Đề nghị công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 14/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và các ĐBQH TP Hà Nội đã tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII tại quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng và Đống Đa.

Thận trọng khi lấy phiếu tín nhiệm
 
Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri Thủ đô bày tỏ sự đồng tình với việc Quốc hội chuẩn bị tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt và mong muốn kết quả tín nhiệm phản ánh đúng thực chất, là thước đo mức độ hoàn thành trách nhiệm trước dân, trước Đảng. Cử tri đề nghị công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm để nhân dân biết. Nhiều cử tri thẳng thắn đề xuất: Những người tín nhiệm thấp nên từ chức, không nên phải làm hết nhiệm kỳ.
 
Khẳng định việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội sắp tới là vấn đề nhạy cảm, hệ trọng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thừa nhận, có dư luận lo lắng về tính chính xác của kết quả lấy phiếu. Bởi nếu làm không cẩn thận người được tín nhiệm thì phiếu thấp, người làm không ra gì thì chạy chọt, đạt phiếu cao. Chính vì vậy, công tác tổ chức thực hiện phải tiến hành thận trọng, phải lắng nghe để biết ý kiến thật trong dân. Cách làm lần này thể hiện quyết tâm đổi mới, tăng cường vai trò của ĐBQH.
 
 
Đề nghị công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm - Ảnh 1
 
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị với cử tri quận Hai Bà Trưng.  Ảnh: Thanh Hải
 
Về các chính sách hỗ trợ ngư dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Nhà nước đặc biệt quan tâm tới vấn đề này. Trong hoàn cảnh hiện nay phải làm sao vừa giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ vừa giữ được ổn định, hòa bình để phát triển. Không được để xảy ra phức tạp, xung đột dẫn đến không có điều kiện hoà bình mà phát triển.
 
Đã hứa với dân thì phải làm
 
Tại quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, các cử tri nêu lên rất nhiều vấn đề dân sinh bức xúc và đề nghị Quốc hội quan tâm tháo gỡ. Xung quanh vấn đề giảm nghèo, cử tri Ngô Viết Huy (phường Bạch Đằng, Hai Bà Trưng) đặt câu hỏi: Có hay không tình trạng những hộ không nghèo vẫn được xét là nghèo; tình trạng cán bộ cơ sở "ăn chặn" của hộ nghèo, chậm giải quyết chế độ… và đề nghị Bộ LĐTB&XH trả lời trước cử tri về vấn đề này. Các cử tri đề nghị Quốc hội quan tâm đến vấn đề chống lãng phí. Hiện, ngoài việc lãng phí về đất đai vẫn lớn, lãng phí trong lễ hội, đón nhận huân, huy chương… cũng cần được quan tâm hơn.
 
Đề cập đến vấn đề Luật khó đi vào cuộc sống, nhiều cử tri cho rằng: Quốc hội đã ban hành nhiều Luật, nhưng thực tế cho thấy, việc tuyên truyền pháp luật hiện nay chưa được tốt. Cử tri Tô Hữu Nghĩa (phường Bách Khoa) cho rằng: Trước thực trạng khó khăn trong quản lý internet hiện nay, Quốc hội cần xây dựng Luật về quản lý, sử dụng internet, với những chế tài quản lý, xử phạt đủ mạnh.
 
Đề cập đến những vấn đề đang gây bức xúc trong nhân dân trong thời gian gần đây, cử tri Đinh Chiến (phường Thịnh Quang, Đống Đa) cho rằng: Sự xuống cấp y đức của đội ngũ y bác sĩ là do quản lý lỏng lẻo của Nhà nước đối với ngành Y dược với các vụ việc như: Phòng khám Maria, tiêm chủng tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội… Do đó, kiến nghị xem xét lại các cơ quan có trách nhiệm.
 
Đánh giá cao các kiến nghị, đề xuất cử tri nêu ra, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng: Nhiều vấn đề được cử tri nêu đã hoặc đang được tích cực giải quyết, như việc chấm dứt thiếu trường ở các quận nội thành; việc xử lý các hộ kinh doanh dịch vụ gây ồn ào, ô nhiễm môi trường, xử lý các công trình xây dựng không đúng quy hoạch, sai phép, trái phép… Trong thời gian tới, các cấp ngành của TP cần chú trọng để tiếp tục xem xét, giải quyết.
 
Đồng tình với ý kiến của cử tri về vấn đề giảm nghèo, Bí thư Thành ủy cho rằng: Đảng, Nhà nước, TP đã quan tâm rất lớn đến chính sách xóa đói giảm nghèo và đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Nhưng thực tế số hộ nghèo vẫn còn nhiều và chênh lệch giàu nghèo còn lớn. Đây là vấn đề lớn trong thời gian tới phải tiếp tục giải quyết. Bí thư Thành ủy cũng tán thành việc phải đẩy mạnh việc tuyên truyền các luật nói chung, trong đó có Luật Thủ đô để luật đi vào cuộc sống.
 
Theo Bí thư Thành ủy, qua ý kiến cụ thể của cử tri, chính quyền các cấp cần rút kinh nghiệm nghiêm túc, làm tốt hơn nữa công tác quản lý đất đai, nhất là những khu đất chưa có kế hoạch, không cho thuê, mượn để tránh phát sinh những phức tạp về sau. Trong vấn đề đối thoại với người dân, cần lắng nghe với tinh thần cầu thị, khẩn trương thực hiện những kiến nghị hợp lý, không hứa rồi để đấy, gây bức xúc cho người dân.

 
Trước băn khoăn của cử tri quận Hoàn Kiếm về hiệu quả của dự án khai thác bô xít Tây Nguyên, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Quốc hội đã nhiều lần giám sát dự án này. Tuy nhiên, dự án đang ở giai đoạn thí điểm, với những tính toán trên sổ sách và dự báo thì nói lỗ hay không là chưa đủ cơ sở. 

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần