Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để nợ xấu không… xấu

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng trăm tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý trong 2 năm qua. Điều này cho thấy nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoàn thiện và bổ sung các hành lang pháp lý cho nhiệm vụ này. Tuy nhiên, để nợ xấu thực sự đẹp vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

 Ảnh minh họa
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong 6 năm qua, một khoản nợ xấu khổng lồ (786.000 tỷ đồng) đã được Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các ngân hàng xử lý. Đặc biệt, 2 năm gần đây, nợ xấu toàn hệ thống giảm rõ rệt từ mức gần 2,5% vào cuối năm 2016 xuống còn gần 2,1% vào giữa năm 2018, tương đương 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã được xử lý trong thời gian 1,5 năm. So với thời gian trước đó, kết quả xử lý nợ xấu này đã nhanh gấp 1,5 lần.
Một trong những nguyên nhân quan trọng của những tín hiệu lạc quan trong xử lý “cục máu đông” của hệ thống ngân hàng là do Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội đã tạo ra biện pháp mạnh giải quyết, xử lý nhanh nhất nợ xấu ngân hàng. Cụ thể, Nghị quyết 42 đã khẳng định quyền chủ nợ của ngân hàng và VAMC, cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo mà không cần phải qua tòa án và cho phép bán nợ xấu dưới giá sổ sách. Nếu như trước đây, nhiều DN chây ì, vin cớ đang tranh chấp nội bộ hay người có nghĩa vụ liên quan vắng mặt… để không bàn giao tài sản đảm bảo, nhưng từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, một số khách hàng đã tự nguyện bàn giao tài sản đảm bảo cho ngân hàng.

Ngoài ra, NHNN và các ngân hàng thương mại cũng có nhiều giải pháp quyết liệt đẩy mạnh hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường đồng thời giảm thiểu tối đa rủi ro trong việc mua bán nợ. Công tác rà soát, phân loại, đánh giá lại tài sản đảm bảo và các khoản nợ xấu đã mua cũng được quan tâm để có những giải pháp xử lý phù hợp. Như vậy, với hàng loạt các giải pháp triển khai đồng bộ, sự tự giác của khách hàng, chất lượng tín dụng được nâng cao, nợ xấu ngân hàng đang được xử lý một cách tích cực.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia hoạt động bán nợ theo thị trường vẫn còn hạn chế. Trong số 786.000 tỷ nợ xấu được xử lý trong 6 năm qua, gần 40% các khoản nợ được ngân hàng gửi ở kho VAMC; số còn lại được ngân hàng tự chi trích lập dự phòng để xử lý, chỉ một phần nhỏ nợ xấu được VAMC và ngân hàng bán thành công ra thị trường. Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, hoạt động bán nợ xấu theo giá thị trường còn rất hạn chế, quá trình tái cơ cấu các ngân hàng còn chậm. Phía NHNN cũng thừa nhận, dù đã có Nghị quyết 42 nhưng việc phát mãi tài sản đảm bảo vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nghị quyết 42 vốn được kỳ vọng là “bảo kiếm” để xử lý nợ xấu nhưng nếu trong thời gian này, thị trường mua bán nợ chưa thể hình thành và phát triển, thì nỗi lo nợ xấu lại tiếp tục dềnh lên.

Thực trạng này đang đòi hỏi các cơ quan quản lý và chính các ngân hàng phải cùng bàn thảo, đề xuất thêm biện pháp, qua đó cùng cơ quan công quyền sớm giải tỏa “cục máu đông” nợ xấu tồn tại dai dẳng từ nhiều năm qua.