Đề nghị kéo dài thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/11, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Sơ kết 3 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp.

Sau 3 năm, một khối lượng lớn hồ sơ lý lịch tư pháp từ các Sở Tư pháp, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh đã được xử lý và cập nhật về đầu mối là Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp).

Tuy nhiên, theo ông Đặng Thanh Sơn - Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, qua kiểm tra, khảo sát, tại hầu hết các Sở Tư pháp vẫn còn tình trạng chậm thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp. Đa số các trường hợp này người yêu cầu cấp phiếu cư trú tại nhiều tỉnh, TP, có thời gian cư trú ở nước ngoài, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam và hầu hết các trường hợp chậm thời hạn là do kết quả tra cứu, xác minh thông tin tại cơ quan công an thường chậm so với quy định.

 
Hồ sơ xin cấp Phiếu Lý lịch tư pháp được thực hiện tại bộ phận một cửa.
Hồ sơ xin cấp Phiếu Lý lịch tư pháp được thực hiện tại bộ phận một cửa.
Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ - Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát C53, Bộ Công an cho rằng, theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp người Việt Nam cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú tại nước ngoài, hoặc người nước ngoài thì thời hạn không quá 15 ngày. Trên thực tế, quy định này rất khó thực hiện vì trong quá trình điều tra các vụ án hình sự, việc cung cấp thông tin lý lịch tư pháp gặp không ít khó khăn dẫn đến công tác tra cứu, xác minh, cung cấp thông tin phục vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp một số nơi chậm trả kết quả so với thời gian quy định. Do vậy, Bộ Tư pháp sớm nghiên cứu báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn cấp phiếu lý lịch tư pháp cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đề nghị cần đẩy nhanh việc thực hiện Chiến lược phát triển lý lịch tư pháp đến năm 2020, tầm nhìn 2030, gắn với việc triển khai có hiệu quả những quy định của Luật Lý lịch tư pháp vào cuộc sống bằng việc kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Bên cạnh đó, kiện toàn tổ chức và biên chế các cơ quan quản lý lý lịch tư pháp từ T.Ư đến địa phương theo hướng chuyên môn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới. Trước mắt, thể chế về lý lịch tư pháp cần tiếp tục được hoàn thiện; rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan đến lý lịch tư pháp; tăng cường hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong triển khai thi hành Luật; kiện toàn tổ chức các cơ quan quản lý lý lịch tư pháp từ T.Ư tới địa phương; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ…