Đề nghị Viện Kiểm sát truy tố Nguyễn Phương Hằng cùng 4 đồng phạm

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi hoàn tất kết luận điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh vừa chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng, ông Đặng Anh Quân và 3 đồng phạm khác.

Ngày 6/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND TP để đề nghị truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam) và 4 đồng phạm về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo điều 331 bộ luật Hình sự.

Cụ thể, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP xác định bị can Nguyễn Phương Hằng đóng vai trò chủ mưu. Các bị can Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý của Nguyễn Phương Hằng), Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty CP Ðại Nam), Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty CP Ðại Nam), Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (giảng viên Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh) có vai trò đồng phạm, giúp sức cho Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội.

Bị can Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an TP Hồ Chí Minh
Bị can Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan điều tra. Ảnh: Công an TP Hồ Chí Minh

Theo hồ sơ vụ án, bà Nguyễn Phương Hằng đã lợi dụng, sử dụng 12 kênh mạng xã hội livestream xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng uy tín, danh dự nhiều cá nhân như ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), bà Ðặng Thị Hàn Ni (nhà báo, thạc sĩ luật Hàn Ni), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là Lê Công Vinh, ông Nguyễn Đức Hiển (Phó tổng biên tập báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh)…

Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Phương Hằng khai các thông tin phát ngôn khi livestream và đăng tải trên Facebook về các cá nhân trên đều do bà này đọc trên mạng chưa được kiểm chứng và không có cơ sở chứng minh.

Tháng 3/2022, bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố. Mở rộng điều tra vụ án cuối năm ngoái, nhà chức trách đã khởi tố bị can Lê Thị Thu Hà (31 tuổi), Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi) và Huỳnh Công Tân (29 tuổi).

Công an TP xác định 3 bị can Nhi, Hà, Tân đã thực hiện các nhiệm vụ: đăng tin trên mạng xã hội Facebook về tiêu đề, thời điểm, đường dẫn đến kênh YouTube, TikTok sẽ phát livestream; in các nội dung mà bị can Nguyễn Phương Hằng sẽ phát ngôn, đưa cho bị can Nguyễn Phương Hằng trước các buổi livestream; chuẩn bị, sử dụng các phương tiện, thiết bị điện tử để phục vụ livestream và phát livestream trên các tài khoản mạng xã hội của bị can Nguyễn Phương Hằng.

Ngoài ra, 3 bị can này còn tham gia dẫn chương trình trong các buổi livestream, thông báo số lượng người xem, đọc các bình luận trên livestream phát trực tiếp...

Đầu năm nay, Công an TP đề nghị truy tố bà Hằng cùng 3 đồng phạm trên. Sau đó, VKS đã hồ sơ làm rõ vai trò của ông Đặng Anh Quân.

Cuối tháng 2 vừa qua, ông Quân bị khởi tố. Theo cáo buộc, ông Đặng Anh Quân đã trực tiếp tham gia nhiều buổi livestream cùng bị can Nguyễn Phương Hằng.

Cảnh sát điều tra xác định ông Quân đã trực tiếp tham gia nhiều buổi livestream cùng Nguyễn Phương Hằng. Trong các buổi livestream này, Đặng Anh Quân đã phát ngôn, bình luận, cùng tương tác với Nguyễn Phương Hằng về những nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhiều cá nhân.

Hành vi của Đặng Anh Quân là giúp sức tích cực cho Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội liên tục, nhiều lần trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm phức tạp tình hình trên không gian mạng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội.

Cùng ngày 6/4, ông Nguyễn Hữu Toàn (sinh năm 1962, ngụ quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh, anh ruột của bà Nguyễn Phương Hằng), đã có đơn gửi Viện KSND TP Hồ Chí Minh, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh, nội dung xin được bảo lãnh cho bà Nguyễn Phương Hằng được tại ngoại.

Theo đơn, ông Toàn viết, bà Hằng livestream là do nhiều người công kích bà, công ty, quỹ từ thiện, con cái… nên bà Hằng đã nóng giận mất kiểm soát, xảy ra vi phạm. Bà Hằng có địa chỉ cư trú rõ ràng, chưa có tiền án, tiền sự, bản thân lại đang bị nhiều bệnh như cao huyết áp, rối loạn lo âu, rối loại lipid máu, mất ngủ kéo dài… phải điều trị thường xuyên nhiều năm nay. Việc tiếp tục tạm giam sẽ ảnh hưởng sức khỏe của bà Hằng.

Ngoài ra, ông Toàn nêu trong đơn rằng, bà Hằng có nhiều đóng góp cho xã hội, nhiều lần tự viết đơn xin tại ngoại, cam kết không tái phạm, đã thành khẩn khai báo… ông Toàn khẳng định, ông là người đã trưởng thành, có nhân thân tốt, có địa chỉ cư trú rõ ràng tại TP Hồ Chí Minh, nên đủ điều kiện để bảo lĩnh cho bà Nguyễn Phương Hằng được tại ngoại. Ông Toàn mong cơ quan pháp luật xem xét cho ông bảo lĩnh bà Nguyễn Phương Hằng, “Nếu được sự đồng ý của Công an TP Hồ Chí Minh và Viện KSND TP Hồ Chí Minh, gia đình xin được đặt tiền để bảo lĩnh như là một cam kết kèm theo” – đơn của ông Nguyễn Hữu Toàn Viết.