Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề nghị ghi danh Phở Hà Nội là di sản văn hoá phi vật thể

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chiều 29/11, Sở VH&TT Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về Lễ hội văn hoá ẩm thực Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Giao lưu văn hoá ẩm thực Hà Nội với bạn bè quốc tế”.

Quảng bá ẩm thực Hà Nội

Diễn ra từ ngày 1 - 3/12, tại Công viên Thống nhất, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2023 có sự tham gia của 80 gian hàng chia làm 3 khu gồm: khu ẩm thực quốc tế; khu vực giới thiệu không gian văn hóa ẩm thực của các làng nghề tiêu biểu và các hoạt động trình diễn của các nghệ nhân làng nghề truyền thống của Hà Nội; khu vực bán hàng và thưởng thức ẩm thực của các tỉnh, thành.

Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Minh An
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: Minh An

Trong đó, khu ẩm thực quốc tế giới thiệu đến công chúng các món ăn đặc trưng của một số quốc gia và không gian trưng bày các vật dụng, sản phẩm tiêu biểu của các nước: Ấn Độ, Iran, Srilanka, Mông Cổ, Azerbaijan, Malaysia, Myanmar, Philippines… Giới thiệu và thưởng thức nghệ thuật pha trà, hưởng trà tại không gian đặc biệt với những loại trà hảo hạng.

Khu vực giới thiệu không gian văn hoá đem đến cho thực khách các món ăn đặc sắc và các sản phẩm tiểu biểu làng nghề truyền thống của Hà Nội như: cốm Mễ trì, xôi chè Phú Thượng, miến làng So, bánh Trung Thu truyền thống Bảo Phương, giò chả Ước Lễ, chè lam Thạch Xá, rượu làng Ngâu, cháo gõ Quảng Phú Cầu, bánh cuốn Hòa Nam, chè lam Thạch Xá, cà dầm tương Tam Hiệp, chuối tiêu Hồng Vân Nam, cháo se Hạ Mỗ… Một số món ăn được tái hiện, giới thiệu kỹ năng, quy trình thực hành: Giò chả Ước Lễ, Phở cuốn, Bánh cuốn truyền thống Thanh Trì, Bánh tôm Hồ Tây…

Khu vực bán hàng giới thiệu đặc sản một số vùng miền như Hà Giang (bánh chưng gù, thịt treo gác bếp và mật ong bạc hà); Sơn La (café, sữa); Bắc Ninh (rượu hoa cúc, bánh Phu thê, bánh tẻ); Hà Nam (kẹo lạc, chuối ngự Đại Hoàng và cá kho Nhân Hậu); Ninh Bình (thịt dê); Quảng Bình (mứt sâm và trà sâm, Gà hầm sâm).

Theo Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng: Lễ hội nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực truyền thống của thủ đô Hà Nội; xây dựng và khai thác có hiệu quả thương hiệu văn hóa, ẩm thực, du lịch thông qua phát triển nền văn hóa, ẩm thực, du lịch, tinh túy, đặc sắc, chất lượng của cả nước.

Xây dựng hồ sơ di sản phi vật thể cho phở Hà Nội

Lễ hội văn hoá ẩm thực Hà Nội năm 2023 với chủ đề “Giao lưu văn hoá ẩm thực Hà Nội với bạn bè quốc tế” cũng là dịp để Thủ đô Hà Nội và Đại sứ quán các nước tăng cường, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại Nhân dân, góp phần tích cực vào việc nâng cao nhận thức, hiểu biết lẫn nhau, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Nhân dân Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng với bạn bè quốc tế.

Người dân xếp hàng chờ mua phở Bát Đàn. Ảnh: Minh An
Người dân xếp hàng chờ mua phở Bát Đàn. Ảnh: Minh An

Trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2023 sẽ diễn ra các hoạt động giao lưu, đối ngoại như: Triển lãm ảnh về văn hóa, du lịch, ẩm thực tiêu biểu trong nước và quốc tế (Đan Mạch, Veneuzuela, Ấn Độ, Iran, Panama, Hàn Quốc, Philippin, Lào, Campuchia); triển lãm sách lưu động giới thiệu sách quảng bá về văn hóa nghệ thuật, du lịch, ẩm thực tiêu biểu trong nước và quốc tế.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống: Hát bài chòi Hội An; ca múa nhạc dân tộc; biểu diễn nghệ thuật xiếc; cuộc thi trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể “Người giữ màu dân tộc”; ca trù; hát Chèo; hát Xẩm; hát trống quân; hát dô; múa Bồng Tân Triều; trình diễn nghệ thuật Cồng Chiêng của người Mường… Các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt náo: Workshop tò he, chuồn chuồn tre, thư pháp, tranh Đông Hồ và một số các trò chơi dân gian, minigame, trải nghiệm làng nghề.

Cũng tại buổi họp báo, Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: Hà Nội đang xây dựng hồ sơ đề nghị ghi danh nghề phở ở Thủ đô là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sau khi hoàn thành, Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với một số địa phương khác xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO đưa nghề phở Việt Nam vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể thế giới.