Tại đây, Phó Giám đốc BHXH TP Đàm Thị Hòa cho biết, 8 tháng đầu năm nay, toàn TP đã có 1.440.892 người tham gia BHXH, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, số DN đang hoạt động, đăng ký đóng BHXH, BHYT toàn TP là 51.709 đơn vị, với 1.101.241 NLĐ, số tiền thu ước đạt 14,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 70% tổng số thu.
Đoàn giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP đã làm việc với BHXH TP và đại diện các sở, ngành liên quan. |
BHXH TP cũng triển khai nhiều biện pháp thu nợ, đến hết tháng 8/2017, số tiền nợ BHXH là 3.202,6 tỷ đồng (không bao gồm nợ của các đơn vị đã được xác định ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể), làm ảnh hưởng đến quyền lợi của 812.837 lao động, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn là địa phương có số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN cao nhất cả nước, với 34.597 DN nợ BHXH với số tiền là 2.845,3 tỷ đồng, chiếm 88,8% tổng số nợ, ảnh hưởng đến 656.742 lao động. Đặc biệt, tính đến 31/8/2017, có 1.877 DN không còn lao động thuộc đối tượng phải đóng BHXH với số tiền nợ BHXH là 122,8 tỷ đồng.
Nỗ lực làm tốt công tác thu hồi nợ, từ năm 2010 đến 31/12/2015, cơ quan BHXH đã tiến hành khởi kiện ra Tòa án 344 đơn vị với số tiền nợ 328,7 tỷ đồng, sau khởi kiện đã thu hồi được là 91,2 tỷ đồng. Từ tháng 1/2016 đến nay, cơ quan BHXH đã hoàn thiện, bàn giao hồ sơ 350 đơn vị với số tiền nợ 313,1 tỷ đồng cho tổ chức công đoàn khởi kiện ra Tòa án bảo vệ quyền lợi cho NLĐ; tổ chức công đoàn chuyển hồ sơ sang Tòa án khởi kiện đối với 63 đơn vị với số tiền nợ 65,5 tỷ đồng.Cũng theo lãnh đạo BHXH TP, cơ quan này dù đã tích cực, chủ động phối hợp với Cục thuế Hà Nội cập nhật danh sách các DN đang thực hiện nghĩa vụ nộp thuế trên địa bàn để phối hợp với chính quyền địa phương, như Công an, UBND xã, phường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các đơn vị tham gia BHXH, BHYT, song vẫn nhiều khó khăn do tỷ lệ DN tham gia BHXH, BHYT cho NLĐ còn hạn chế.
Đáng chú ý, công tác khởi kiện DN nợ BHXH ra tòa hiện đang gặp nhiều vướng mắc, cụ thể: Theo Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2016), tổ chức công đoàn khởi kiện các DN nợ BHXH, BHYT nhằm bảo vệ quyền lợi NLĐ, nhưng việc khởi kiện lại yêu cầu phải có sự ủy quyền của NLĐ, song thực tế NLĐ trong DN muốn khởi kiện chủ DN cũng sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc, giám sát có lúc, có việc còn chưa sâu sát, quyết liệt, nhất là trong việc đôn đốc, thu nợ BHXH, BHYT.Tiếp thu các ý kiến, Giám đốc BHXT TP Nguyễn Đức Hòa khẳng định thời gian tới, sẽ chỉ đạo các cơ quan BHXH quận, huyện toàn TP trước hết phải làm đúng trách nhiệm trong công tác BHXH, BHYT tại các DN.
Đồng thời, BHXH TP đề xuất khi cổ phần hóa DNNN, điều kiện tiên quyết phải là ưu tiên NLĐ, nhà đầu tư chiến lược phải giải quyết mọi chế độ cho họ. TP cũng cần yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện phải tham gia trả lời chất vấn về công tác BHXH, BHYT tại DN; HĐND các quận, huyện phải giám sát công tác này trên địa bàn. Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Trần Thế Cương thay mặt đoàn giám sát ghi nhận: BHXH TP Hà Nội thời gian qua đã làm tốt công tác tham mưu cho TP nhiều văn bản triển khai chỉ đạo các quận, huyện trong thu hồi nợ, phối hợp với các ngành đảm bảo an toàn chính trị cho TP liên quan đến BHXH, BHYT, đã chỉ đạo mở rộng các đại lý thu BHXH, luôn đảm bảo năm sau cao hơn năm trước về các chỉ tiêu thu, giải quyết chế độ BHXH, BHYT cho NLĐ đúng quy định…
Tuy nhiên, thời gian tới, BHXH TP cần tham mưu UBND TP để đưa chỉ tiêu bao phủ BHXH, BHYT vào các chỉ tiêu đánh giá phát triển kinh tế xã hội; tăng cường tuyên truyền tới DN và NLĐ về BHXH, BHYT, thanh tra, kiểm tra; chỉ đạo BHXH các quận, huyện phối hợp với cơ quan chức năng thống kê chính xác số DN trong thực hiện BHXH, BHYT cho NLĐ…