Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để niềm vui trọn vẹn

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Trong dịp đón Tết Độc lập vừa qua, một kỷ lục đáng chú ý đã được thiết lập. Đó là kỷ lục mới về lượng khách sử dụng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Ngày 3/9, lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) thông báo, đúng vào ngày Quốc khánh 2/9, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông tiếp tục xác lập kỷ lục vận chuyển kể từ ngày tuyến chính thức đi vào vận hành với tổng cộng 55.980 lượt hành khách.

Cũng theo Hanoi Metro tuyến đường hiện có khoảng 10.000 hành khách sử dụng vé tháng. Bình quân mỗi ngày, tuyến phục vụ trên 32.000 lượt hành khách, ngày cuối tuần phục vụ 26.000 - 28.000 lượt hành khách.

Những con số trên cho thấy, với tuyến đường sắt đô thị đầu tiên được vận hành, Hanoi Metro bước đầu đã góp phần làm thay đổi thói quen đi lại của người dân và từng bước tạo dựng văn hóa sử dụng phương tiện giao thông công cộng văn minh, an toàn, thân thiện.

Đó là niềm vui được ghi nhận. Nhưng cùng niềm vui vẫn là những nỗi băn khoăn không nhỏ. Cũng do lượng khách sử dụng loại hình phương tiện công cộng này tăng khá nhanh nên đã bộc lộ những bất cập của hệ thống.

Rõ nhất khả năng tiếp cận của khách đi tàu với tuyến đường còn hạn chế, mà dễ thấy và hiện đang bức xúc nhất là tình trạng không có điểm trông giữ xe cho khách đi tàu, dẫn đến tình trạng nhiều bãi giữ xe không phép vô tư tồn tại cạnh các nhà ga tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, chiếm cả diện tích vỉa hè để trông xe thu tiền, thậm chí ngang nhiên “chặt chém” khách gửi xe, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, cháy nổ.

Phương án khắc phục được đề xuất là khẩn trương tổ chức hệ thống điểm trông giữ xe suốt dọc tuyến đường. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng việc bố trí điểm trông xe máy cho khách đi tàu chỉ là giải pháp tình thế trong điều kiện đây là tuyến đường sắt đô thị duy nhất đang hoạt động, người dân vẫn phải đi bằng xe cá nhân đến để nối chuyến.

Bởi chúng ta đều biết, theo Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 Hà Nội sẽ có tất cả 9 tuyến đường sắt đô thị và mạng lưới kết nối đô thị vệ tinh với tổng chiều dài 417,8 km. Hãy thử hình dung nếu dọc tất cả các tuyến đường sắt đô thị trong tương lai đều bố trí những điểm trông giữ xe máy thì sẽ cần một diện tích đất lớn như thế nào.

Cũng bởi vậy, phương án thiết lập mạng lưới giao thông công cộng đồng bộ với loại hình tàu điện, xe bus, xe đạp công cộng… để người dân dễ dàng tiếp cận với đường sắt đô thị là vô cùng quan trọng, cần được quy hoạch ngay từ bây giờ.

Công bằng mà nói, không phải các nhà quản lý giao thông công cộng không quan tâm đến vấn đề này. Nhiều phương án đã được đề ra, trong đó có thể kể đến việc tái cấu trúc hệ thống xe buýt để nâng cao hiệu quả, tăng tính kết nối với đường sắt đô thị, và mới đây là dịch vụ cho thuê xe đạp công cộng với 1.000 xe tại 79 trạm cách nhau khoảng 1km, gần địa điểm du lịch, bến xe buýt, tàu điện trên cao.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để những phương án nêu trên phát huy tác dụng còn rất nhiều khó khăn, mà lớn nhất không phải thiếu tiền, thiếu cơ sở vật chất mà là thiếu ý thức tự giác, đoàn kết vì lợi ích chung của không ít người dân.

Có một thực tế là thói quen sử dụng xe máy, ô tô riêng đã ăn sâu bén rễ trong bộ phận không nhỏ người dân Hà Nội. Hiện có không ít cán bộ, công nhân viên, công chức, viên chức của Hà Nội, dù nhu cầu đi lại không nhiều nhưng vẫn thường xuyên sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.

Nếu lực lượng này tự giác chuyển sang đi bộ, đi xe đạp, tàu điện, xe buýt… sẽ góp phần làm giảm đáng kể ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, đồng thời thúc đẩy được phong trào xanh hóa giao thông trong lòng Hà Nội.

Nói cách khác, ngay từ bây giờ xây dựng thói quen đi bộ, đi xe đạp, tàu điện, xe buýt… với mỗi người dân Hà Nội là vô cùng cần thiết để niềm vui tiếp cận với hệ thống giao thông công cộng hiện đại của Thủ đô trong tương lai được trọn vẹn.