ở một số vùng lãnh thổ, trong khi Nga cố gắng giữ lấy Crimea”. Theo nữ chuyên gia, Nga hoàn toàn có khả năng huy động một lượng lớn binh lính mới, nhưng việc huấn luyện và cung cấp trang thiết bị cũng như nhu yếu phẩm đủ cho số quân đó là một thách thức quá lớn với Moscow.

Dimitri Minic từ Viện Quan hệ Quốc tế Pháp thì cho rằng, loại vũ khí mà Ukraine có thể nhận được từ các đồng minh phương Tây trong thời gian tới sẽ mang tính quyết định trên chiến trường. “Ví dụ, pháo tầm xa có thể cho phép quân đội Ukraine phá vỡ chu kỳ tấn công, phản công và phòng thủ, làm suy yếu khả năng phục hồi của Nga, từ đó giành được một trận thắng quyết định” - ông nói.

Nhưng thay vì một chiến thắng trọn vẹn, ông Minic thận trọng dự đoán một “thắng lợi chiến lược” sắp tới với Kiev, có thể bao gồm việc “chia đôi quân đội Nga ở Ukraine thông qua Zaporizhzhia”, một TP và khu vực ở Đông Nam Ukraine. Tuy nhiên, Minic lưu ý rằng ngay cả khi Ukraine từng chiếm lại TP Kherson ở miền Nam, Moscow vẫn không bỏ cuộc.

Peter Roberts, một cộng tác viên cấp cao tại Viện Royal United Services ở London (Anh) cho biết, có nhiều cách khác nhau để xác định sự kết thúc của một cuộc chiến: “Kết thúc giai đoạn chính; kết thúc của một cuộc xung đột đóng băng kiểu Georgia, hay một tình hình giống như hai miền Triều Tiên kéo dài trong nhiều năm qua”.

Tình cờ, năm 2023 sẽ đánh dấu kỷ niệm 70 năm Thỏa thuận đình chiến, mà trên thực tế đã kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953. Do đó, mô hình này đã thu hút nhiều lập luận rằng cả Nga và Ukraine đều khó có thể bị đánh bại, vì vậy tốt hơn hết là tìm một giải pháp đình chiến tạm thời, ngay cả khi “tạm thời” có thể đồng nghĩa với dai dẳng như Triều Tiên - Hàn Quốc.

Chuyên gia Minic cho rằng Nga có thể “tạm thời” chấp nhận nền độc lập của Ukraine và thậm chí là một chính quyền Kiev thân EU, thân NATO, nhưng để “đổi lấy sự công nhận đối với các cuộc chinh phục của Nga ở Ukraine”.

Liên quan đến kịch bản này, Fiona Hill, người từng là Giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Âu và Nga tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ giai đoạn 2017 - 2019, giải thích rằng, phương Tây lâu nay “vẫn bị mắc kẹt” trong câu chuyện lịch sử về Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

“Ông ấy (Tổng thống Putin) muốn phần còn lại của châu Âu công nhận rằng Nga có phạm vi ảnh hưởng của riêng mình” - Hill, hiện là thành viên cấp cao tại Viện Brookings, nói và lưu ý thêm rằng đó là quan điểm chung của nhiều người Nga chứ không riêng mình Tổng thống.

Người Nga sẵn sàng trả giá?

Theo Benjamin Jensen, một chuyên gia về trò chơi chiến tranh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, chiến sự kéo dài và mệt mỏi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đó là bởi khi xung đột càng kéo dài, càng cạn kiệt nguồn tài nguyên hữu hạn và do đó, các bên sẵn sàng “tất tay” hơn.

Ông nói: “Ngay cả những quốc gia giàu có, tiên tiến về công nghệ ở Trung Đông cuối cùng cũng đạt đến điểm mà họ sẵn sàng phóng tên lửa vào các thành phố dân sự, sử dụng vũ khí hóa học một cách công khai và đánh nhau thành từng đợt - thời điểm mà ai lao qua ranh giới mới bị bắn”.

Theo quan điểm của Jensen, thậm chí sự sụp đổ của quân đội của Nga hay một chiến thắng truyền thống của Ukraine trên chiến trường cũng không có nghĩa là chiến tranh đã kết thúc. “Nó có thể dẫn đến sự leo thang hạt nhân của Moscow” - vị chuyên gia cảnh báo.

Lo ngại về vũ khí hạt nhân và vai trò có thể có của chúng trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến đã ngày một lớn dần, đặc biệt là sau khi Tổng thống Putin hôm 21/2 tuyên bố đình chỉ Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Mỹ. Và theo Minic, một kịch bản hạt nhân có thể “trở thành hiện thực cao hơn bao giờ hết” nếu Ukraine cố gắng giành lấy Crimea.

Ngoài ra, một loạt sự kiện bầu cử cũng có thể có ảnh hưởng to lớn đến tương lai của cuộc chiến ở Ukraine, bao gồm cuộc tổng tuyển cử ở Ukraine vào tháng 10 năm nay và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm tới. Bà Liana Fix lưu ý, sự hỗ trợ của Washington đối với Kiev đã được đảm bảo trong năm qua, nhưng việc Quốc hội Mỹ đã thông qua chương trình viện trợ mới cho Ukraine là một biến số. Một số chính phủ đồng minh ở châu Âu cũng đang đối mặt với sự mệt mỏi của cử tri và sự phản đối chính trị trước nỗi lo cuộc chiến kéo dài.

Trong khi đó, những nỗ lực trước đây nhằm bóp nghẹt ý chí chiến đấu của Moscow về mặt kinh tế cũng không mang lại kết quả như phương Tây đã kỳ vọng. Tuy nhiên, một số chuyên gia dự báo rằng các rắc rối có thể bắt đầu xuất hiện trong năm nay. Charles Lichfield, nhà phân tích kinh tế và các lệnh trừng phạt tại Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Washington, nói: “Người dân bình thường ở Nga sẽ bắt đầu cảm nhận rõ hơn những tác động trong năm nay. Nhưng rõ ràng, người Nga có mức độ chịu đựng rất lớn đối với nỗi đau kinh tế”.

Ông cho rằng chính quyền Moscow đã tỏ ra cực kỳ chủ động trong việc xây dựng quyền tự chủ hàng hóa quan trọng. Dẫn chứng việc Nga được phát hiện đã tái sử dụng chip trong máy rửa bát, tủ lạnh… để làm vũ khí - động thái bị phương Tây chế giễu như một dấu hiệu của sự bế tắc, Lichfield lập luận rằng điều đó cũng có nghĩa là Moscow “phải có tính toán ngay từ đầu”.
“Người Nga sẽ làm bất cứ điều gì, kể cả huy động không giới hạn và trả giá bằng kinh tế của họ nếu cần, để giữ vững các vùng lãnh thổ sáp nhập và tiếp tục cuộc chinh phục của họ” - chuyên gia Minic nêu quan điểm.