Để những cây bút trẻ vươn xa hơn

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, nhiều người bi quan, cho rằng văn học đã chững lại khi gần như không có nhiều tác phẩm nào viết về đời sống đương đại, điều đó khiến nhiều người đặt ra câu hỏi những người trẻ tránh những vấn đề hiểm hóc đòi hỏi sự trả giá, dấn thân?

Làn sóng văn chương trẻ luôn chảy

Lực lượng người viết trẻ bao giờ cũng tiêu biểu cho sức sống, sáng tạo và mỗi giai đoạn đều có những đóng góp riêng. Những năm gần đây, theo dõi văn học trẻ, có thể nhận thấy họ đã kế thừa được một số phẩm chất tốt đẹp của cha anh đi trước, viết ra nhiều tác phẩm có dấu ấn sáng tạo và đoạt nhiều giải thưởng văn chương ở các lĩnh vực.

Các đại biểu, nhà văn tham gia Hội nghị Những người viết văn toàn quốc lần thứ X.
Các đại biểu, nhà văn tham gia Hội nghị Những người viết văn toàn quốc lần thứ X.

Vừa qua, 100 đại biểu đã tham dự hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, với chủ đề “Vì sao chúng ta viết?”. Tại hội nghị có những cây bút trẻ là những người đang viết đều, viết khỏe như: Vũ Đức Anh (28 tuổi) đã có 4 tiểu thuyết; Huỳnh Lê Triều Phú (25 tuổi) xuất bản 9 đầu sách gồm thơ, truyện ngắn, tùy bút, khảo cứu; Phạm Minh Quân (28 tuổi), có 5 đầu sách dịch; Phát Dương (26 tuổi), có 3 tập truyện ngắn in riêng, 3 tập truyện ngắn in chung; Trác Diễm (33 tuổi), đã xuất bản 3 tiểu thuyết và 3 tập truyện ngắn; Vũ Thị Huyền Trang (35 tuổi), đã xuất bản 11 tập truyện ngắn, tùy bút.

Theo dõi kỹ dòng chảy văn chương trẻ, nhà văn Đỗ Anh Vũ (Hà Nội) chia sẻ, ngày càng có những bạn trẻ đam mê văn chương, muốn khẳng định mình và họ đã làm được rất nhiều để tạo nên một dòng chảy văn chương đa dạng. Đặc biệt phải kể đến Nguyễn Bình (20 tuổi), sinh viên đang học Thiên văn học ở Mỹ đã dịch kiệt tác Truyện Kiều sang tiếng Anh và được những nhà văn, dịch giả tên tuổi của Mỹ đánh giá cao; hay Trang Nguyễn (21 tuổi) viết tác phẩm "Chang hoang dã - gấu" được NXB Pan Macmillan của Anh mua bản quyền toàn cầu và sau đó họ đã bán bản quyền cuốn sách này sang Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhà thơ Lữ Mai (Hà Nội) - một cây viết thế hệ 8X, chia sẻ: “Hiện nay, không ít tác giả trẻ còn xuất sắc, vượt khỏi phạm vi trong nước để vươn ra thế giới với tài năng, bản sắc Việt như tác giả Nguyễn Bình với bản dịch tiếng Anh "Truyện Kiều" của Đại thi hào Nguyễn Du được trao giải thưởng Tác giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam. Mang khát vọng vươn lên tầm cao mới, mang sự tự tin của thế hệ công dân toàn cầu và vẫn có ý thức kế thừa truyền thống... đó là những tín hiệu khiến bạn đọc tin tưởng vào những nỗ lực của người viết trẻ”.

Định hướng người viết trẻ

Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X đặt chủ đề và cũng là định hướng thảo luận rất cô đọng: “Vì sao chúng ta viết?”. Đây cũng là điều mà chính bản thân các tác giả trẻ đang tự đặt câu hỏi với mình.

Chúng ta cũng cần phải nhìn thẳng vào sự thật, văn chương trẻ vẫn còn thiếu nhiều yếu tố. Trước tiên đó là thiếu chuyên nghiệp, đa số các tác giả trẻ đều sáng tác nghiệp dư, chưa nhiều tác giả nào coi sáng tác như một nghề. Phần đa họ viết trong lúc nhàn rỗi. Họ viết văn nhưng đang sống với một nghề khác. Mặt khác bệ phóng và nhu cầu sử dụng tác phẩm của các nhà văn trẻ hiện này vẫn còn hạn chế, điều ấy khiến cho các cây bút trẻ nản chí, rẽ sang một hướng khác, chỉ xem văn chương như một cuộc dạo chơi.

Đồng quan điểm ấy, nhà thơ Đặng Thiên Sơn (Hà Nội) chia sẻ: “Giá như có nhiều giải thưởng hơn cho văn trẻ, các nhà xuất bản, các công ty sách mặn mà hơn với tác phẩm của họ, để họ có thể sống được bằng nghề viết thì chắc chắn là sẽ có những tác phẩm hay".

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, giữa các nhà văn, nhất là các tác giả trẻ vẫn chưa thực sự gắn kết với nhau, tạo nên một cộng đồng sáng tác, điều này khiến cho mạnh ai nấy làm, nhiều tác giả trẻ sau khi tác phẩm ra đời họ thấy lạc lõng, không có những sẻ chia, khiến họ nản chí. Vì vậy, phê bình và sự động viên của các nhà văn đi trước với đội ngũ sáng tác trẻ là hết sức cần thiết.

Mặt khác, tự thân lực lượng viết văn trẻ cần nỗ lực, cố gắng hơn, tạo sự bứt phá. Như năm nay, Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần thứ 7 vừa mới trao vẫn không có giải nhất, đó cũng là điều khiến chúng ta phải suy nghĩ. Đọc một số tác phẩm của nhà văn trẻ thấy tràn ngập sự mới mẻ, trên các phương diện nội dung, hình thức, giọng điệu... Nhưng vấn đề của văn trẻ hiện nay là phong cách của các cây bút có nét giống nhau, lẫn vào nhau mà ít có những gương mặt nổi trội.

 

Mỗi thế hệ nhà văn Việt Nam đã mang đến một giọng nói của thời đại mình, mang đến những giá trị mới cho văn học Việt Nam và góp phần tạo ra những địa tầng mới cho văn hóa dân tộc. Mỗi thế hệ nhà văn xuất hiện lại mang tới những vẻ đẹp mới của sáng tạo, nhưng bản chất của nền văn học ấy không hề đổi thay ở bất cứ hoàn cảnh nào của lịch sử. Đó là nền văn học vì cái đẹp, vì lẽ phải, vì con người, vì dân tộc

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều