Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để không còn những cán bộ "thiếu lửa"

Vân Thiêng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Thiếu lửa, chưa đủ quyết liệt, tham nhũng, lợi ích nhóm gây tai tiếng cho bộ máy”, đó là nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nói về tinh thần, thái độ của một bộ phận cán bộ công chức trong thời gian qua, nhân cuộc họp Chính phủ bàn về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay như đã cam kết trước Quốc hội.

Đặt trong bối cảnh những xôn xao trong dư luận về tài sản của cán bộ lãnh đạo chủ chốt một số địa phương được báo chí thông tin trong thời gian gần đây cho thấy, trong bất kỳ công việc gì, vấn đề đạo đức công vụ vẫn luôn là tiêu chí được đặt lên hàng đầu.

 Ảnh minh họa

Mặc dù đánh giá bức tranh kinh tế nước ta đã thêm nhiều gam màu sáng, được ví “như con người đi khám bệnh về mà các chỉ số cơ bản của sức khỏe, từ huyết áp, mỡ trong máu, đường trong máu… đều là những chỉ số tốt”. Đó là mức tăng trưởng kinh tế quý II đạt 6,17%, khoảng cách giữa tăng trưởng của 2 quý một đã được kéo dãn lên 1%. Đây được cho là một bước đột phá nhờ những nỗ lực trong điều hành kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ. Điều này cho phép Chính phủ lạc quan về khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm nay.

Tuy nhiên, muốn đạt được mục tiêu này, 6 tháng còn lại, tăng trưởng phải đạt 7,42%. Mức tăng này, theo các chuyên gia, là một thách thức rất lớn cho Chính phủ. Bởi trong lịch sử số liệu, chưa có 6 tháng cuối năm nào có mức tăng cao như vậy.

Nói Chính phủ lạc quan nhưng vẫn không khỏi băn khoăn, lo lắng là vì thế.

Trong hàng loạt giải pháp, Thủ tướng đòi hỏi trước tiên ở tinh thần hành động đồng bộ từ các bộ, ngành từ T.Ư đến địa phương. Một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động vì dân và DN không chỉ ở lời nói, mà phải được chứng minh bằng những việc làm cụ thể. “Không thể trên nóng dưới lạnh, một khi bộ máy công quyền vẫn còn “hành là chính” thì Chính phủ kiến tạo vẫn mãi chỉ là giấc mơ. Nếu cán bộ quản lý một số bộ ngành, lĩnh vực còn điều hành đất nước bằng thái độ vô cảm, lợi ích nhóm thông qua việc cài cắm những điều kiện, những giấy phép con… thì DN chân chính khó mà lớn lên được”, Thủ tướng đã từng nói như vậy tại một hội nghị về cải cách thủ tục hành chính.

Một khi đã phát biểu công khai về tình trạng cán bộ “thiếu lửa” trong thực thi nhiệm vụ nhưng lại thừa những biểu hiện “lợi ích nhóm, tham nhũng, gây tai tiếng cho bộ máy” là Thủ tướng đã thấy được căn bệnh trọng của đội ngũ cán bộ công quyền. Đó là tình trạng tham nhũng, vơ vét của chung thành túi riêng ngày càng trở nên công khai, khi hết biệt phủ này đến dinh thự nọ của quan chức địa phương mọc ra nghênh ngang ở khắp nơi, như thách thức dư luận.

Mà đâu chỉ là biệt phủ, dinh thự với tòa ngang dãy dọc của quan chức đầu ngành ở Yên Bái, mà trước đó là chuyện nhà đất của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Văn Truyền, là chuyện biệt thự nhà vườn hàng ngàn mét vuông của quan chức ở Hải Dương; là biệt thự của các quan chức ở Lào Cai, chuyện kê khai tài sản của lãnh đạo TP Đà Nẵng… Chuyện nào cũng khiến dư luận xã hội bức xúc về sự giàu có đến khó hiểu của cán bộ các sở ngành địa phương. Điều dư luận băn khoăn là vì sao những câu chuyện bất minh này, chỉ có dân biết, báo chí biết, còn cơ quan quản lý trực tiếp lại hầu như không biết gì. Mặc dù trong tay họ, đều đã có bản kê khai tài sản của cán bộ trong diện quản lý!

Kê khai tài sản là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa tham nhũng. Tưởng rằng có nó rồi thì các trường hợp có dấu hiệu bất minh về tài sản sẽ được làm rõ, người dân sẽ hết thắc mắc. Thế nhưng, chính những biệt phủ, biệt thự sang trọng, nguy nga của quan chức địa phương mọc lên nghênh ngang, thách thức dư luận khi nó được mang tên người thân nọ, người nhà kia, “kê khai đúng quy trình”, đã khiến người dân hoài nghi về tính minh bạch trong quá trình thực hiện.

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định về việc kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, cho thấy tinh thần quyết tâm làm sạch đội ngũ cán bộ công quyền của người đứng đầu Chính phủ. Bởi, mọi giải pháp, suy cho cùng đều xuất phát từ con người. Khi cái tâm không trong sáng thì mọi giải pháp đều bị bẻ cong.

Một khi cán bộ nói một đàng làm một nẻo, miệng lúc nào cũng rao giảng đạo đức nhưng bản thân chỉ lo vun vén cho cá nhân, phe nhóm của mình, thì mọi lời nói, việc làm, dù có nhân danh chủ trương, nghị quyết nào của Đảng - Nhà nước, cũng chỉ là giả tạo trong mắt Nhân dân mà thôi.

Vì thế, Chính phủ Liêm chính - Kiến tạo - Hành động dứt khoát không có những cán bộ tham nhũng, lợi ích nhóm, gây tai tiếng cho bộ máy.