70 năm giải phóng Thủ đô

Đề nghị bổ sung nguyên tắc trong xét đặc xá

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện lấy ý kiến đóng góp vào các dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIV, chiều 5/9, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật Công an Nhân dân (sửa đổi) và Luật Đặc xá (sửa đổi).

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Huyền Mai chủ trì hội nghị
Tại đây, hơn 10 ý kiến đều thống nhất đánh giá 2 Dự thảo Luật được ban soạn thảo xây dựng công phu, cấu trúc hợp lý, bố cục chặt chẽ, văn phong rõ ràng, dễ hiểu, với nhiều nội dung phù hợp tình hình hiện nay. 
Trong đó, Dự thảo Luật Công an Nhân dân (sửa đổi) đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, phù hợp với Hiến pháp, thống nhất đồng bộ với hệ thống pháp luật Việt Nam...

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng trong nội dung xây dựng công an xã, thị trấn chính quy, để phù hợp với đề án tinh giản biên chế, quỹ lương quốc phòng, cần quy định lộ trình chính quy công an xã, thị trấn phù hợp. Do đó, trong Khoản 2, Điều 7 không nên viết chung chung mà cần viết cụ thể là “Chính phủ quy định cụ thể lộ trình xây dựng công an xã, thị trấn chính quy”.

Cũng nhằm tinh giản biên chế, đại diện Hội Luật gia TP Hà Nội đề nghị bỏ Khoản 3 Điều 17 “Bộ trưởng Bộ Công an quyết định thành lập đồn, trạm công an và các đơn vị độc lập tại những địa bàn cần thiết”, bởi như vậy sẽ thêm tổ chức, bộ máy, không phù hợp Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng về tinh giản biên chế, sắp xếp lại tổ chức và Đề án sắp xếp, tổ chức biên chế của Bộ Công an.

Hơn nữa, đồn, trạm, các đơn vị độc lập được Bộ trưởng Bộ Công an thành lập tại các địa bàn cần thiết có chức năng, nhiệm vụ trùng với chức năng, nhiệm vụ của công an xã, phường, thị trấn (trong lúc chúng ta đang xây dựng công an xã, thị trấn chính quy), dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Trong vấn đề này, đại diện Học viện Quốc phòng cũng cho rằng, việc bố trí thường xuyên đồn, trạm, đơn vị công an ở một số địa bàn trong hệ thống tổ chức của lực lượng công an dễ dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ, gây lãng phí nguồn lực.

Đáng chú ý, góp ý vào Dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), nhiều ý kiến nhận định nội dung có tính dự báo, ổn định cao, thể hiện tính nhân văn và bản chất ưu việt của chế độ ta. Đặc biệt, đây là một quy định "mở" hơn so với Luật hiện hành, một số điều được bổ sung rất đáng hoan nghênh. Dù vậy, để thực hiện đúng mục đích đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước với người phạm tội, chính sách nhân đạo của Nhà nước, một số đại biểu đề nghị trong Điều 4 quy định các nguyên tắc thực hiện đặc xá, cần bổ sung nguyên tắc “Bảo đảm đúng người, đúng tiêu chuẩn, đủ điều kiện; đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện” (cùng 3 nguyên tắc đã nêu: Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch; bảo đảm về yêu cầu đối nội, đối ngoại an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội).

Bên cạnh đó, về thời điểm đặc xá, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội Nguyễn Hồng Tuyến đề xuất Chủ tịch nước xem xét quyết định đặc xá nhân sự kiện trọng đại của đất nước (bỏ đặc xá các dịp ngày lễ lớn) và 5 năm xem xét một lần. Lý do là ở Việt Nam hàng năm có khá nhiều ngày lễ lớn; nếu một năm có 1-2 lần đặc xá cũng sẽ làm mất ý nghĩa của đặc xá. Trong trường hợp đặc biệt, Chủ tịch nước có thể quyết định đặc xá không phụ thuộc vào các điều kiện được xem xét đặc xá quy định tại Điều 11, Điều 12 dự thảo Luật.