Đề nghị tuổi trẻ em là dưới 18

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu tiên cho ý kiến Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Nhiều ý kiến đề nghị nên đổi tên là Dự án Luật Trẻ em để đảm bảo bao quát tất cả các vấn đề có liên quan đến trẻ em cũng như phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em của Liên Hợp quốc (Công ước CRC) mà Việt Nam tham gia.

Làm rõ trách nhiệm của xã hội với trẻ em

Quan điểm của ban soạn thảo Dự Luật về việc điều chỉnh độ tuổi của trẻ em là dưới 18 tuổi (tăng 2 tuổi so với hiện hành) được cơ quan thẩm tra là Ủy ban GDTNTN&NĐ đồng tình. Theo Chủ nhiệm Đào Trọng Thi, đa số các nước đều quy định độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi. Vì vậy, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi là cần thiết. Đề nghị này cũng nhận được sự đồng tình của phần lớn thành viên UBTV Quốc hội. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng: Công ước về quyền trẻ em được xây dựng đã khá lâu, trong những năm vừa qua xã hội có nhiều thay đổi, cần có những tổng kết, đánh giá kỹ hơn về mức độ trưởng thành của trẻ em. Dự Luật nên thiết kế chính sách riêng cho từng lứa tuổi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Dự Luật cần đặc biệt quan tâm chăm sóc, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; đã bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại vì đây là những đối tượng đã phải chịu nhiều thiệt thòi, không thể để các cháu bị thiệt thòi hơn nữa. Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai thì cho rằng: Mặc dù Dự Luật đã đề cập đến vấn đề tư pháp đối với trẻ em khi trẻ em là nạn nhân, nhân chứng, nhưng chưa tiếp cận được những điểm mới tiến bộ nhất trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Do đó, đề nghị bổ sung quyền im lặng của trẻ em trong quá trình tố tụng; bổ sung điều khoản riêng về trẻ em dân tộc thiểu số. Cùng với đó, xác định rõ ràng trách nhiệm của xã hội, gia đình, nhà trường đối với trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, để Luật thực sự khả thi, bớt đi tính hô hào, vai trò của Nhà nước cần được thể hiện rất rõ trong Dự Luật. Chủ tịch Quốc hội cũng đưa ra thực trạng về thiếu chỗ chơi cho trẻ em và cho rằng, đây chính là trách nhiệm của Nhà nước.

Cần thiết ban hành Luật Tôn giáo, tín ngưỡng

 Sáng cùng ngày, UBTV Quốc hội cũng thảo luận Dự án Luật Tôn giáo, tín ngưỡng. Chủ nhiệm Ủy ban Về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị tăng cường thêm điều luật liên quan đến quyền, nghĩa vụ của mọi người để được Nhà nước tôn trọng, bảo hộ tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Các quy định cấm cũng cần được thể hiện cụ thể hơn. Dự Luật mới chỉ quy định những hành vi bị nghiêm cấm chung mà chưa làm rõ hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với cá nhân, hành vi nào là bị nghiêm cấm đối với tổ chức, dễ dẫn đến việc áp dụng tùy tiện, khó xác định chế tài xử lý.

Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền đề nghị ban soạn thảo cần tổng kết tình hình tôn giáo chung hiện nay, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước để quy định cụ thể, rõ ràng hơn, tạo điều kiện cho mọi người thực hiện quyền tự do tôn giáo; làm rõ hơn các điểm bất cập trong thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo thời gian qua; xây dựng các quy định chặt chẽ hơn để tạo điều kiện cho tôn giáo tự do hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.