Hình ảnh tấm đan tại mặt cầu Long Biên bị sụt xuống, nhìn thấy cả mặt sông. (Ảnh: Đ.X) |
Công văn nêu rõ, trước sự cố tấm đan lòng đường dành cho xe máy và xe thô sơ bị sỡ, sụt, gây nguy hiểm cho người đi đường, công ty đã khẩn trương sửa chữa, thay thế tấm đan, khắc phục sự cố, đưa hoạt động giao thông trở lại bình thường.
Nguyên nhân tấm đan bê tông bị vỡ, sụt được xác định là do cầu Long Biên được đưa vào khai thác sử dụng đã 121 năm, các kết cấu thép bị rỉ hao mòn tiết điện, nhiều tấm đan bị vỡ âm. Cùng với đó, thời gian vừa qua, khu vực Hà Nội có mưa kéo dài. Nhiều phương tiện giao thông chở hàng nặng quá tải lưu thông qua cầu; đặc biệt là xe máy thồ, xe ba gác chở hàng quá tải. Hiện tại vị trí hai đầu cầu có hệ thống biển thông báo “cầu yếu” và biển báo cấm các phương tiện xe đạp thồ, xe máy thồ lưu thông qua cầu từ 5h đến 20h hàng ngày.
Bên cạnh việc cắm biển báo, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải đã tiến hành thống kê lưu lượng xe máy thồ, xe ba gác chở nặng quá tải lưu thông qua cầu.
Qua khảo sát thống kê ngày 31/5/2022 từ 14h00 đến 20h00 có 150 xe máy thồ, xe ba gác chở hàng nặng. Từ 20h đến 5h sáng hôm sau có 75 xe máy thồ, xe ba gác chở hàng nặng quá tải lưu thông qua cầu. Đặc biệt trong các ngày rằm, mùng 1 âm lịch, các ngày lễ, Tết, số lượng các phương tiện này tăng gấp 2 đến 3 lần và đây là một trong những nguyên nhân gây nên các sự cố như vỡ sụt tấm đan bê tông đường bộ, kết cấu thép bị nứt gãy…
Để tránh các sự cố tương tự như trên, Công ty cổ phần Đường sắt Hà Hải đề nghị Sở Giao thông Vận tải thành phố Hà Nội bố trí hệ thống biển báo cấm xe ô tô, xe máy thồ, xe ba gác qua cầu (24/24h). Cục Cảnh sát giao thông bố trí lực lượng hướng dẫn các phương tiện tham gia giao thông qua cầu đúng quy định và xử phạt đối với các hành vi vi phạm.
Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã xử lý 11 trường hợp đi vào đường cấm trên cầu Long Biên, trong đó có trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên 0,4mg/lít khí thở bị phạt hành chính trên 50 triệu đồng.