Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đề nghị truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương về tội vô ý làm chết người

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hòa Bình xác định, Hoàng Công Lương đủ yếu tố cấu thành tội “Vô ý làm chết người” theo khoản 2 điều 128 BLHS năm 2015. Nếu được VKS cùng cấp thông qua, Hoàng Công Lương sẽ đối diện với khung hình phạt từ 3 năm - 10 năm tù.

 Hoàng Công Lương tại phiên toà sơ thẩm
Công an tỉnh Hòa Bình vừa hoàn thành kết luận điều tra bổ sung lần 2 đối với vụ án thiếu trách nhiệm làm 9 bệnh nhân tử vong trong quá trình chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.
Theo kết luận điều tra, bị can Hoàng Công Lương có đủ điều kiện hành nghề về kỹ thuật thận nhân tạo và chữa bệnh độc lập. Đồng thời, là bác sĩ có trách nhiệm cao nhất trong việc ra y lệnh chạy thận cho các bệnh nhân. Ngày 28/5/2017, hệ thống lọc nước RO2 mới sửa chữa, chưa lấy mẫu xét nghiệp; Phòng vật tư thiết bị y tế chưa nghiệm thu, chưa làm xong các thủ tục bàn giao cho đơn nguyên lọc máu; Nước RO không được người có chuyên môn là kỹ sư, kỹ thuật viên tiến hành kiểm tra chất lượng theo quy định... thì Hoàng Công Lương đã ra y lệnh và xác nhận y lệnh của bác sĩ để tiến hành cho việc chạy lọc thận dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Với trình độ được đào tạo, kiến thức của bản thân, vai trò là bác sỹ điều trị thì Hoàng Công Lương phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó. Xét hành vi phạm tội, Hoàng Công Lương đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vô ý làm chết người” với lỗi vô ý cẩu thả theo khoản 2 điều 128 BLHS năm 2015.

Trước đó (ngày 30/5), tại phiên tòa xét xử sơ thẩm, đại diện VKD đề nghị mức án 30 - 36 tháng đối với Hoàng Công Lương nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Nếu VKS đồng ý truy tố tội danh của Hoàng Công Lương là “Vô ý làm chết người” theo khoản 2 điều 128 BLHS năm 2015 thì đây là tội rất nghiêm trọng, có khung hình phạt từ 3 năm - 10 năm.

Đối với ông Trương Quý Dương với tư cách làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình đã ký ban hành quyết định thành lập Đơn nguyên lọc máu thuộc khoa Hồi sức tích cực khi không có quy định và chưa đủ điều kiện theo quy định. Dẫn đến, Đơn nguyên lọc máu không hoạt động theo quy định nào của pháp luật, không có cơ cấu tổ chức và nguyên tắc hoạt động. Hậu quả, thiếu nhân lực, thiếu quy định vận hành, bảo quản và kỹ thuật an toàn sử dụng máy nên không ai có trách nhiệm nhận bàn giao hệ thống RO theo quy định và kiểm tra chất lượng nước… Ngoài ra, ông Dương đã vi phạm nhiều quy định của quy chế quản lý bệnh viện. Hành vi vi phạm của ông Dương đã đủ yếu tố cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Kết luận điều tra bổ sung lần 2 tiếp tục nêu rõ hành vi phạm tội hình sự của 4 bị can khác có liên quan đến vụ án. Cụ thể, bị can Bùi Mạnh Quốc (Giám đốc Công ty THHH xử lý nước Trân Anh) người có chuyên môn về sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO. Quá trình thao tác đã để tồn dư 1 lượng hoá chất lớn trong hệ thống nước; chưa lấy mẫu nước để xét nghiệm theo yêu cầu hợp đồng. Hành vi nêu trên của bị can Quốc đủ yếu tố cấu thành tội “Vô ý làm chết người”.

Bị can Trần Văn Sơn công tác tại Phòng vật tư, thiết bị y tế đã không theo dõi, giám sát việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Do đó, đủ yếu tố cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị can Hoàng Đình Khiếu, nguyên Phó Giám đốc kiêm trưởng khoa Hồi sức tích cực, phụ trách Phòng vật tư, thiết bị y tế đã không sát sao trong trách nhiệm được giao để cấp dưới làm sai quy định có hệ thống dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hành vi của bị can Kiếu đủ yếu tố cấu thành tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị can Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng vật tư, thiết bị y tế có sai phạm tương tự nên kết luận điều tra bổ sung lần 2 xét tội danh cùng giống bị can Hoàng Đình Khiếu.

Hiện tại, Bùi Mạnh Quốc, Trần Văn Sơn đang bị tạm giam tại Công an tỉnh Hòa Bình, các bị can khác đều chấp hành lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.