Để phát triển nhà ở xã hội cần tăng vốn đầu tư công và tài chính Công đoàn
Kinhtedothi - “Giải pháp tăng tốc làm nhà ở xã hội (NƠXH)” – một chủ đề không chỉ có tính thời sự mà còn mang tầm chiến lược quan trọng đối với an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Đây cũng là chủ đề chính của Hội thảo “Giải pháp tăng tốc làm NƠXH” do Báo Lao động tổ chức, tại Hà Nội ngày 28/5.

Quang cảnh hội thảo.
NƠXH trọng tâm của phát triển kinh tế - xã hôi
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Phan Văn Anh cho biết, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 655 dự án NƠXH được triển khai, đã hoàn thành 103 dự án. Tuy nhiên, mới đạt 15,6 % mục tiêu của Đề án phát triển NƠXH. Trong khi đó, một số địa phương có kết quả thực hiện chậm Đề án; việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng còn chậm so với mong muốn cũng như nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp đầu tư NƠXH, nhà ở cho công nhân. Vướng mắc trong việc xây dựng NƠXH có 3 “nút thắt” là pháp lý, nguồn vốn, quỹ đất.
“Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng NƠXH bằng nguồn tài chính Công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách NƠXH thuê. Tổng LĐLĐ Việt Nam rất muốn lắng nghe ý kiến của các đại biểu, nhà khoa học, từ đó sẽ kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội các cấp, ngành và đề xuất giải pháp khả thi để có thể triển khai ngay trong thời gian tới, đồng thời giúp hoàn thiện chính sách và thúc đẩy quá trình triển khai xây dựng NƠXH hiệu quả hơn nữa” - Phó Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh phát biểu.
Theo ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), những năm gần đây, phát triển NƠXH đã và đang trở thành một trong những nội dung trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Điều này, càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhu cầu nhà ở của người dân có thu nhập thấp và công nhân lao động tại các khu công nghiệp ngày càng gia tăng.
Về công tác quy hoạch và bố trí quỹ đất, tính đến nay, cả nước đã có 1.309 vị trí được quy hoạch để phát triển NƠXH, tổng diện tích khoảng 9.737 ha. Đây là minh chứng rõ nét cho sự cam kết của các địa phương trong việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo dành đủ quỹ đất cho phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp.
Về việc triển khai Đề án 1 triệu căn NƠXH, đến ngày 30/4/2025, cả nước có 679 dự án đang được triển khai, với tổng quy mô 623.051 căn. Trong đó, 108 dự án đã hoàn thành (73.075 căn); 152 dự án đã khởi công (130.963 căn); có 419 dự án đã có chủ trương đầu tư (419.013 căn). Như vậy, tổng số căn đã hoàn thành và khởi công hiện chiếm khoảng 48% so với mục tiêu 458.000 căn đặt ra đến năm 2025.

Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) thông tin về kết quả xây dựng NƠXH.
Về công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ địa phương, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã thành lập 16 đoàn công tác, trực tiếp kiểm tra tại các địa phương trọng điểm như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Thuận… Kết quả tổng hợp cho thấy, chỉ tiêu được giao cho 16 địa phương là 54.002 căn, trong đó các địa phương cam kết có thể hoàn thành 47.460 căn, đạt khoảng 88%.
“Với quyết tâm chính trị cao, sự phối hợp chặt chẽ từ T.Ư đến địa phương, cùng sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng mục tiêu xây dựng 1 triệu căn NƠXH đến năm 2030 là khả thi. Bộ Xây dựng cam kết tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp trong quá trình triển khai, để NƠXH thực sự trở thành điểm tựa an cư cho hàng triệu người dân có thu nhập thấp trên cả nước” - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS Hà Quang Hưng cho hay.
Đẩy mạnh nguồn vốn Công đoàn cho NƠXH
Theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong, phát triển NƠXH luôn là một trong những chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng và Chính phủ nhằm bảo đảm an sinh xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, khi nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp và công nhân ngày càng cấp bách thì vấn đề nguồn lực – đặc biệt là nguồn vốn – trở thành yếu tố then chốt quyết định hiệu quả triển khai.
Về chính sách mở đường cho dòng vốn: Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH giai đoạn 2021– 2030, đây là “kim chỉ nam” chiến lược, đặt ra chỉ tiêu rõ ràng cho cả nước; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư và Quyết định 927/2024/QĐ-TTg đã làm rõ vai trò lãnh đạo của Đảng và cụ thể hóa chiến lược phát triển NƠXH trong giai đoạn mới; Công điện 130/2024/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, bổ sung quy hoạch và quỹ đất NƠXH, đẩy nhanh phê duyệt dự án, đồng thời tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm...

Chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần tăng vốn đầu tư công và tài chính Công đoàn để phát triển NƠXH.
Tuy nhiên, để công tác phát triển NƠXH thực chất và bền vững, cần triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp tài chính – chính sách: Thứ nhất, rút ngắn thủ tục và nới điều kiện vay vốn, đơn giản hóa quy trình giải ngân gói 120.000 tỷ đồng; hạ lãi suất ưu đãi cho người mua NƠXH về dưới 5%; mở rộng đối tượng vay gồm cả người lao động di cư, chủ đầu tư dự án cho thuê.
Thứ hai, là tăng vốn đầu tư công và tài chính Công đoàn, bổ sung vốn từ ngân sách Nhà nước để triển khai dự án NƠXH cho thuê; cho phép Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục đầu tư nhà ở công nhân từ nguồn tài chính Công đoàn; hỗ trợ bảo lãnh tín dụng và miễn giảm thuế cho các dự án được chỉ định triển khai. Thứ ba, là công khai và chuẩn hóa danh mục quỹ đất dành cho NƠXH; có quy định rõ ràng về hoàn trả chi phí GPMB, đầu tư hạ tầng; ưu tiên bố trí đất công nằm gần các khu công nghiệp, khu đô thị mới...
“Dòng vốn chính là “huyết mạch” để NƠXH chuyển từ chính sách thành hiện thực. Những chính sách đang phát huy tác dụng, nhưng vẫn cần thêm hành lang pháp lý rõ ràng, nguồn lực tài chính mạnh mẽ hơn và sự phối hợp quyết liệt từ trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, cũng cần cho phép thành lập các quỹ tín thác đầu tư BĐS NƠXH (REITs); khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh dành riêng cho lĩnh vực NƠXH; tăng cường hợp tác công – tư trong việc đầu tư, quản lý, vận hành nhất là tại các đô thị lớn. Nếu tháo gỡ được điểm nghẽn về vốn, chúng ta sẽ tạo ra được bước đột phá trong phát triển NƠXH, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, giữ chân người lao động, ổn định thị trường BĐS và thúc đẩy tăng trưởng bền vững” – TS Nguyễn Minh Phong nói.

Đề xuất phụ nữ sinh đủ 2 con được ưu tiên mua nhà ở xã hội
Kinhtedothi - Bộ Y tế đang lấy ý kiến dự thảo Luật Dân số. Trong đó, Bộ Y tế đề xuất phụ nữ sinh đủ 2 con ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và các tỉnh, TP có mức sinh thấp sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ để duy trì mức sinh thay thế.

Đà Nẵng mở bán nhà ở xã hội tại dự án An Trung 2
Kinhtedothi - Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng vừa công bố kế hoạch mở bán 633 căn hộ nhà ở xã hội tại khối nhà A và B thuộc dự án chung cư cho người thu nhập thấp An Trung 2. Đợt mở bán lần này không chỉ góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở thiết thực mà còn thể hiện rõ cam kết của thành phố trong việc chăm lo đời sống người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế trong xã hội.

Hà Nội đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp
Kinhtedothi - Nhà ở xã hội trên địa bàn TP Hà Nội đang rất thiếu, bởi nhu cầu cao do sự gia tăng dân số cơ học. Để nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp trên địa bàn TP Hà Nội sớm được sở hữu căn nhà ở xã hội, các doanh nghiệp đang tập trung huy động nhân lực, vật lực sớm hoàn thiện dự án.