Trên 236 nghìn tỷ đồng được huy động cho phòng, chống dịch
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh – Phó trưởng đoàn giám sát cho biết, qua giám sát, trong 3 năm 2020-2022, tổng số tiền đã huy động để phòng, chống dịch là hơn 236.452 tỷ đồng. Số huy động từ nguồn ngân sách nhà nước là hơn 189.404 tỷ đồng, từ các nguồn khác hơn 47.000 tỷ đồng. Công tác huy động nguồn lực phòng, chống dịch được thực hiện chủ động, góp phần kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch, mang lại hiệu quả tích cực trong bối cảnh khó khăn, cấp bách của đại dịch.
Quỹ vaccine phòng chống dịch CovidD-19 đã huy động được trên 15,1 nghìn tỷ đồng; tổng số vaccine nhận từ các nguồn viện trợ, tài trợ là gần 160 triệu liều, trong đó riêng viện trợ của Chính phủ các nước là gần 150 triệu liều, trị giá khoảng 24 nghìn tỷ đồng.
Liên quan y tế dự phòng, báo cáo cho thấy, đến năm 2022, mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% huyện có trung tâm y tế, 99,6% số xã, phường, thị trấn có trạm y tế, 92,4% trạm y tế có bác ỹ làm việc, 71% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Ngoài ra còn có hàng chục ngàn phòng khám tư nhân, phòng khám bác sỹ gia đình, bệnh viện tư nhân tương đương tuyến huyện.
Nhân lực từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng. Công tác đào tạo, tuyển dụng, thu hút nhân lực y tế tại y tế cơ sở, y tế dự phòng đã được quan tâm, bảo đảm đủ các chế độ, chính sách theo quy định.
Tuy vậy, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ nhiều hạn chế. Trong đó có nhiều khó khăn trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn lực từ ngân sách nhà nước; các quy định hướng dẫn mua sắm vật tư, trang thiết chậm được điều chỉnh dẫn đến tâm lý lo ngại, sợ sai từ sau các vụ việc tiêu cực phát sinh; còn xảy ra sai phạm trong mua sắm ở nhiều mức độ khác nhau, có vụ việc đến mức phải xử lý hình sự.
Tổ chức hệ thống y tế cơ sở chưa thực sự ổn định, trải qua nhiều sự thay đổi, mô hình quản lý trung tâm y tế huyện chưa thực hiện thống nhất trên cả nước, làm ảnh hưởng tới việc bố trí, sắp xếp, ổn định nhân lực, sử dụng và quản lý vật lực, tài lực.
Từ thực tế trên, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát, trong đó cho phép thanh toán, quyết toán một số chi phí, xác lập tài sản sở hữu toàn dân liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng sau và phải hoàn thành trước 31/12/2023.
Giám sát phải gắn với trách nhiệm
Phát biểu gợi mở một số vấn đề thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát tối cao nên phải làm rõ được thực trạng, đánh giá kết quả, tồn tại, yếu kém; nguyên nhân khách quan, chủ quan. Giám sát phải gắn với trách nhiệm.
Trước kiến nghị của đoàn giám sát, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần làm rõ hơn hiện còn bao nhiêu chưa được thanh, quyết toán, bao nhiêu chưa được chi trả? Quá trình giám sát có thấy khúc mắc gì không? Đề nghị làm rõ cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, cơ sở thực tiễn nào để đoàn giám sát nêu ra các kiện nghị như trong báo cáo.
Lưu ý hai sai phạm rất lớn là “chuyến bay giải cứu” và vụ Việt Á, ông Vương Đình Huệ cho rằng cũng không nằm ngoài phạm vi cuộc giám sát, tuy nhiên báo cáo chưa thấy đề cập rõ.
Chủ tịch Quốc hội cũng đặt vấn đề, hiện nay còn vaccine thừa, quá hạn không; nguồn viện trợ, xã hội hoá thế nào. Có địa phương nhà tài trợ tặng cả trăm tỷ mua vaccine thì quản lý sử dụng ra sao... Báo cáo không có địa chỉ thì Quốc hội rất khó thông qua.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ băn khoăn về nhận định “hệ thống pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch chưa đủ để điều chỉnh đối với một dịch bệnh chưa có trong tiền lệ như Covid-19, do đó tạo ra các khoảng trống pháp lý trong công tác phòng, chống dịch”; nhấn mạnh việc tránh rơi vào tình trạng làm không được thì đổ cho hệ thống.
Đồng tình hệ thống pháp luật có chỗ chưa hoàn thiện, Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định, vấn đề chủ yếu vẫn là văn bản dưới luật và điều hành cụ thể. “Như thế này hóa ra đổ hết cho hệ thống pháp luật chúng ta không đồng bộ và nhiều khoảng trống. Chỗ nào cũng bảo là “khoảng trống"”- Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Nhấn mạnh điều kiện tiên quyết kiểm soát được dịch là sau khi có vaccine, nhất là thành công của chiến dịch ngoại giao vaccine, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định, với chiến dịch ngoại giao vaccine đã rất thành công, trong báo cáo của Đoàn Giám sát, có hơn 150 triệu liều vaccine, đáp ứng 60% tổng số nguồn. Sau khi có vaccine mới triển khai tiêm phòng rất thành công, bước đầu đã kiểm soát được đại dịch Covid-19 và giúp cho việc phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội đạt được nhiều kết quả trong năm 2022. Tuy nhiên trước đó có ý kiến cho rằng, thời gian đầu không tiếp cận được vaccine, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế đề nghị cần làm rõ nguyên nhân của vấn đề này là do cơ chế, chính sách hay trong công tác tổ chức hiện dẫn đến tình trạng không tiếp cận được... Báo cáo nói ngân sách bỏ ra 4,6 tỷ đồng để chủ động nghiên cứu vaccine, vậy giờ kết quả thế nào?
Cho rằng rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm các “chuyến bay giải cứu” và kit xét nghiệm Việt Á, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị đoàn giám sát bổ sung liều lượng trong báo cáo để đáp ứng vấn đề cử tri quan tâm.
Các ý kiến khác Thường vụ Quốc hội cũng đồng quan điểm cần đánh giá đúng mức hai vụ việc trên, làm rõ kẽ hở gì dẫn đến các sai phạm. Đồng thời, rà soát kinh phí ủng hộ Quỹ vaccine. Việc chi phải có hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài chính thì hiện nay có hướng dẫn chưa, phương án quản lý, sử dụng số tiền, hiện vật như thế nào... cần báo cáo công khai, đầy đủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho đoàn giám sát phối hợp với các cơ quan của Chính phủ cùng MTTQ Việt Nam và cơ quan liên quan hoàn chỉnh báo cáo, phụ lục, nghị quyết, phim minh hoạ để báo cáo lại xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo chất lượng trình Quốc hội.
Yêu cầu đặt ra đối với báo cáo giám sát là đúng phạm vi, yêu cầu, mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm và không đề cập quá rộng đến các vấn đề khác. Các đánh giá thận trọng, khách quan, thể hiện đúng bản chất vấn đề.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, phân tích làm rõ hơn về tình hình, cơ sở chính trị, pháp lý, nhất là đối với kiến nghị phân công thực hiện cụ thể nhưng phải đảm bảo thiết thực, khả thi, giải quyết được các yêu cầu công việc bức xúc trực tiếp đang đặt ra chưa giải quyết được, các giải pháp vừa cơ bản trước mắt, vừa lâu dài…
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, là cơ quan tham mưu giúp việc cho Chính phủ về lĩnh vực y tế, Bộ Y tế nhận thấy nhiều nội dung liên đến công tác chống dịch Covid-19; xây dựng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng được Quốc hội quan tâm xem xét, đây là cơ hội cho ngành thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị nêu rõ và sâu hơn bối cảnh khó khăn chưa có tiền lệ của đại dịch Covid-19 để làm rõ những giải pháp đưa ra trong tình hình cấp bách, khi đất nước còn hạn chế trong nguồn lực tài chính, nguồn lực công nghệ. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã rất linh hoạt, sáng tạo, giải quyết vấn đề thực tiễn đặt ra, nhưng bối cảnh đó cũng làm bộc lộ những tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng, triển khai, huy động nguồn lực. Cần có đánh giá tổng thể lại những vấn đề còn vướng mắc trong quy định pháp luật, trong tổ chức thực hiện để có giải pháp cụ thể, khả thi để hoàn thiện và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, khắc phục được những tồn tại đã hiển hiện trong thời gian qua.
Bộ trưởng nhận định, với một dịch bệnh có sự lây lan mạnh mẽ như vậy, nền y tế tiên tiến hàng đầu thế giới cũng có thể gặp khó khăn. Chúng ta cần rút ra các kinh nghiệm cụ thể để ứng phó tốt hơn, hợp lý hơn trong những tình huống tương tự xảy ra. Về xây dựng các kịch bản ứng phó, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết cần rà soát, nghiên cứu kỹ, vì đây là nội dung vô cùng khó, biện pháp khả thi và thực tiễn là nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật trong ứng phó thiên tai, dịch bệnh, để những quy định đó khả thi, thiết thực, đảm bảo phát huy tác dụng trong áp dụng thực tiễn.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị các cơ quan hữu quan có sự quan tâm để phát triển hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng tại các địa phương, đảm bảo ứng phó tốt với tình hình dịch bệnh có thể xảy ra.