Đề nghị Quốc hội giám sát nguồn vốn ODA

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Với tư cách là một phần của đầu tư công và nợ công cũng như uy tín quốc gia với nhà đầu tư nước ngoài, ODA phải được giám sát chặt chẽ, minh bạch”, Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga góp ý trong phiên thảo luận toàn thể về tình hình kinh tế xã hội năm 2014 và nhiệm vụ, kế hoạch 2015.

“Bên cạnh mặt tích cực của sử dụng ODA trong những năm qua đã đóng góp rất tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng kết cấu hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, thì đã xuất hiện một số bất cập đó là hành lang pháp lý cơ bản vẫn ở tầm nghị định. Do đó phải giám sát để đảm bảo được việc quyết định dùng ODA đúng và sử dụng có hiệu quả”, ĐB Lê Thị Nga nói.

Bà Nga cũng cho rằng quy trình quyết định, quản lý và sử dụng ODA còn chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như sự giám sát của người dân, báo chí và công luận: "Những vụ tiêu cực liên quan đến ODA, từ các PMU 18, đến vụ Huỳnh Ngọc Sĩ, dự án Danida Đan Mạch đến JTC gần đây… Đáng lưu ý dù có cơ chế kiểm tra giám sát nhưng những vụ vi phạm lớn lại chỉ được phát hiện từ phía nước ngoài. Chúng tôi cũng hoan nghênh dù Bộ GTVT, Bộ Công an, Viện Kiểm sát tối cao tích cực và nghiêm túc xử lý vụ việc JTC, được dư luận hoan nghênh, đối tác cũng hợp tác tốt, không để lâu như vụ Huỳnh Ngọc Sĩ, nhưng bên cạnh xử lý nhanh, cần rà soát toàn diện để tìm các kẽ hở cho tiêu cực”.

Cho rằng pháp lý về ODA bộc lộ điểm yếu cơ bản là QH cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công gần như đứng ngoài về quy trình ODA, ĐB Thái Nguyên nói: “Tôi đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát ODA, phân tích mặt lợi, bất lợi của việc sử dụng nguồn vốn này, tiến tới giảm dần và ngừng sử dụng ODA. Bất cứ quốc gia nào sử dụng lâu dài nguồn vốn ODA đều là bất lợi, có ý thức tốt nghiệp ODA thì mới nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nó”. Đồng thời, Quốc hội cần hoàn thiện hành lang pháp lý về ODA, quy định chặt chẽ tiêu chí chấp nhận vốn ODA, quy định trách nhiệm của Quốc hội, quyền của người dân, các cơ quan báo chí, tổ chức xã hội… trong giám sát vốn ODA; sử dụng vốn ODA có chọn lựa, hạn chế, hướng tới khu vực tư nhân, không vay để theo đuổi những siêu dự án.

ĐB Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) cũng nhấn mạnh không vay ODA cho chi thường xuyên; các khoản vay phải có ý kiến Quốc hội trước khi sử dụng nếu không nợ công tăng lên, tác động con cháu chúng ta sau này.

Bàn về mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,2%, kiểm soát lạm phát 5,5% Chính phủ đề ra, nhiều ĐB đồng tình song cho rằng cần tăng tổng vốn đầu tư từ 30% lên 32% GDP. ĐB Trương Minh Hoàng (Cà Mau) đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp tăng mạnh hơn nữa tổng vốn xã hội, nghiên cứu kỹ phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2015, dồn sức cho công trình lớn còn dở dang mà nếu hoàn thành có tác động tích cực đến sự phát triển, tập trung đầu tư cho ngành nghề, lĩnh vực bám biển bảo vệ chủ quyền, quốc phòng an ninh…

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng đến lúc phải tăng trưởng cao trở lại nhưng phải có quyết sách đúng. Giải pháp của ĐB Trần Hoàng Ngân đề xuất là phải có giải pháp đồng bộ và quyết liệt vực dậy sản xuất trong nước. Chính phủ cần có báo cáo chi tiết vì sao số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể nhiều; cần hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp vay trung và dài hạn để đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh...