Theo ĐB Đặng Xuân Phương (đoàn Đắk Lắk): Để bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước liên quan đến công chức, công vụ, nên cân nhắc sự cần thiết việc bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018) việc xem xét cho ý kiến đối với một số luật như sửa đổi Luật Cán bộ công chức, sau 9 năm thi hành.Theo ĐB, lý do không phải chỉ để giải quyết những vướng mắc chưa đồng bộ trong các quy định về trách nhiệm công vụ và việc xử lý cán bộ công chức sau khi đã nghỉ hưu, chuyển công tác. Mà thực tiễn đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết như vấn đề tinh giản biên chế đã đặt ra nhiều năm nhưng chưa giải quyết được căn bản. Các quy định về bầu, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ công chức chưa thực sự gắn với thẩm quyền giám sát và xử lý trách nhiệm đối với người có chức vụ trong hệ thống công vụ. “Thời gian qua cử tri và công luận rất bức xúc trước những vấn đề đang đặt ra là tại sao việc đề bạt bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn lọt vào một số cán bộ có năng lực yếu kém, nhiều sai phạm trong quản lý. Các quy định về chức danh lãnh đạo quản lý chưa được tách bạch một cách khoa học hợp lý với các hệ thống ngạch bậc, chức danh chuyên môn… Tất cả những vấn đề trên đang đặt ra vấn đề sửa đổi Luật Công chức viên chức” - ĐB nêu.Về chất lượng xây dựng luật, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội Hà Nội) cho rằng: Sáng kiến đề xuất xây dựng Luật phải bám sát vấn đề cuộc sống hay vấn đề cử tri quan tâm. Đồng thời, cần đổi mới nâng cao chất lượng lấy ý kiến Nhân dân và coi đây là khâu bắt buộc. Bởi có nhiều luật, khi thông qua rồi người dân mới biết. ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) cho rằng: Có Dự Luật đề nghị đưa vào chương trình là đầy đủ hồ sơ nhưng chưa đảm bảo yêu cầu chất lượng, các báo cáo đánh giá tác động của chính sách vẫn cách làm cũ chưa đảm bảo nội dung. Đánh giá chính sách đúng mới đảm bảo chất lượng Luật. Chính phủ cần nâng cao chất lượng xây dựng Luật, còn Quốc hội cần nâng cao tư duy phản biện chính sách, Luật.