Theo đó, Bộ Tư pháp cho rằng, việc ban hành Thông tư là cần thiết. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát lại tình hình quản lý thu, chi tài chính cho công tác lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội trong 03 năm qua kể từ khi Nghị định 110/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến nay để làm cơ sở xây dựng Thông tư cho phù hợp với tình hình thực tiễn.
Bộ Tư pháp đã ban hành văn bản góp ý về Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính. Ảnh minh hoạ |
Trong đó, Bộ Tư pháp đề nghị bỏ Điều 2 Dự thảo Thông tư về nguyên tắc quyên, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản dâng cúng, công đức, tài trợ vì các nội dung cụ thể quy định tại Điều này không thuộc thẩm quyền của Thông tư.
Cũng theo Bộ Tư pháp, Điều 5 Dự thảo Thông tư quy định về quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và hoạt động lễ hội. Tuy nhiên, Dự thảo không quy định nguồn ngân sách nhà nước mà hoàn toàn là nguồn tài trợ, công đức nên việc can thiệp, “đóng khung” các nội dung chi như Điều 5 Dự thảo Thông tư cần cân nhắc kỹ. Trường hợp cần thiết, có thể bổ sung quy định mang tính mở.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu quy định rõ cơ chế báo cáo, cung cấp thông tin tại khoản 3 Điều 6 Dự thảo Thông tư vì quy định hiện nay tại Dự thảo Thông tư có thể bị lạm dụng (buộc báo cáo, cung cấp thông tin nhiều lần).
Theo Bộ Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản cần tuân thủ khoản 2 Điều 101 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, trong quá trình soạn thảo Thông tư, Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Đối với Thông tư có quy định liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì Bộ trưởng thành lập hội đồng tư vấn thẩm định có sự tham gia của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học.
Cùng góp ý về Dự thảo Thông tư, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành văn bản số 157/HĐTS-VP1 cho ý kiến về Dự thảo Thông tư.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng cho ý kiến về Dự thảo Thông tư. |
Bên cạnh đó, hoạt động thu chi của các tôn giáo khác đối với “tiền lễ”, “tiền khấn”, “tiền dâng”... là những loại tiền cùng bản chất pháp lý với “tiền công đức” lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư. Việc Dự thảo Thông tư chỉ nhằm quản lý “tiền công đức” của Phật giáo và một số tôn giáo, tín ngưỡng là không bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật.
Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, “tiền công đức” là tiền do cá nhân, tổ chức cúng dường (tặng cho) tổ chức, cơ sở tôn giáo và nhà tu hành của Giáo hội để hoạt động tôn giáo, xây dựng cơ sở vật chất và nuôi dưỡng, bảo đảm sinh hoạt cho nhà tu hành. Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có quyền được nhận “tiền công đức” là tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện cúng dường (tặng cho).
Các quy định của Dự thảo Thông tư chưa qui định rõ về hai loại tiền có tính chất tâm linh (tiền công đức) và tính chất thế tục (tiền tài trợ), sẽ dẫn đến hậu quả khi Thông tư có hiệu lực pháp luật thì toàn bộ “tiền công đức” cho cơ sở tôn giáo đồng thời là di tích và toàn bộ “tiền công đức” cho cơ sở tôn giáo có hoạt động lễ hội đều do Nhà nước trực tiếp quản lý và định đoạt.
Vì vậy, Bộ Tài chính cần phân định rõ ràng, minh bạch “tiền công đức cho cơ sở tôn giáo, nhà tu hành” hoàn toàn khác với “tiền tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội”.
Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng Bộ Tài chính cần hoàn thiện Dự thảo Thông tư theo hướng: “Hủy bỏ toàn bộ các quy định về quản lý thu chi “tiền công đức” hoặc bổ sung quy phạm định nghĩa “tiền công đức” và xác định rõ: Nhà nước không quản lý thu chi “tiền công đức” được cúng dường (tặng cho) tổ chức, cơ sở tôn giáo, nhà tu hành. Đồng thời, lấy ý kiến tất cả các tổ chức tôn giáo là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Thông tư theo quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015”.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam tán thành việc tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động thu chi “tiền tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội” của Dự thảo Thông tư. Giáo hội Phật giáo Việt Nam khuyến khích các nhà tu hành là thành viên Giáo hội và tín đồ Phật tử tự nguyện phát tâm, tài trợ kinh phí cho việc tổ chức lễ hội phù hợp với giáo lý Phật giáo, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị của di tích theo quy định của pháp luật.