Để người dân về quê đón Tết: Cần thống nhất quy định kiểm soát dịch

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Nhu cầu người dân về quê trong thời gian này tăng rất cao. Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương đang ban hành những quy định khác nhau về việc cách ly, xét nghiệm với người trở về đón Tết khiến người dân lo lắng, bối rối. Điều này đặt ra vấn đề nên thống nhất quy định kiểm soát dịch bệnh tại địa phương trong dịp Tết Nguyên đán.

Nhiều địa phương siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch nhằm đảm bảo an toàn khi người dân về quê ăn Tết. Ảnh: Đức Hùng  
Nhiều địa phương siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch nhằm đảm bảo an toàn khi người dân về quê ăn Tết. Ảnh: Đức Hùng  

Mỗi nơi quy định một kiểu

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là sắp đến Tết Nguyên đán, nhiều địa phương ban hành thêm các quy định để kiểm soát người đến từ vùng cam, vùng đỏ. Trong đó, một số địa phương yêu cầu thực hiện biện pháp cách ly người về từ vùng đỏ và vùng cam. Đơn cử, tại Hải Phòng người từ vùng vàng và vùng xanh về phải tự theo dõi sức khỏe trong 7 - 14 ngày. Còn tại Thanh Hóa, người về từ vùng đỏ phải cách ly tại nhà 7 ngày, theo dõi y tế 7 ngày…

Đặc biệt, để hạn chế dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, mới đây, gần 30 hộ dân xã Thiệu Phú (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) đã bị chính quyền xã cử người đến khóa cổng nhà do có người từ tỉnh ngoài về quê dịp trước Tết gây bức xúc trong dư luận. Sau khi báo chí phản ánh, huyện đã chỉ đạo “mở hết ổ khóa” cho người dân.

Một số nơi yêu cầu người đến từ tỉnh, thành có ca nhiễm cộng đồng vào địa bàn phải có kết quả test nhanh âm tính trong 48 giờ hoặc giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ. Đơn cử, tỉnh Hưng Yên yêu cầu người ở địa phương khác trở lại tỉnh, người từ vùng dịch về địa bàn, người từ địa phương khác về quê ăn Tết, phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ hoặc test nhanh ngay khi về đến địa phương.

Còn tỉnh Ninh Bình yêu cầu những trường hợp có nhu cầu đến/về Ninh Bình phải khai báo y tế, thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú và làm xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh nếu âm tính mới được trở về gia đình.

Tỉnh Phú Thọ yêu cầu người dân trở về từ các xã, phường thuộc cấp độ 1, cấp độ 2 chủ động tự theo dõi sức khỏe 7 ngày, khuyến khích tự thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên. Nếu trở về từ địa phương thuộc cấp độ dịch 3 và 4, người dân phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ.

Tương tự, tỉnh Bắc Giang yêu cầu người đến từ tỉnh, TP có ca nhiễm cộng đồng vào địa bàn phải có kết quả test nhanh âm tính trong 48 giờ hoặc giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ. Với Bắc Ninh, người từ những nơi có cấp độ dịch 3 và 4 chỉ cần xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, nếu âm tính thì không phải cách ly. Tỉnh Hà Nam chỉ cách ly y tế với người đến từ vùng dịch cấp độ 4 hoặc vùng đang cách ly y tế. Các khu vực khác, người dân chỉ cần khai báo y tế.

Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh, khuyến khích người lao động ở lại ăn Tết và tiêm mũi thứ 3. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh yêu cầu tất cả cơ quan, địa phương, đơn vị động viên người lao động không về quê ăn Tết, không ra khỏi địa bàn, đồng thời có biện pháp tăng cường chống dịch dịp Tết. Còn với Thái Nguyên yêu cầu giấy xét nghiệm với người đến, về địa phương. Theo đó, người dân vận động, thông tin đến người thân trong gia đình đang học tập và làm việc ngoại tỉnh không đi, về TP Thái Nguyên từ nay đến dịp Tết.

Chấn chỉnh việc áp dụng biện pháp phòng dịch không phù hợp

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, các địa phương khó có thể áp dụng biện pháp hành chính để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Việc tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, làm việc và sinh hoạt là rất quan trọng trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt. Hạn chế đi lại hay cách ly người về từ vùng dịch là biện pháp chống dịch của quá khứ, không nên mang để áp dụng lúc này. Một địa phương đặt thêm các quy định giữ an toàn cho tỉnh mình là không còn phù hợp.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp Sự kiện Y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế cho rằng, thay vì vận động hoặc ra quy định “làm khó” người dân, chính quyền các địa phương có thể xây dựng một thông điệp khác có ý nghĩa hơn nhiều. Đó chính là thông điệp "đón Tết an toàn".

Thực hiện điều này, người lao động vừa thấy an lòng khi có quê hương ở phía sau, vừa truyền cảm xúc tích cực, người dân sẽ ý thức, trách nhiệm tự bảo vệ mình và người thân trước dịch. Và điều quan trọng nhất “đón Tết an toàn” là hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong điều kiện bình thường mới.

Theo chuyên gia y tế, thay vì “vận động” người dân không về quê đón Tết các địa phương nên yêu cầu họ thực hiện nghiêm các quy định về công tác phòng, chống dịch. Đó là thực hiện nghiêm quy định 5K, khai báo y tế đầy đủ, thông tin cho chính quyền địa phương, chủ động xét nghiệm khi về quê để tăng ý thức phòng dịch cho cả bản thân lẫn người nhà, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập đông người... Những thông điệp này chắc chắn sẽ là dịp truyền cảm xúc tích cực cho người dân trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, hướng dẫn của Bộ Y tế về quy định cách ly người về từ các tỉnh, TP phải cách ly từ 7 - 14 ngày (tùy mức độ dịch) hiện không còn phù hợp. Bởi tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 ở nước ta hiện rất cao, đã lên đến 168.960.116 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.618.347 liều, tiêm mũi 2 là 72.437.514 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 17.904.255 liều. Khi độ bao phủ vaccine cả nước đã ở tỷ lệ cao, nếu cứ sợ, thì chẳng lẽ đợi ngày Zero Covid-19 mới về quê ăn Tết chăng? Hay việc ra quy định như thế này là "làm khó" người dân về quê dịp Tết sẽ tạo ra tiền lệ không hay…

Trước việc một số địa phương áp dụng biện pháp quản lý, cách ly chưa phù hợp hay việc trạm y tế tự ý thu tiền xét nghiệm khi đến tiêm vaccine Covid-19, Bộ Y tế đề nghị các địa phương chấn chỉnh biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp. Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, TP chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh hoặc điều tra, nếu có vi phạm yêu cầu xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hoặc chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan công an để xem xét, xử lý. Đồng thời, các địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định. Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

 

Hiện, mỗi địa phương đã đưa ra một số quy định cụ thể để đảm bảo an toàn cho người dân trong việc quay trở về quê đón Tết. Tuy nhiên, những lời kêu gọi kiểu thư ngỏ, văn bản vận động người dân hạn chế về quê dịp Tết không tạo cảm xúc tích cực cho xã hội, còn có thể gây tâm lý kỳ thị người ở xa về với cộng đồng tại địa phương. Điều đó có thể khiến người dân bức xúc khi chính quyền vô cảm với nỗi nhọc nhằn của lao động xa quê.

PGS.TS Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Viện Social Life)

 

 

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 16/1, cả nước có 33 tỉnh, thành vùng xanh (cấp độ dịch 1); 23 tỉnh vùng vàng (cấp độ dịch 2); 7 tỉnh vùng cam (cấp độ dịch 3), không có tỉnh, thành thuộc vùng đỏ. Trong đó, vùng xanh là vùng có mức độ bình thường mới trong phòng chống dịch Covid-19. 23 tỉnh, TP thuộc vùng vàng gồm: Bà Rịa -Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Hà Nội, Gia Lai, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Khánh Hoà, Lâm Đồng, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Thanh Hoá, Vĩnh Phúc, TP Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai. 7 tỉnh, TP thuộc vùng cam gồm: Bình Phước, Bình Định, TP Hải Phòng, Hậu Giang, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh và Vĩnh Long.



Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần