Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Để phở Hà Nội thành tấm "danh thiếp" ra thế giới

Quỳnh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phở trở thành thức quà nhất định phải thưởng thức khi đến Hà Nội, là nhận định của hầu hết khách du lịch trong nước và quốc tế khi đến nơi đây. Điều này là minh chứng cho việc phở Hà Nội chính là tấm "danh thiếp" góp phần đưa văn hóa Hà Nội vươn ra thế giới.

Bánh phở được trần trong nước sôi giúp sợi phở mềm và ngon.
Bánh phở được trần trong nước sôi giúp sợi phở mềm và ngon.

Từ thức quà bình dân đến di sản văn hóa phi vật thể

Lịch sử của hình thành và phát triển của món phở gắn với với lịch sử thăng trầm của Thủ đô, ký ức của nhiều người Hà Nội. Phở đã nương theo những biến động lịch sử trong nửa cuối thế kỷ XX của Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, phát triển rất sôi động với tốc độ nhanh và mở rộng địa bàn, trở thành món ăn phổ biến được ưa chuộng tại Hà Nội.

Bà Trương Bích Khanh (Thành Công, quận Ba Đình) chia sẻ: “Vào những năm 1950 của thế kỷ trước, lúc còn nhỏ, mỗi khi được mẹ cho lên nhà ông bà ngoại ở phố Phan Huy Chú (quận Hoàn Kiếm) chơi, tôi lại có cơ hội thưởng thức một bát phở gánh gần khu vực bờ Hồ. Đến giờ cảm xúc hạnh phúc đó vẫn còn nguyên vẹn, không thể quên. Ăn hết một bát phở vẫn còn thòm thèm”.

Từ phở gánh dần dần theo thời gian, phở Hà Nội chuyển sang được bán ở những địa điểm cố định. Địa điểm mở cửa hàng phở rất đa dạng về vị trí và diện tích. Vỉa hè, ngõ nhỏ, trong nhà… đều có thể trở thành nơi bán phở. Với hương vị đặc trưng và cách chế biến độc đáo, phở Hà Nội đã tạo được dấu ấn riêng.

Một quán phở nhỏ trên phố Khâm Thiên, quận Đống Đa.  
Một quán phở nhỏ trên phố Khâm Thiên, quận Đống Đa.  

Để quảng bá cho thức quà này, năm 2018, phở được chọn là một trong 12 món ăn đặc sản của Hà Nội giới thiệu tại Trung tâm báo chí trong khuôn khổ Hội nghị Mỹ - Triều. Phở đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà báo quốc tế thưởng thức và đã viết bài giới thiệu về phở Hà Nội nói riêng và phở Việt Nam nói chung.

Còn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội hàng năm, phở luôn là món ẩm thực không thể thiếu trong các không gian giới thiệu ẩm thực Hà Nội.

Tháng 9 tháng 10 năm 2023 Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin các quận, huyện, thị xã tiến hành kiểm kê di sản phở. Đây là lần đầu tiên, phở được kiểm kê một cách toàn diện, kết hợp với nhận diện di sản và đánh giá giá trị văn hóa, lịch sử và khoa học của di sản…

Giờ đây, phở không chỉ là món ăn tồn tại trong tâm thức của người Hà Nội mà đã gần như trở thành một biểu tượng cho nền ẩm thực phong phú của người Việt Nam nói chung và vượt ra khỏi lãnh thổ, vươn tầm ẩm thực thế giới. Nhờ vậy, phở Hà Nội đã tạo được dấu ấn riêng và làm nức lòng du khách.

Từ thức quà bình dân, phở Hà Nội trở thành di sản-niềm tự hào của người dân Thủ đô.
Từ thức quà bình dân, phở Hà Nội trở thành di sản-niềm tự hào của người dân Thủ đô.

Với “tiềm năng” vốn có của phở, sự quyết tâm, nỗ lực của UBND TP Hà Nội để ghi danh tri thức dân gian phở Hà Nội vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia, ngày 9/8/2024, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã ban hành Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với phở Hà Nội.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Việc ghi danh "Phở Hà Nội" vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là một bước ngoặt quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn mở ra cánh cửa để Việt Nam tiếp tục tỏa sáng trên bản đồ ẩm thực thế giới, với phở Hà Nội làm lá cờ đầu, dẫn lối cho ẩm thực Việt Nam vươn xa.

Xây dựng bản đồ phở Hà Nội

Để phở Hà Nội thành tấm “danh thiếp” vươn tầm thế giới cần phải bảo tồn và phát huy giá trị di sản này. Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, quảng bá và giới thiệu về di sản phở; phát triển nghề nấu phở bền vững, chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu “Phở Hà Nội” là điều được ưu tiên.

 

Từ 1/12/2024, Báo Kinh tế và Đô thị điện tử chính thức ra mắt chuyên mục "Tinh hoa Ẩm thực Hà Nội" với sự phối hợp của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sự đồng hành của Acecook Việt Nam.

Những vấn đề về nguồn gốc, quá trình hình thành của phở hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Dó đó, thời gian tới TP tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm làm rõ nguồn gốc, quá trình hình thành nghề nấu phở nói chung và ở Hà Nội nói riêng.

Phở Hà Nội đầy "sức hút" với thực khách.
Phở Hà Nội đầy "sức hút" với thực khách.

Xây dựng bản đồ Phở Hà Nội là giải pháp vừa đáp ứng được nhu cầu vừa quảng bá được sản phẩm đến người dân, khách du lịch. Hình thành bản đồ du lịch phở Hà Nội sẽ đưa ra những gợi ý, chỉ dẫn cụ thể về những cửa hàng phở ngon ở Hà Nội. Những cửa hàng phở này được lựa chọn trên cơ sở khảo sát thực tế và đáp ứng các tiêu chí nhất định.

TP Hà Nội cũng sẽ chú trọng hỗ trợ nghệ nhân là chủ thể nắm giữ và thực hành nghề nấu phở truyền dạy truyền dạy kinh nghiệm, bí quyết, kỹ năng cho thế hệ kế cận. Cùng với đó, có chính sách tôn vinh, động viên, khen thưởng nghệ nhân. Đặc biệt, hỗ trợ các cửa hàng phở trong việc xây dựng thương hiệu, quy hoạch không gian, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; cũng như hình thành mạng lưới các không gian thưởng thức phở tại Hà Nội.

Phở Hà Nội đã góp phần làm phong phú thêm phở của người Việt Nam nói chung. Phở đã trở thành danh từ riêng trong hàng loạt từ điển danh tiếng trên thế giới và hiện diện ở trên 50 quốc gia trên thế giới nhất là khi phở Hà Nội đã chính thức được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc phở Hà Nội trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào của người Hà Nội mà còn là bước đệm để đề xuất xin chủ trương cho phép xây dựng Bộ hồ sơ quốc gia “Phở” và đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.