Để người cao tuổi sống vui, khỏe, có ích

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Ngày mai, Chủ nhật 1/10, là Ngày Quốc tế Người cao tuổi, cũng là ngày đầu tiên của tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm 2023.

 Ngày Quốc tế Người cao tuổi năm nay được tổ chức với chủ đề “Gia đình và xã hội hãy tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích”. Tương tự, Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm 2023 có chủ đề: “Người cao tuổi được phát huy và chăm sóc đầy đủ”.

Theo Tổng cục Thống kê, đến tháng 8/2022, Việt Nam có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 11,86% dân số. Những năm trở lại đây, số người cao tuổi ở Việt Nam liên tục tăng nhanh, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số. Số người trên 60 tuổi năm 2022 là 12% và đến năm 2050 sẽ là 28%.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chủ trương, chính sách đã đi vào cuộc sống nhằm giúp cho người cao tuổi "sống vui, sống khỏe, sống có ích".

Tuy nhiên, tốc độ già hóa dân số nước ta đang diễn ra nhanh chóng cũng làm xuất hiện nhiều vấn đề xã hội, đặc biệt là việc bảo đảm quyền và phát huy tri thức, kinh nghiệm của người cao tuổi, một trong những yếu tố quan trọng để người cao tuổi thực sự sống vui, sống khỏe, sống có ích, có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển xã hội.

Nói cách khác, với tỷ lệ người cao tuổi ngày càng gia tăng trong cơ cấu dân số của Việt Nam, cần nhận thức rõ các tiềm năng, lợi thế của nhóm đối tượng này trong việc đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đi đôi với việc bảo đảm các quyền lợi chính đáng của người cao tuổi.

Thực tế cuộc sống cho thấy, già hóa dân số tạo ra những thách thức lớn về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa, song cũng mang đến nhiều cơ hội. Một trong những cơ hội đó là việc người cao tuổi sau khi đã nghỉ hưu vẫn tham gia lao động mang lại những lợi ích không nhỏ.

Trước hết nó góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động do quá trình già hóa dân số. Đây cũng là lực lượng lao động đã có tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ thành thạo, có kinh nghiệm và cách ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ công việc, cuộc sống.

Mặt khác người lao động cao tuổi còn có những ưu thế riêng, đặc biệt là ở một số lĩnh vực nghề nghiệp như giáo viên, bác sĩ, nghiên cứu viên, chuyên viên tư vấn, chuyên gia truyền thông…, môi trường công việc rất thích hợp để người cao tuổi phát huy ưu thế về kinh nghiệm, kỹ năng tổng hợp, tiếp tục cống hiến cho cộng đồng, cũng là mang lại cho họ thu nhập, niềm vui, sức khỏe.

Điều đáng nói là với nhiều người cao tuổi, việc tiếp tục làm việc không chỉ là với mục đích có thêm thu nhập, mà còn là và đôi khi chủ yếu là được thấy mình vẫn còn có ích cho cuộc sống, mang lại niềm vui.

Việc tạo cơ hội cho người lao động ở tuổi nghỉ hưu được làm việc đang được thực hiện ở nhiều nước tiên tiến.

Tại Mỹ, lực lượng lao động năm 2024 ước tính là 164 triệu người, trong đó có 13 triệu lao động từ 65 tuổi trở lên.

Tại Nhật Bản thời điểm năm 2020 - 2021 có 71% người từ 60 - 64 tuổi vẫn đang tham gia lực lượng lao động. Tỷ lệ này đối với nhóm 65 - 69 tuổi là 49,6% và 32,5% đối với những người từ 70 -74 tuổi. Còn tại Singapore, năm 2021, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của người trên 65 tuổi là gần 33%.

Ở Việt Nam việc người cao tuổi tiếp tục lao động không còn là điều mới mẻ, nhất là kể từ sau khi tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh theo quy định của Bộ luật Lao động 2019. Hiện nay, tỷ lệ người cao tuổi tham gia lao động ở nước ta khá cao, chiếm khoảng 8,7% lực lượng lao động cả nước.

Cơ hội từ việc người cao tuổi tham gia lao động đã rõ. Để cơ hội đó trở thành hiện thực, bên cạnh việc tạo một môi trường thuận lợi từ phía cộng đồng xã hội, còn cần một thái độ tích cực từ bản thân người cao tuổi. Đó có thể xem là điều kiện cần và đủ để người cao tuổi có thể tiếp tục cống hiến cho xã hội, sống vui, sống khỏe, sống có ích.