Đề phòng bệnh viêm gan bí ẩn

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 3/5 ghi nhận 228 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại 20 quốc gia thuộc khu vực châu Âu, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, trong đó có 4 trường hợp tử vong.

Bệnh xảy ra ở trẻ từ 1 tháng tuổi đến 16 tuổi, hầu hết bệnh nhi hồi phục hoàn toàn, tuy nhiên có một số trường hợp chuyển nặng, gần 10% các trường hợp phải ghép gan.

WHO cảnh báo tình trạng viêm gan cấp tính ở trẻ có thể liên quan đến Covid-19. Ảnh: Cleverland Clinic
WHO cảnh báo tình trạng viêm gan cấp tính ở trẻ có thể liên quan đến Covid-19. Ảnh: Cleverland Clinic

Chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh

Cũng theo WHO, các trường hợp được xác định là viêm gan cấp tính nêu trên có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa và men gan tăng cao rõ rệt. Đa số các trường hợp được báo cáo đều không bị sốt và không phát hiện nhiễm các loại virus phổ biến gây viêm gan virus cấp tính (virus viêm gan A, B, C, D và E).

Tại Việt Nam, hiện chưa ghi nhận trường hợp nào mắc viêm gan bí ẩn nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập rất lớn. Do đó, Bộ Y tế yêu cầu các viện đầu ngành tăng cường giám sát bệnh viêm gan cấp tính bí ẩn ở trẻ. Các đơn vị phối hợp với địa phương lấy mẫu, xét nghiệm trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân…

Đề cập đến vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền - Trưởng Khoa khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở 2) cho biết, để tăng cường giám sát, phát hiện sớm căn bệnh viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân ở trẻ, trong quá trình thăm khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bác sĩ đã khai thác thêm thông tin, cố gắng phát hiện các dấu hiệu sớm, triệu chứng nghi ngờ trẻ mắc viêm gan bí ẩn. Nhất là với trẻ có các dấu hiệu nôn, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, trẻ có hiện tượng viêm gan hay không (dựa vào xét nghiệm men gan) hoặc trẻ có dấu hiệu tiểu vàng, mắt vàng, suy gan tối cấp...

“Dù chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn nhưng nhiều nghi ngờ cho rằng căn bệnh này do Adenovirus gây ra. Đây không phải là virus mới và ở Việt Nam có rất nhiều đơn vị có thể xét nghiệm được loại virus này” - bác sĩ Huyền chia sẻ.

Cách phòng bệnh

Theo bác sĩ Huyền, trong y văn mô tả các virus gây bệnh viêm gan thường lây qua đường tiêu hóa hoặc lây qua đường máu, chưa thấy có virus nào gây bệnh viêm gan lây qua đường hô hấp mà gây tổn thương gan rõ ràng như bệnh viêm gan bí ẩn. Nếu có gây tổn thương gan thì thường là sau khi gây tổn thương đường hô hấp dẫn đến hậu quả suy đa tạng và tổn thương các cơ quan khác rồi mới đến tổn thương gan. Các virus đường hô hấp hiếm khi gây bệnh cảnh viêm gan bí ẩn như hiện tại.

Dựa vào mô tả triệu chứng các ca bệnh viêm gan bí ẩn trên thế giới thì đầu tiên, trẻ có triệu chứng ở đường tiêu hóa trước (trẻ đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy…), sau đó vài ngày mới mệt mỏi, chán ăn, vàng mắt, vàng da, đi tiểu vàng và suy gan. Không có trẻ nào có biểu hiện sốt. Chính vì vậy, khả năng cao tác nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn lây qua đường máu và đường tiêu hóa, đặc biệt lưu ý đến đường tiêu hóa vì biểu hiện đầu tiên của trẻ chính là ở đường tiêu hóa.

“Nếu phụ huynh thấy trẻ có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy thì nên cho trẻ đi khám để xem trẻ có tổn thương gan không, từ đó có biện pháp điều trị kịp thời cho trẻ. Cha mẹ tuyệt đối không tự ý điều trị cho trẻ. Trường hợp trẻ đã có biểu hiện tiểu vàng, mắt vàng thì bệnh đã ở giai đoạn khá muộn, rất nguy hiểm.

Trong bối cảnh hiện nay, người dân đã trải qua một thời gian khá dài của đại dịch Covid-19, ý thức phòng bệnh đã được nâng cao hơn rõ rệt và cần duy trì ý thức, thói quen này. Ngoài ra, với bệnh viêm gan bí ẩn cần chú ý nâng cao vệ sinh cá nhân, sát khuẩn tay thường xuyên, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thực hiện ăn chín uống chín, nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm, dùng thực phẩm an toàn…” – bác sĩ Huyền khuyến cáo.

Liên quan đến bệnh viêm gan bí ẩn, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho rằng, nếu căn bệnh viêm gan bí ẩn thực sự do virus Adeno gây ra, người dân, không có cách nào khác, ngoài việc rửa tay thường xuyên, sử dụng khẩu trang (nếu có thể) và tập trung vệ sinh ăn uống. Tuy nhiên, chuyên gia khuyến cáo, với nhóm được chú ý hiện nay là trẻ em, phụ huynh vẫn nên chăm con như bình thường. Khi trẻ có biểu hiện vàng da toàn thân, tiểu sậm màu, gia đình cần nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện.

“Cách điều trị cũng tương tự những căn bệnh viêm gan thông thường là giữ gan ổn định và chờ chúng tự hồi phục. Đặc biệt, người bệnh tránh uống thuốc không theo chỉ định. Đơn cử như với trẻ bị viêm gan, việc uống paracetamol sẽ làm tình trạng bệnh nặng thêm, rất nguy hiểm. Do đó, việc phát hiện bệnh sớm và nhập viện kịp thời cũng giúp trẻ có điều kiện hồi phục gan tốt hơn. Tuy nhiên, người dân không nên quá lo lắng với căn bệnh này” – bác sĩ Khanh lưu ý.

 

WHO khuyến cáo các quốc gia tiếp tục tăng cường giám sát phát hiện, điều tra và báo cáo thêm các trường hợp tương tự. Các mẫu bệnh phẩm cần thu thập bao gồm mẫu máu toàn phần, mẫu huyết thanh, nước tiểu, phân và bệnh phẩm hô hấp, cũng như các mẫu sinh thiết gan (nếu có). Trong khi chờ xác định nguyên nhân thật sự gây ra dịch viêm gan cấp mới ở trẻ em, các biện pháp phòng ngừa phổ quát đối với Adenovirus và các bệnh nhiễm trùng thông thường khác là rửa tay thường xuyên và vệ sinh đường hô hấp cần được tuân thủ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần