Để nghệ thuật truyền thống hái ra tiền: Bài 2: Trỗi dậy sau đại dịch

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Sau khi chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các đơn vị nghệ thuật truyền thống đã tận dụng cơ hội “vàng” tạo ra những sản phẩm đặc sắc để thu hút khán giả. Nhiều loại hình nghệ thuật đã kết hợp tạo nên những tác phẩm độc đáo, mới lạ, tiếp cận được đông đảo đối tượng công chúng.

Bài 1: Không đứng ngoài dòng chảy công nghiệp hóa

Hướng đi mới

Thời gian qua, sự kết hợp cùng lúc nhiều loại hình nghệ thuật, kể cả những loại hình vốn được cho là khó hòa trộn trong một tác phẩm sân khấu nhằm tạo sự mới lạ, thu hút khán giả đến rạp là hướng đi các đơn vị nghệ thuật đã triển khai. Sự kết hợp giữa tính ước lệ, mềm mại của Cải lương với yếu tố trực diện, mạnh mẽ của Xiếc trong dự án “Huyền sử Việt” đã mang tới sức hấp dẫn mới.

Chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ảnh: Lại Tấn
Chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Ảnh: Lại Tấn

Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã mạnh dạn mang đến “cuộc hôn phối” tưởng như đối lập nhưng khi kết hợp đã bổ trợ nhau để tạo nên một tổng thể nghệ thuật hài hòa thu được hiệu quả bất ngờ với các tác phẩm: “Cây gậy thần”, “Thượng Thiên Thánh Mẫu”.

Một số đơn vị như Nhà hát Múa rối Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Tuồng Việt Nam... đã có bước chuyển mình đáng ghi nhận khi tích cực xây dựng những dự án, chương trình tiếp cận đối tượng thanh -thiếu niên. Nhà hát Tuổi Trẻ đã dành khung giờ biểu diễn đẹp nhất trong tuần là tối thứ 7 xuyên suốt mùa Hè 2022 để phục vụ khán giả nhí với các vở diễn được dàn dựng công phu như: “Vaxilixa và Phù thủy độc ác”, “Cuộc chiến Virus”, “Bầy chim thiên nga”.

Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho biết, nghệ thuật truyền thống với những nét đặc sắc trong lối hát, múa, biểu cảm, hóa trang… hoàn toàn có thể thu hút được giới trẻ. Vì vậy, các đơn vị nghệ thuật cần chủ động xây dựng các chương trình, tìm nhiều kênh để lan tỏa nghệ thuật truyền thống.

Chương trình “Giới thiệu nghệ thuật với khán giả trẻ” là hoạt động quan trọng của nhà hát trong năm 2022, với nhiều thay đổi, từ trẻ hóa nghệ sĩ biểu diễn đến mở rộng kênh tiếp cận, thông qua việc liên kết với các trường học; mời học sinh, sinh viên tham gia giao lưu; đăng tải trên nền tảng số…

Về nội dung các chương trình, hoạt động đưa nghệ thuật truyền thống đến với khán giả trẻ, NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, cho rằng, các tiết mục, chương trình tham gia vẫn phải giữ sự chuẩn mực, khoe được đặc trưng của từng môn nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, sẽ dễ thu hút hơn khi các đơn vị lồng ghép những thông điệp thời sự được giới trẻ quan tâm và tăng cường hoạt động tương tác, trải nghiệm.

Mặt khác, để thu hút được khán giả, Nhà hát Múa rối Việt Nam tích cực triển khai nhiều biện pháp, “tấn công” vào thị trường biểu diễn ngay khi dịch bệnh được đẩy lùi. Cụ thể, dù ở xa trung tâm và khán giả chưa sẵn sàng đến rạp hát do ảnh hưởng của Covid-19, Nhà hát đã chủ động làm việc với nhiều đối tác để phục vụ học sinh, giáo viên, phụ huynh trong Hệ thống liên cấp Vinschool tại Thanh Hóa, biểu diễn phục vụ khán giả qua Tỉnh đoàn Yên Bái, tham gia dàn dựng tác phẩm cho Nhà hát truyền hình của Hải Phòng... Vào thời điểm Quốc tế thiếu nhi, cả 4 sân khấu của Nhà hát đều biểu diễn trong cùng một giờ.

Trong số các bộ môn nghệ thuật truyền thống thì Tuồng gặp khá nhiều khó khăn khi giới trẻ hầu như không mấy mặn mà. Đây chính là lý do mà Nhà hát chủ trương xây dựng các chương trình, tác phẩm hướng tới đối tượng này.

Sự tham gia tương tác đông đảo và nhiệt tình của học sinh, sinh viên với nghệ sĩ Tuồng đã cho thấy hiệu quả của sự cố gắng bền bỉ này. Nhận lời mời hợp tác từ Tập đoàn Pacific Ocean Partners (POP) và Trường ĐH Australia Institute of Music (AIM), Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đã xây dựng dự án nhạc kịch mang tên Alice in Wonderland. Sự kết hợp này nhằm góp phần định hướng giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ cho giới trẻ, tạo điều kiện để họ phát huy năng lực nghệ thuật. Hiện nay, Nhà hát đang tổ chức casting để tìm ra các vai diễn phù hợp.

Tiếp tục nâng cao chất lượng

Bối cảnh hiện nay đòi hỏi nghệ thuật sân khấu phải đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức, phương thức hoạt động để trở thành ngành công nghiệp đem lại nguồn lợi nhuận cao. Trong đó, bên cạnh khâu sáng tạo và sản xuất, việc tiếp cận công chúng cũng đòi hỏi những người làm nghệ thuật sân khấu phải thay đổi.

Để cạnh tranh, tự chủ được trên thị trường, các đơn vị không thể không làm tốt công tác marketing và xây dựng cho mình thương hiệu - một tài sản vô hình trong cơ chế thị trường và cũng là tài sản quốc gia trong hội nhập quốc tế. Thương hiệu có thể coi là linh hồn, sức sống cho sản phẩm nghệ thuật biểu diễn.

Thương hiệu càng mạnh, càng gây được ấn tượng trong tâm thức của người tiêu dùng, thì sản phẩm nghệ thuật biểu diễn càng được nhiều người xem bỏ tiền ra mua để thưởng thức.

Theo NSND Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam: Cái khó với nhà hát hàng đầu của ngành chèo này lại nằm ở phòng truyền thông. Tức là gặp khó ở vấn đề nhân sự marketting cần những người vừa am hiểu về nghệ thuật, có ngoại ngữ lại vừa làm quảng bá du lịch tốt. Hiện nay, nhà hát đang sử dụng nhân sự marketting theo lối có thế nào dùng thế đó nên chưa bắt nhịp được với thời đại.

Bên cạnh đó, khi chia sẻ những khó khăn trong công tác dàn dựng biểu diễn, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đều cho rằng, để thu hút khán giả hôm nay thì nghệ thuật biểu diễn nói chung, đặc biệt là sân khấu phải được nâng cấp hiệu quả về công nghệ, đây là yêu cầu vô cùng cấp bách, đòi hỏi phải có đầu tư lớn về chiều sâu.

NSND Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ: Nhà hát nhận được rất nhiều lời đề nghị phối hợp tổ chức tham gia các cuộc thi nghệ thuật Múa rối quốc tế, nhưng để quay các chương trình, tiết mục có áp dụng công nghệ là điều vô cùng nan giải, bởi không có phòng thu, không có trang thiết bị âm thanh ánh sáng hiện đại, Nhà hát rất khó để dàn dựng các sản phẩm đáp ứng yêu cầu.

Với các nghệ sĩ, diễn viên, cần không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, kiên trì tập luyện, nuôi dưỡng đam mê; phải biết kết hợp giữa yếu tố truyền thống với hiện đại để tạo nên những vai diễn đặc sắc. Đặc biệt, mỗi nghệ sĩ, diễn viên phải luôn có khát vọng làm mới mình để đem đến cho khán giả luồng sinh khí mới, góp phần nâng cao năng lượng tinh thần tích cực cho khán giả, nhất là khán giả trẻ.

Nỗ lực đổi mới của các đơn vị nghệ thuật để mở rộng đối tượng phục vụ, hướng đến khán giả trẻ chắc chắn sẽ giúp cho sân khấu truyền thống ngày càng có sức sống.

 

"Điều đáng mừng là các đơn vị đã có những tác phẩm, các chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng và đầy tâm huyết. Quan trọng hơn cả là những tác phẩm này đã được công chúng nhiệt tình hưởng ứng, tiếp nhận.

Sự phối hợp, liên kết giữa các nhà hát là hướng đi đáng khích lệ khi mang tới sức hấp dẫn và mở rộng đối tượng khán giả. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là các nhà hát cần tăng cường khai thác thế mạnh, đặc thù của mình để tạo nên những tác phẩm chất lượng cao." - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông

"Sắp tới Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ có buổi làm việc cụ thể với 12 nhà hát để cùng rà soát, tìm ra những điểm bất cập để xây dựng Nghị định về chính sách nghệ thuật biểu diễn sát với thực tế và phù hợp không chỉ với các nhà hát của Bộ mà với cả các đơn vị nghệ thuật ở địa phương; tháo gỡ dần những vướng mắc để làm sao các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách chế độ được sửa đổi, bổ sung phải có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, tháo gỡ một cách căn cơ toàn diện." - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - NSƯT Trần Ly Ly

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần