Đề nghị có luật về Thừa phát lại với tên dễ hiểu hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay 28/7, thông tin đến báo chí, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương cho biết, mặc dù mới thí điểm triển khai trên địa bàn TP được khoảng 16 tháng, nhưng hoạt động của 8 văn phòng Thừa phát lại đã thu được những kết quả khả quan.

Từ tháng 2/2014 đến nay, các văn phòng đã thực hiện tống đạt trên 34 nghìn văn bản; lập và đăng ký tại Sở Tư pháp hơn 1.700 vi bằng, doanh thu 4,2 tỷ đồng; ký hợp đồng thi hành án 15 vụ việc, đã thi hành xong 3 vụ với giá trị hơn 9,1 tỷ đồng. 

 
Tư vấn cho khách hàng tại Văn phong Thừa phát lại Hà Đông.
Tư vấn cho khách hàng tại Văn phòng Thừa phát lại Hà Đông, Hà Nội.
Bà Hương thẳng thắn đánh giá: Do thời gian thực hiện thí điểm ngắn, nhận thức của người dân về Thừa phát lại chưa đầy đủ nên việc sử dụng dịch vụ này còn ít được lựa chọn sử dụng. Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật đối với Thừa phát lại hiện còn thiếu, chưa cụ thể, mới dừng lại ở Nghị định và Thông tư hướng dẫn, khiến cho việc áp dụng thường mâu thuẫn với các luật, pháp lệnh khác.

Thời gian tới, lãnh đạo Sở Tư pháp cho biết sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân biết, tin, lựa chọn sử dụng dịch vụ Thừa phát lại. Các văn phòng Thừa phát lại chủ động phối hợp với tòa án, Chi cục thi hành án dân sự, UBND các địa phương để thực hiện hoạt động đảm bảo đúng pháp luật, hiệu quả, kịp thời. Sở Tư pháp cũng kiến nghị Quốc hội sớm ban hành Luật về Thừa phát lại với tên gọi thuần Việt, phổ thông và bao hàm được những nội dung công việc để người dân dễ hiểu. Bộ Tư pháp cần tăng cường ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về nghiệp vụ cho Thừa phát lại; thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ thực thi…