Năm 2020, Mo Mường đã được Thủ tướng chỉ đạo chọn lựa là di sản văn hóa phi vật thể cần xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Bài 1: Bí ẩn Mo Mường niên đại ngàn năm
Nói đến văn hóa của người Mường, không thể không nói đến một di sản văn hóa (DSVH) đặc biệt linh thiêng Mo Mường. Đây là báu vật vô giá và nổi bật hàng đầu trong kho tàng DSVH của người Mường trên cả nước. Tuy nhiên, càng tự hào khi sở hữu Mo Mường bao nhiêu, cộng đồng càng trăn trở bấy nhiêu bởi di sản đang ngày càng mai một. Do vậy, chỉ khi được bảo vệ khẩn cấp, Mo Mường mới được tiếp thêm sức mạnh để phát huy các giá trị đặc sắc, mới có thể trường tồn với thời gian.
Kể về di sản ngàn năm
Xã miền núi Ba Trại (Ba Vì) dân cư sống thưa thớt, nhiều tuyến đường nội thôn dài hàng trăm mét nhưng chỉ có 1 - 2 hộ sinh sống. Ở vùng cao, đường “mưa bẩn, nắng bụi” của xã Ba Trại vẫn còn một thầy mo được người dân kính trọng và tin cậy, đó là ông Đinh Công Sinh (sinh năm 1936).
Ông thường được mọi người gọi là Đinh Công Nghĩa (theo tên con trai cả).
Tính đến thời điểm hiện tại, ông Đinh Công Sinh là thầy mo cao tuổi nhất ở
Hà Nội. Biết có người tìm đến, mo Sinh (sinh năm 1936) chống gậy, bước từ trong căn nhà 3 gian đã được cải tạo ra ngoài sân.
Mo Sinh ăn vận giản dị, tóc bạc, chân yếu nên ông phải chống gậy, vất vả đi ra bộ bàn ghế cũ kê ngoài sân để tiếp khách.
Gần 90 tuổi, nỗi đau đáu của ông là làm sao lưu giữ được DSVH Mo Mường, để tiếp tục gánh vác trách nhiệm với cộng đồng.
Bởi, một thầy mo được xã hội thừa nhận không phải do học tập, rèn luyện mà thành, mà phải do năng lực cá nhân, mà theo quan niệm tâm linh là do “có căn”, được Mường Trời lựa chọn, có thể giao tiếp được giữa hai thế giới.
Nhấp ngụm nước, ông Sinh nhìn về gian thờ tổ kế bên ngôi nhà kể: "Đằng sau những đời sống sinh hoạt bình dị, người Mường có một đời sống tâm linh độc đáo thể hiện qua di sản văn hóa Mo Mường.
Nhắc tới Mo Mường là nhắc tới nghi lễ có tính thiêng. Mo Mường gắn liền với vòng đời của mỗi người dân Mường. Khi sinh ra, cất tiếng khóc chào đời được ông mo cúng cầu cho trẻ hay ăn chóng lớn. Khi tới tuổi trưởng thành, nhiều thời điểm vui buồn như kết hôn, lúc ốm đau cũng được mo làm vía, cúng vía, mong sức khỏe, bình an, may mắn. Khi về với Mường Trời, ông mo đóng vai trò là cầu nối giữa hai thế giới.
Từ xưa đến nay, trong nghi lễ của người Mường không thể thiếu được thầy mo. Bởi phải là những người có uy tín, có tâm - đức, coi nghề mo là làm phúc, không lấy nghề để làm giàu”.
Người Mường là một trong những cư dân bản địa cư trú lâu đời trên đất nước Việt Nam. Lịch sử của dân tộc Mường gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của đất nước. Những chặng đường lịch sử, những cuộc đấu tranh sinh tồn cùng những nét văn hóa được tích lũy, vun đắp qua hàng ngàn năm của cộng đồng Mường đã được tái hiện đầy chất văn học trong mo - một DSVH phi vật thể đặc sắc của họ. Như một tác giả đã viết: “Mo Mường được coi như một nền văn hóa của người Mường”. Thật không quá lời khi viết như vậy. Toàn bộ những quan niệm về vũ trụ, về thế giới thiên nhiên, con người, xã hội, về tâm linh tín ngưỡng, về cái đẹp... của người Mường đều có thể được tìm thấy trong văn bản và cách thức thực hành lễ tiết Mo.
TS Phạm Minh Hương - Viện Âm nhạc
Theo Nghệ nhân ưu tú, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Huy Vọng (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình), Mo Mường là một chỉnh thể nguyên hợp về văn hóa dân gian, bao gồm các loại hình: văn học dân gian (các áng sử thi), diễn xướng dân gian (âm nhạc, múa, sân khấu); là hình thức chuyển tải nội dung tín ngưỡng gắn với các lễ nghi dân gian... Với những giá trị đó, Mo Mường thực sự là viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa dân gian của người Mường nói riêng và của người Việt nói chung.
Trải qua nhiều thế kỷ đến nay, Mo Mường vẫn có sức sống bền bỉ, làn điệu Mo Mường đã góp phần hình thành, nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn của bao thế hệ người Mường. Mo Mường bao gồm nhiều thành tố văn hóa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, âm nhạc, tạo hình, ngôn ngữ, văn chương, diễn xướng, phản ánh đặc trưng riêng mang văn hóa đặc trưng của người Mường.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan chia sẻ: "Theo quan sát của chúng tôi, Tiếng Mo luôn có cấu trúc 2 khổ. Khổ đầu giàu nhạc tính, có tính chất ca xướng. Trong đó, 3 hình thức âm nhạc Tiếng Mo “Ha a za za”, “Hâm Mo” và “Ò hoi ơ” là ba hình thức âm nhạc quán xuyến toàn bộ quá trình thực hiện các tiết lễ trong nghi thức.
Mỗi hình thức âm nhạc Tiếng Mo khi làm mo, thầy mo lại sáng tạo ra những biến điệu rất tinh tế từ nhịp độ, tiết tấu, ngữ điệu, thời lượng xướng, đọc dài ngắn khác nhau làm cho phù hợp với nội dung Tiếng Mo để chuyển tải những câu chuyện kể, những lúc thỉnh cầu thần thánh, thiên thư trong nghi lễ.
Tiếng Mo trong Mo tang lễ Mường là hình thức âm nhạc độc đáo, đã cung cấp cho nghi lễ Mo một sáng tạo âm nhạc đúng, đủ để chuyển tải tới những người dự lễ tang một cách đầy đủ nhất toàn bộ các câu chuyện kể, những lời thỉnh nguyện trong bộ sử thi Mo Mường Việt Nam”.
Nỗi oan của Mo Mường
Từ khi hình thành, quá trình biến đổi của Mo Mường diễn ra khá phức tạp theo những xu hướng khác nhau. Nghi lễ trong Mo Mường có nghĩ lễ cầu kỳ, cỗ bàn thịnh trọng. Trái lại, có những nghi lễ đơn giản, chỉ cần cơi trầu, bát nước.
Thời gian qua, nhiều thầy mo vì đồng tiền đã nghĩ ra nhiều nghi thức quái lạ, mê tín hóa, không đúng với mo để trục lợi, vi phạm pháp luật, gây tổn thất kinh tế cho gia chủ mời thầy mo.
“Trước kia, một số thầy mo thường bày ra ma để kiếm tiền, đòi lễ của người nhà. Các cháu ốm, thầy nói bị ma ám, bắt phà làm lễ đuổi ma. Có người ốm thì lại bắt phải ngậm kim… Vì thế mới có chuyện người ta nói người Mường chài - đó là do thầy cúng bày ra để kiếm ăn” - mo Đinh Công Sinh kể.
Theo lời kể của nhiều nghệ nhân, những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, thầy mo không được phép hành nghề vì mo bị coi là mê tín dị đoan, bị lập biên bản, bắt ký cam kết không hành nghề mo nữa.
“Khi đó tôi buồn tủi lắm, vì thế tôi càng xác định học để theo đến cùng nghề mo, bởi tôi hiểu rõ mo là văn hóa bản địa, là niềm tự hào của người dân xứ Mường, là tín ngưỡng đáng được coi trọng và những thầy mo như chúng tôi chính là những người gìn giữ hồn cốt của Mo Mường” - nghệ nhân Mo Mường Bùi Văn Lựng chia sẻ.
Do không được hành nghề đường đường chính chính, nhiều người đang học mo đành bỏ dở giữa chừng, số lượng thầy mo ngày càng giảm. Rồi nhiều thầy mo giỏi lần lượt già đi và về với tổ tiên, mang theo cả những roóng mo quý chưa được truyền dạy cho con cháu.
Mo Mường là tên gọi một loại nghề nghiệp, một loại hình di sản dưới dạng hình thức thực hành nghi lễ tín ngưỡng cơ bản được thực hiện trong tang lễ người Mường. Nó bao gồm ba lĩnh vực chính cấu thành: lời mo, công cụ “hành nghề” là túi Khót của các thầy mo... môi trường diễn xướng, con người thực hành diễn xướng Mo tức là Nghệ nhân Mo. Trong đó lời Mo gắn liền với nghệ nhân mo chiếm vị trí quan trọng nhất. Bao đời qua, lời Mo được truyền dạy truyền khẩu, gắn liền với con người thực hành mo và lưu giữ trong truyền khẩu dân gian
Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng (xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình)
Ngoài ra, trong quá trình tổ chức mo hiện nay, bên cạnh những vật thiêng (khót, khéng, quạt, mũ của ông mo), vật thờ (cờ, đồ tư tế), vật tế (cây bông, cây hoa, tờ tiền, quả còn, thúng gạo) có nguồn gốc bản địa cũng du nhập những yếu tố mới của đời sống hiện đại như ảnh thờ, tiền âm phủ...
Hay tình trạng sân khấu hóa, biểu diễn mo trong một số lễ hội khiến người xem không thấy được niềm cộng cảm thiêng liêng của những người sống với người mất, đã làm nhạt đi tính biểu tượng, tính thiêng của nghi lễ mo truyền thống.
(Còn nữa)