Hiện nay, trên mạng xã hội (Youtube, Facebook,...) đang xuất hiện kênh TIMMY TV với những video, clip có nội dung, hình ảnh độc hại, mê tín, kinh dị, rợn... không phù hợp và ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.
Nhiều phụ huynh phản ánh, chỉ cần gõ tên kênh, là có hàng trăm video clip hiện ra với những tựa đề vô cùng rùng rợn, mang màu sắc mê tín như: “TIMMY kể chuyện em trai giết anh ruột vì tình yêu”, “TIMMY nhận ra cô dâu bị hồn ma nhập xác sống...”, “TIMMY tiết lộ sự thật về ông già Noel là ác quỷ...”,...
Vì thế, ngày 17/5, Cục Trẻ em – Bộ LĐTB&XH đã có công văn đề nghị Cục An toàn thông tin – Bộ TT&TT và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công an kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn, gỡ, xóa kênh TIMMY TV và xử lý theo quy định để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Cục Trẻ em đề nghị các cơ quan chức năng ngăn chặn, xóa gỡ clip độc hại của kênh TIMMY TV để bảo vệ trẻ em. Ảnh: Internet. |
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, kênh TIMMY TV có nhiều hình ảnh và nội dung không phù hợp, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em. Vì thế những nội dung này cần phải bị xử lý ngay để tránh tác hại xấu đến trẻ em.
Ông Đặng Hoa Nam kêu gọi cộng đồng, phụ huynh, học sinh khi phát hiện những nội dung, hình ảnh có dấu hiệu sai phạm về trẻ em thì liên lạc với Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Về phía các chuyên gia bảo vệ trẻ em cho rằng, không thể cấm được việc trẻ em tham gia vào môi trường mạng. Nhưng điều quan trọng là cha mẹ phải ý thức được tác hại của việc cho con tiếp cận với công nghệ mà không có sự kiểm soát. Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) Nguyễn Phương Linh chia sẻ giải pháp đã và đang được áp dụng trong gia đình: Bố mẹ và con cái cùng thống nhất các danh mục những kênh bổ ích mà con nên xem trên Youtube Kid, ví dụ VTV7Kids, BabyBus, Kỹ năng cho bé hay một số kênh tiếng Anh phù hợp với lứa tuổi của con.
Theo bà Nguyễn Phương Linh, việc các cơ quan chức năng vào cuộc và lên án các kênh này, đề nghị dỡ bỏ các thông tin thực sự là một hành động kịp thời, đáng hoan nghênh để hỗ trợ cho môi trường mạng lành mạnh, an toàn với trẻ nhỏ.
Ngoài ra, việc yêu cầu gỡ bỏ không nên chỉ là vai trò của các cơ quan chức năng, vì họ làm không thể xuể được. Chính những người dùng, người xem internet, mạng xã hội, bao gồm cả trẻ em cần ý thức và phân biệt các kênh không nên xem để có thể báo cáo các kênh này, yêu cầu gỡ bỏ các tài liệu không phù hợp và phản ánh lại với các cơ quan chức năng, như qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 là rất hiệu quả.
Bên cạnh đó là giáo dục người dùng, đặc biệt là trẻ em về thị hiếu, phân biệt đúng sai, tư duy phản biện. Và, chúng ta cũng cần giáo dục, truyền thông cho những nhà sáng tạo nội dung để xây dựng các sản phẩm vẫn giải trí lành mạnh, tích cực cho sự phát triển tư duy, nhận thức của người xem.