Nhớ lại câu nói của Người, Phó Giám đốc Sở Nội vụ - Trưởng ban Thi đua Khen thưởng (TĐKT) TP Hà Nội Phùng Minh Sơn bày tỏ: Thi đua vốn là công việc hàng ngày, vì vậy, từ mỗi người dân đến người lãnh đạo đều có thể nhận biết ai là bông hoa đẹp trong cả vườn hoa đầy hương sắc. Thế nên, việc phát hiện kịp thời các điển hình tiên tiến (ĐHTT) sẽ dễ dàng hơn nếu nhận được sự tham gia tích cực của toàn xã hội, nhất là các cơ quan báo chí…
Đầu năm 2015, TP Hà Nội đã phát động “Cuộc thi phát hiện và viết về gương ĐHTT, Người tốt - việc tốt (NTVT) trên địa bàn”, xin ông cho biết lý do để TP quyết định tổ chức cuộc thi này?
- Cùng với khẳng định công tác TĐKT có chuyển biến tích cực, Chỉ thị 34 ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị cũng chỉ ra rằng, phong trào thi đua đang phát triển chưa đồng đều, nhiều nơi còn nặng tính hình thức, khen thưởng thiếu chính xác, kịp thời, trong đó ít khen thưởng người lao động trực tiếp sản xuất. Nhất là, việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân ĐHTT chưa hiệu quả, tuyên truyền thiếu đồng bộ, làm hạn chế động lực phấn đấu của tập thể và cá nhân. Trong khi đó, năm 2015 được Hà Nội xác định là năm tiến hành
Đại hội (ĐH) Đảng các cấp, năm tổ chức hội nghị ĐHTT các cấp tiến tới ĐH Thi đua yêu nước TP và ĐH Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX…
Từ bối cảnh này, ngày 23/1/2015, Hội đồng TĐKT TP đã ban hành Kế hoạch 01 về triển khai “Cuộc thi phát hiện và viết về gương ĐHTT, NTVT trên địa bàn TP năm 2015”. Ngay sau đó phát động đến các lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng và cán bộ chuyên trách TĐKT trên toàn TP. Chỉ tiêu đặt ra là mỗi tháng phát hiện, giới thiệu 1 - 2 gương ĐHTT, NTVT (đối với sở, ban, ngành) và 2 - 3 gương (với quận, huyện, thị xã).
Sau gần 6 tháng triển khai, Cuộc thi đã thu được kết quả ra sao, thưa ông?
- Tại thời điểm đầu tháng 3/2015, toàn TP đã có 102/164 đơn vị triển khai Kế hoạch, trong đó 100% quận, huyện, thị xã triển khai Cuộc thi tại đơn vị và có nơi xuống tận thôn, tổ dân phố. Cùng với đó, các thành viên Ban tổ chức (BTC) tăng cường đôn đốc tuyên truyền Cuộc thi trên địa bàn, tại các diễn đàn, hội nghị của đơn vị; chủ động cùng các đơn vị xây dựng chương trình giao lưu, biểu dương ĐHTT, NTVT được phát hiện gắn với các chủ đề theo tháng, theo các sự kiện… Tại cấp quận, huyện, sở, ngành TP, đã có nhiều nơi kịp thời tổ chức Cuộc thi có chất lượng: Các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai, Mê Linh, thị xã Sơn Tây…; các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình…; các trường ĐH Thủ đô, CĐ Y tế Hà Đông; báo Kinh tế & Đô thị, Hànộimới, Đài PT&TH Hà Nội…
Ngoài hàng trăm tập thể, cá nhân được phát hiện, khen thưởng ở cơ sở, đến đầu tháng 6 này, có 37/164 đơn vị phát hiện, giới thiệu được 20 tập thể nhỏ và 514 cá nhân là cán bộ cơ sở, công nhân, nông dân lao động trực tiếp thuộc các thành phần kinh tế. Từ đó, Ban TĐKT TP đã đề xuất khen thưởng (đợt 1) cho 11 tập thể và cá nhân ĐHTT, NTVT; dự kiến đợt 2 tiếp tục trong tháng 6 này. Tính đến 1/6/2015, Chủ tịch UBND TP đã tặng Bằng khen cho 7 tập thể và 93 cá nhân ĐHTT tiêu biểu được phát hiện trên toàn TP.
Qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, nhận thức của các cấp, ngành TP về công tác TĐKT đã có chuyển biến theo hướng đổi mới cách nghĩ, cách làm. Công tác thi đua bám sát nhiệm vụ chính trị và thiết thực hơn trước; việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng đã hướng về cơ sở và đối tượng lao động trực tiếp, bao trùm nhiều lĩnh vực. Các gương tập thể và cá nhân ĐHTT bắt đầu có sức lan tỏa trong cộng đồng, và việc tổ chức tôn vinh cũng kịp thời hơn.
Cuộc thi bước đầu tạo hiệu ứng lan tỏa, dù vậy, vẫn còn không ít đơn vị chưa tích cực hưởng ứng. Theo ông đâu là nguyên nhân?
- Tôi thấy rằng, tuy TP đã đôn đốc và hướng dẫn thường xuyên song vẫn còn nhiều đơn vị trực thuộc chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện Kế hoạch 01. Trong đó đáng chú ý là Cụm các ban Đảng, Đảng ủy Khối do bận công tác chỉ đạo tổ chức ĐH Đảng các cấp, Cụm các hội xã hội - nghề nghiệp và một số DN, đơn vị đầu mối thi đua của TP chưa triển khai hoặc triển khai kém hiệu quả. Từ khi phát động Cuộc thi đến nay, mới có 37/164 (chưa đạt 30%) đơn vị có bài viết và giới thiệu gương ĐHTT, NTVT về TP, thậm chí đến cuối tháng 4 vẫn còn một số nơi chưa phát động Cuộc thi.
Ngoài ra, theo tôi, ngay một số đơn vị bộ phận thường trực Hội đồng TĐKT và cán bộ chuyên trách chưa tích cực chủ động tham mưu, đề xuất biện pháp tổ chức thực hiện. Thậm chí có nơi có biểu hiện ngại tổ chức phong trào thi đua, mà chỉ chú trọng khen thưởng, lại chưa bám sát cơ sở... Những điều này khiến Cuộc thi chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, chưa phản ánh đúng thực chất phong trào thi đua ở cơ sở.
Trước những hạn chế này, ông có kiến nghị gì để Cuộc thi đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới?
- Với tư cách cơ quan thường trực của Cuộc thi, Ban TĐKT TP kiến nghị Hội đồng TĐKT TP có công văn kịp thời chỉ đạo, biểu dương ghi nhận những đơn vị tích cực hưởng ứng Cuộc thi, đồng thời phê bình, nhắc nhở những nơi chưa chủ động. Bên cạnh đó, đề nghị Hội đồng TĐKT các đơn vị trực thuộc TP đẩy mạnh lãnh đạo, trực tiếp đôn đốc để khẩn trương sơ kết Cuộc thi, đẩy mạnh tuyên truyền gương ĐHTT, NTVT nhằm tổ chức tốt hội nghị ĐHTT ở đơn vị, góp phần tổ chức tốt ĐH Thi đua yêu nước TP năm 2015.
Theo ông, điều gì quan trọng nhất góp phần tạo nên thành công cho Cuộc thi?
- Yếu tố quyết định đầu tiên là trách nhiệm người đứng đầu: Người đó phải có tâm và biết chỉ đạo phong trào, vì “cán bộ nào phong trào đấy”. Thứ hai, làm thi đua phải có điển hình, bởi phong trào gì cũng phải có người thực hiện, và con người đó phải mang tính tiêu biểu. Mà muốn biết tiêu biểu hay không, phải có sự phát hiện, đánh giá theo tiêu chí rõ ràng; khi đã phát hiện được tấm gương phải bồi dưỡng, tổng kết, tuyên truyền và nhân rộng ra. Đó chính là mục tiêu của đổi mới công tác TĐKT.
Xin cảm ơn ông!
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn (ngoài cùng bên trái) trao Bằng khen của TP cho các cá nhân điển hình tiên tiến trong công nhân lao động Thủ đô.
|
Từ nay đến cuối năm, Hội đồng TĐKT TP sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền Cuộc thi tới đông đảo tầng lớp Nhân dân, người lao động các thành phần kinh tế và mọi địa phương, đơn vị trên địa bàn. Đồng thời, chú trọng đôn đốc các quận, huyện, thị xã và một số ngành đặc thù như giáo dục và đào tạo, y tế, liên đoàn lao động, công an đẩy mạnh Cuộc thi, phấn đấu 100% đơn vị toàn TP hưởng ứng và tổ chức đạt yêu cầu. |