Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để mãi là địa chỉ tin cậy cho chị em

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Hội LHPN TP Hà Nội đã tích cực trong việc tham gia giám sát, phản biện. thực hiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Hội LHPN cơ sở tham gia Hội thi tuyên truyền phòng, chống ma túy năm 2018.
Với những việc làm, hành động cụ thể trong việc luôn đồng hành cùng hội viên, bảo vệ quyền nuôi con chính đáng sau ly hôn, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ), xâm hại trẻ em, giúp thân nhân liệt sĩ được hưởng trợ cấp… Nhờ đó, Hội LHPN TP Hà Nội đã gắn kết chị em với tổ chức hội.
Là một trong những phụ nữ bất hạnh khi hàng ngày luôn phải hứng chịu những trận đòn chí tử từ người chồng vũ phu, chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp, phường Long Biên (quận Long Biên) quyết định nhờ sự hỗ trợ từ phía cộng đồng, đặc biệt là Hội LHPN phường Long Biên.
Xác minh vụ việc, cùng sự vào cuộc của cảnh sát khu vực, tổ dân phố, Hội LHPN phường Long Biên đã đưa chị Điệp đến địa chỉ tin cậy để tạm lánh nhằm bảo đảm an toàn. Bằng mọi biện pháp khéo léo, chồng chị Điệp đã nhận ra lỗi lầm, xin lỗi vợ và gia đình, hứa sẽ không tái phạm hành vi BLGĐ.
Trường hợp của chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp chỉ là một trong số nhiều vụ BLGĐ mà các cấp hội trực tiếp vào cuộc, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em.
Theo Chủ tịch Hội LHPN quận Long Biên Lưu Thị Hà, 5 năm qua, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia đóng góp xây dựng chính quyền của các cấp hội phụ nữ quận Long Biên đã đạt được những kết quả tốt. Trong đó, đã duy trì 41 “Địa chỉ tin cậy”; phối hợp với Phòng Tư pháp quận tư vấn, trợ giúp pháp lý cho gần 250 hội viên về các nội dung liên quan đến hôn nhân gia đình…
Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Trần Thị Phương Hoa nhận định, 5 năm thực hiện Quyết định 217-QĐ/TƯ và Quyết định 218-QĐ/TƯ ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI), Hội LHPN TP Hà Nội đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội trong tham gia quản lý nhà nước. Trong đó, đã tổ chức 14 lớp tập huấn, 6 cuộc hội thảo nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện. Qua giám sát đã phát hiện 257 trường hợp thân nhân liệt sĩ chưa được hưởng chế độ theo quy định, lập danh sách, đề xuất, hướng dẫn người dân hoàn thiện hồ sơ bổ sung chế độ kịp thời. Bên cạnh đó, Hội đã tổ chức 350 buổi tuyên truyền cho trên 50.000 cán bộ, hội viên, phụ nữ quy định pháp luật về phòng chống BLGĐ, bạo lực giới, quyền của phụ nữ; thành lập 200 câu lạc bộ phòng chống BLGĐ, 538 cơ sở tư vấn, 1.849 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng hỗ trợ công tác phòng, chống BLGĐ …
“Thời gian tới, Hội sẽ chủ động lựa chọn những nội dung, vấn đề bức xúc có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên phụ nữ”, Chủ tịch Hội LHPN TP Hà Nội Trần Thị Phương Hoa nhấn mạnh.