Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề nghị đưa tội cố ý đưa chất độc hại vào thực phẩm vào Bộ Luật Hình sự

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ủy ban MTTQ TP vừa có tổng hợp ý kiến đóng góp của Nhân dân, các chuyên gia về Dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi).

Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị xây dựng các tội mới như: Tội cố ý đưa các chất độc hại vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, sản xuất thực phẩm và thức ăn chăn nuôi gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của con người; Tội cố ý đưa các chất độc hại vào trong chế biến thức ăn phục vụ cho con người gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác; Tội buôn bán các hàng hóa, sản phẩm, thực phẩm phục vụ con người và chăn nuôi mà biết rõ những hàng hóa, sản phẩm, thực phẩm đó có chất độc hại gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Theo lý giải của các chuyên gia, sở dĩ phải đưa thêm các hành vi này vào Dự thảo là nhằm cảnh cáo, xử phạt nghiêm khắc những tổ chức, cá nhân coi thường sức khỏe, tính mạng của người dân khi sản xuất, buôn bán những sản phẩm có hàm lượng chất độc hại quá mức cho phép, hoặc trong sản phẩm có các chất độc không được phép sử dụng.

Các ý kiến đóng góp cũng đồng ý bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh. Riêng với tội cướp tài sản, trong thời gian qua các vụ cướp của, giết người ngày càng gia tăng về số lượng và tính chất nghiêm trọng gây nhức nhối trong xã hội, dư luận Nhân dân đòi hỏi cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc và cần thiết, phải có bản án tử hình để răn đe. Về quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về một số tội phạm, nhưng sau khi bị kết án đã khắc phục về cơ bản hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc lập công lớn, các ý kiến không đồng ý với quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về “Tội tham ô tài sản, Tội nhận hối lộ”.

Về quy định không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên, các ý kiến tán thành nhưng đề nghị nâng số tuổi xem xét từ đủ 80 tuổi trở lên vì tuổi thọ trung bình của nước ta đã được nâng cao hơn trước; người được coi là thượng thọ, già yếu, được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên theo quy định của Luật Người cao tuổi là 80 tuổi.

Về chuyển đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù có thời hạn, các ý kiến đồng ý phương án: “Không quy định khoản này” vì: Quy định này ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi của người phạm tội khi chấp hành hình phạt tiền, việc quy định chuyển đổi từ hình phạt tiền sang hình phạt tù là trái với tinh thần cải cách tư pháp: Giảm hình thức áp dụng hình phạt tù và mở rộng hình thức áp dụng hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ; quy định như dự thảo có thể sẽ dẫn đến một thực tế có nhiều đối tượng không thể chấp hành nộp phạt hoặc chấp nhận ngồi tù để “trả nợ” vì thấy có lợi hơn cho mình…

Việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế, các ý kiến tán đồng bổ sung trường hợp xử lý hình sự đối với người trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống đối với tội trộm cắp tài sản ở giai đoạn hiện nay; nhưng cần quy định chặt chẽ để tránh áp dụng luật tùy tiện.

Cùng với đó, các ý kiến cũng đề nghị xem lại việc bỏ 3 tội là: Tội tảo hôn, Tội kinh doanh trái phép, Tội báo cáo sai trong quản lý kinh tế vì: Hành vi phạm các tội này vẫn diễn ra tương đối phổ biến ở Việt Nam. Đồng thời, hầu hết các ý kiến đồng ý với việc bổ sung 37 tội danh mới như trong Dự thảo.